Hà Nội thi đua ái quốc

Hà Nội tuyên dương 88 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn năm 2018

TĐKT – Chiều 2/10, bà Chu Hồng Minh, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội đã thông tin đến báo chí về Lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn TP Hà Nội năm 2018. Bà Chu Hồng Minh, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội trao đổi với báo chí Theo đó, dự kiến TP Hà Nội sẽ tổ chức tuyên dương 88 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn vào 20h00 ngày 08/10/2018 tại Trung tâm Văn hóa, Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám. Các thủ khoa xuất sắc được tuyên dương lần này là những tấm gương tiêu biểu của sinh viên Thủ đô trong học tập và rèn luyện. Đó là những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, học viện với thành tích ấn tượng về học tập, rèn luyện và công tác Đoàn - Hội. Nhiều thủ khoa xuất sắc là đảng viên, là những tấm gương vượt khó vươn lên, có công trình nghiên cứu khoa học, những đề tài, sáng kiến, giải pháp thiết thực, hiệu quả được giải trong nước và quốc tế; nhiều bạn là cán bộ Đoàn, Hội tích cực, năng động... Tiêu biểu trong số đó là các sinh viên: Nguyễn Phương Anh - Trường Đại học Hà Nội; Đặng Thành Duy - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp; Mã Hồng Anh - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Đỗ Mỹ Linh - Trường Đại học Sân khấu điện ảnh; Nguyễn Thị Dung - Học viện Chính sách & Phát triển. Năm 2018 là năm thứ 16 liên tiếp TP Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn. Đây là hoạt động thể hiện sự quan tâm thường xuyên, sâu sắc của TP Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ; đồng thời là sự ghi nhận, biểu dương đối với kết quả học tập, rèn luyện, tinh thần vượt khó vươn lên của sinh viên Thủ đô. Sau 16 năm (tính cả năm 2018), đã có 1705 Thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của Ủy ban nhân dân TP Hà Nội. Nhiều trong số các bạn Thủ khoa được vinh danh đã thành công trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho Thủ đô và đất nước. Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, kịp thời trong việc khuyến khích, bồi dưỡng và thu hút những nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, Quy chế tuyên dương thủ khoa xuất sắc các trường Đại học, Học viện trên địa bàn TP Hà Nội là một trong những cơ chế điển hình trong việc thu hút nhân tài về phục vụ, cống hiến cho Thủ đô. Thục Anh  

Hà Nội: Biểu dương người tốt, việc tốt, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu và Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018

TĐKT – Chiều 2/10, đồng chí Nguyễn Công Bằng, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội đã thông tin đến các cơ quan báo chí về kết quả phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, phong trào “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển” và Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018. Năm 2018, phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” được thành phố quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả với mục tiêu khơi dậy và phát huy tinh thần tương thân, tương ái, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã tạo động lực to lớn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng thông tin với báo chí Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có hơn 10.000 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt được khen thưởng từ cấp cơ sở; Chủ tịch UBND thành phố đã khen thưởng, biểu dương hơn 700 dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Năm 2018 cũng là năm thứ 3 TP Hà Nội đẩy mạnh phong trào thi đua “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển” với nhiều chương trình hành động, giải pháp cụ thể. Thông qua phong trào này, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố được cải thiện rõ rệt; giảm đáng kể thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đang ký kinh doanh, đầu tư, quy hoạch, đất đai; Hà Nội được xếp trong top 10 thành phố năng động nhất thế giới… 9 tháng đầu năm 2018, thành phố đã kịp thời biểu dương, khen thưởng và đề nghị Nhà nước khen thưởng cho gần 300 doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhằm tổng kết, đánh giá hai phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” và “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển”, cũng như biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, Công dân Thủ đô ưu tú; tuyên dương vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao tại ASIAD 2018; trao tặng Cup Thăng Long cho doanh nghiệp tiêu biểu, dự kiến ngày 7/10 tới, TP Hà Nội sẽ trang trọng tổ chức Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, doanh nghiệp doanh nhân tiêu biểu, vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018. Dự kiến Hội nghị sẽ tôn vinh 700 gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; 300 doanh nghiệp, doanh nhân; 38 vận động viên, huấn luyện viên tiêu biểu. Đồng chí Nguyễn Công Bằng cho biết, Hội nghị được tổ chức với tinh thần đổi mới, cải cách “3 trong 1”. Tại Hội nghị, ban tổ chức sẽ không dùng 1 phóng sự cho cả chương trình mà sử dụng xen kẽ phóng sự minh họa, giao lưu và văn nghệ trong từng phần biểu dương, tôn vinh gương điển hình. Danh sách 10 Công dân Thủ đô ưu tú năm 2018 Ông Nguyễn Hữu Ngọc - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội (SN 1918) PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (SN 1966) Bà Trần Phương Lan - Trưởng Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bọng nước”, quận Hoàn Kiếm (SN 1977) Ông Nguyễn Tứ Hùng - Công dân Cụm 13, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội (SN 1945) Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T (SN 1962) Nghệ nhân Ưu tú ẩm thực Việt Nam Phạm Thị Tuyết - Chủ nhà hàng Ánh Tuyết - 25 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm (SN 1953) Vận động viên điền kinh Bùi Thị Thu Thảo, đạt huy chương vàng tại Đại hội thể thao Châu Á 2018 (SN 1992) Ông Trịnh Ngọc Trình - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Miền núi (HEDO) (SN 1934) Thượng úy Nguyễn Văn Tiến - Đội CSGT số 12 - Phòng CSGT Đường bộ, đường sắt - CATP Hà Nội (SN 1990)  Ông Nguyễn Đức Cường - Tổ trưởng tổ sửa chữa cơ điện, Phân xưởng Thiết bị Công nghệ, Công ty cổ phần Điện cơ Thống Nhất (SN 1960) Mai Thảo

Người mẹ vĩ đại của những đứa trẻ mắc bệnh EB

TĐKT – Sẵn lòng nhận nuôi và mang đến cho đứa trẻ bị bệnh ly thượng bì bóng nước bẩm sinh (EB) một cuộc sống hạnh phúc, với chi phí lên đến gần trăm triệu đồng mỗi tháng. Rồi không quản ngại đi khắp mọi miền đất nước phát thuốc, cấp bông băng miễn phí, hướng dẫn hàng trăm trẻ em và gia đình khác có con bị mắc căn bệnh này cách chăm sóc và thay bông băng… Tình yêu thương trong sáng, việc làm vô tư không một chút toan tính của người phụ nữ ấy đã chạm đến trái tim của không ít người. Đó là chị Trần Phương Lan (sinh năm 1977), Trưởng Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bóng nước”, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Một người mẹ vĩ đại Trong căn nhà nhỏ chật chội ở 340 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Kem - một đứa trẻ chuẩn bị lên 4 tuổi, được quấn quanh mình bởi những bông băng chằng chịt, khuôn mặt đỏ rực như một hòn than đang cháy, đôi môi chi chít những vết thương cùng những ngón tay, ngón chân rỉ máu, bị hoại tử… đang líu lô, cười đùa hạnh phúc cùng với mẹ và chị gái. Dường như chẳng có một khoảng cách nào giữa họ. Vừa đi học về đến nhà, Nhím sà vào thơm thít rồi bế bé Kem đặt vào lòng mẹ, véo má nó trêu đùa vài câu đại loại “Nhớ chị không? Cho chị xin miếng bánh? Cho chị hết nhé?...”. Còn chị Lan, người mẹ âu yếm đứa con trai “mong manh, dễ vỡ” ấy vào lòng rồi hỏi: “Nhớ mẹ không trai yêu? Con yêu ai nhất?”. Bé Kem dù bé nhưng cũng cảm nhận hết tình yêu của họ dành cho em, giúi đầu nũng nịu: Con yêu mẹ Lan nhất, yêu cả chị Nhím. Con cảm ơn mẹ đã cho con cả cuộc đời”… Đó là những cảnh sinh hoạt hết sức đời thường mà ấm áp tình người của ba mẹ con chị Trần Thị Phương Lan gần 4 năm nay. Chị Trần Phương Lan (sinh năm 1977), Trưởng Câu lạc bộ “Những bé bị ly thượng bì bóng nước” Dù Kem vốn chỉ là con nuôi, lại là 1 đứa trẻ bị mẹ đẻ bỏ rơi tại Bệnh viện phụ sản Trung ương khi mới chưa đầy tháng tuổi do mắc phải chứng bệnh EB là một bệnh di truyền hiếm gặp trên thế giới cũng như Việt Nam và không có khả năng chữa trị khỏi.  Nhưng chưa bao giờ chị Lan coi cậu con trai bệnh tật ấy là gánh nặng, mà hết lòng yêu thương, chăm sóc như đứa con đứt ruột đẻ ra. Chị luôn mong con sẽ vượt qua được bệnh tật có ngày được chạy nhảy, đi học như những đứa trẻ bình thường. Kể về ngày Kem đến với gia đình, chị Lan cho biết: Một ngày giữa tháng 12/2014, chị nhận được cuộc điện thoại cầu cứu từ một người phụ nữ lạ “Chị Lan EB ơi, cứu con em với” và thông báo của Bệnh viện về trường hợp đứa bé bị mẹ bỏ rơi trong bệnh viện mắc bệnh EB khá nặng, ở thể loạn dưỡng, tổn thương 95% bề mặt da. Chị vội chạy đến bệnh viện rồi được tận mắt chứng kiến cảnh bé Kem uống sữa lẫn máu bởi trong miệng bé liên tục có bọng máu bị vỡ gây lở loét, đau đớn. Mẹ bé đã bỏ đi, bệnh viện lắc đầu, chẳng ai dám nhận nuôi một đứa trẻ bệnh tật. Nhưng chị biết chắc chắn một điều rằng nếu tất cả buông xuôi, bé Kem sẽ ra đi trong tích tắc bởi bị nhiễm trùng máu hay do bội nhiễm gây ra. Đứa bé cần được chăm sóc đặc biệt. Là một trong số ít người có kinh nghiệm, kiến thức về chăm sóc, nuôi dưỡng người bị bệnh EB ở Việt Nam, chị Lan quyết tâm trở thành mẹ của bé Kem từ đó. Chị nghĩ, chỉ có chị mới có thể cho Kem cuộc sống. Nhận nuôi bé Kem, chị đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía gia đình cũng như những người xung quanh. Bởi nuôi một đứa trẻ bình thường đã không dễ dàng, nói gì đến một đứa trẻ mắc bệnh EB. Bệnh nhân EB sống được là nhờ dinh dưỡng và bông băng, thuốc men. Nhưng mỗi lần tắm là một lần cực hình, do bệnh gây phỏng lột da, vì vậy khi dội nước sẽ càng đau đớn. Nếu chỉ một ngày thôi, không tắm, không được thay bông băng và bôi thuốc, bệnh nhân sẽ bị teo cơ, nhiễm trùng và hoại tử. Kem được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt, luôn có người túc trực, thay bông băng, ở trong môi trường khô ráo, cần phải có điều hòa. Chi phí dành cho Kem mỗi tháng từ 30 đến 40 triệu đồng. Bé Kem bị bệnh rất nặng, có những lúc bé bị nặng phải cấp cứu trong viện. Lúc đó, chị Lan lại phải nhờ bố mẹ trông con, trông cửa hàng, một mình chạy qua chạy lại lo cho cậu con trai bé nhỏ. Mỗi lần vào viện, chi phí cho Kem rất nhiều, từ bông băng, kim tiêm, rồi thuốc kháng sinh của bé đều rất đắt đỏ, có lúc chi phí lên đến cả trăm triệu mỗi lần điều trị. Nhiều lúc chị Lan túng quẫn, không biết phải dựa vào đâu để lo cho con, có lúc chị đã phải rao bán nhà, vì con quá nguy cấp mà tiền viện phí thuốc men chưa có. Từ ngày nuôi kem chị Lan gầy mất 20 cân, tiền của thì cứ đội nón ra đi. Dù khó khăn nhưng trái tim của chị không cho phép bỏ cuộc. Tình yêu thương vô bờ bến, việc làm vô tư không một chút toan tính của người phụ nữ ấy đã chạm đến trái tim của không ít người. Nhím - cô con gái 12 tuổi của chị và các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, nhiều thành viên trong câu lạc bộ EB đã luôn đồng hành, sát cánh với chị vượt qua mọi khó khăn, chăm sóc, nuôi nấng bé Kem ngày một khôn lớn. Kem sống cùng với gia đình chị được gần 4 năm rồi. Đó thực sự là điều kỳ diệu. Kem thông minh lắm, lúc nào cũng bám chặt lấy mẹ, vượt qua đau đớn về thể xác, con luôn tươi cười, tập nói bi bô. Có những lúc đôi chân không bị bọng nước, cậu đòi mẹ bỏ băng gạc để bước vịn, dù đau đớn những vẫn cố gắng đi lại, cậu cũng đòi được ra đường để đi chơi. Thỉnh thoảng những lúc cậu khỏe mạnh, chị  lại đẩy xe cho cậu ra công viên ngắm cảnh và trẻ em nô đùa. Chủ nhiệm câu lạc bộ có tấm lòng nhân ái Hành trình với bé Kem chưa đầy 4 năm, còn với những bệnh nhân bị bệnh EB trên khắp cả nước, chị Lan đã trải qua chặng đường hơn 7 năm. Năm 2011, trong một lần tham gia từ thiện ở chùa Bồ Đề, chị Lan phát hiện ra bé Bông mới chỉ vài ngày tuổi bị bọng nước phồng rộp, lở loét khắp người, nước mô từ những vết loét ấy tràn ra bên ngoài, mùi hôi từ chỗ bị hoại tử phả ra nồng nặc... Chị đã đưa bé Bông đến Bệnh viện Nhi Trung ương để được thăm khám, kết quả bé Bông bị bệnh EB. Các bác sĩ cho biết, y học hiện tại rất khó điều trị căn bệnh này, liệu pháp duy nhất giúp cho bé Bông là chăm sóc kéo dài sự sống và giảm bớt sự đau đớn hàng ngày. Chị Trần Phương Lan (thứ 7 từ trái sang) được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2017 Ám ảnh về những vết lở loét trên cơ thể bé nhỏ của Bông, chị Lan lần mò tìm hiểu về bệnh EB qua các tài liệu nước ngoài. Chị nhờ những người bạn ở nước ngoài đặt mua thuốc, băng gạc từ Úc, Mỹ. Bên cạnh đó, chị tự mày mò học cách thay băng, chăm sóc cho bé Bông. Thời điểm đó, ngày nào chị cũng sang chùa Bồ Đề để thăm và tự tay chăm sóc bé. Hằng tháng, chị gửi tiền thăm nuôi bé Bông và lập facebook để lưu giữ hình ảnh xinh xắn của bé, đồng thời muốn chia sẻ cho mọi người biết thêm về căn bệnh này. Sau facebook được cộng đồng biết đến và Câu lạc bộ EB ra đời với hàng ngàn người theo dõi, những tấm lòng đồng cảm, sẻ chia. Tiếng lành đồn xa, những gia đình có con bị EB lần lượt tìm về chị cầu mong sự giúp đỡ. Ngôi nhà nhỏ của chị trở thành nơi ở tạm thời, lớp học kỹ năng chăm sóc bệnh nhân bị EB cho nhiều gia đình. Hiện nay, Câu lạc bộ EB thường xuyên trợ giúp khoảng 30 bé bị bệnh EB trên khắp mọi miền đất nước, cung cấp bông băng, thuốc men, kinh phí thường xuyên là từ 4 - 8 triệu đồng/ tháng/cháu và tư vấn cách chăm sóc, nuôi dưỡng cho gia đình các em. Khi có những cuộc điện thoại ở các tỉnh, thành phố trên đất nước gọi đến nhờ sự trợ giúp của chị và những thành viên trong câu lạc bộ cho những cháu bé bị EB, chị không ngần ngại, không quản khó khăn vận động các thành viên và những người xung quanh đến tận nơi trợ giúp. Thời gian nhiều nhất số cháu bị bệnh EB được câu lạc bộ trợ giúp lên đến 60 bé. Chị Lan hiện là mẹ đơn thân, công việc chính của chị là quản lý nhà hàng, khách sạn nhưng chị còn buôn bán thêm qua mạng, để có thể góp thêm tiền giúp đỡ bệnh nhân EB trên cả nước. Chị nói: “Giá như căn bệnh có thể chữa được hoàn toàn, giá như có nhiều người biết hơn về căn bệnh để không còn trẻ EB bị bỏ rơi cũng như không còn trẻ EB bị chết bởi không được yêu thương, chăm sóc đúng cách”. Với những đóng góp đó, năm 2018, chị Trần Phương Lan vinh dự được UBND TP Hà Nội đề cử là một trong 10 “Công dân Thủ đô ưu tú”. Thục Anh

Cục Thuế Hà Nội tuyên dương 413 tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách thuế năm 2017

TĐKT – Sáng 28/9, tại Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội tổ chức Hội nghị tuyên dương người nộp thuế thực hiện tốt chính sách, pháp luật thuế năm 2017. Tại Hội nghị, 413 tổ chức, cá nhân thực hiện tốt chính sách thuế năm 2017 đã được tuyên dương, khen thưởng. Tới dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Trong những năm qua, đại bộ phận các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn Hà Nội đã chủ động kê khai, nộp thuế đúng, đủ và kịp thời theo quy định. Nhờ đó số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ngày càng tăng, số thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2018, thu ngân sách nhà nước của Hà Nội ước đạt 166,2 nghìn tỷ đồng, đạt 69,7% dự toán, tăng 13,7%... Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng Bằng khen cho các doanh nghiệp nộp thuế tốt. Để có được những kết quả nêu trên là có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn Thủ đô. Ngoài việc đầu tư mở rộng sản xuất, quản lý tốt, có hiệu quả trong kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã đóng góp rất nhiều công sức, nguồn lực cho thành phố trong việc ủng hộ, xây dựng, sửa chữa 8.211 căn nhà cho người có công vào năm 2017 và 4.046 căn nhà cho người nghèo sẽ hoàn thành vào ngày 17/10/2018. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô cũng đóng góp nhiều công sức, nguồn lực ủng hộ những đợt thiên tai, bão lụt xảy ra trên địa bàn thành phố cũng như trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước; tạo mọi điều kiện cho người nghèo được thoát nghèo; ủng hộ nhiều chương trình an sinh xã hội. Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung biểu dương những đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô vừa có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa thực hiện tốt các chính sách, pháp luật thuế và có đóng góp ngày càng cao cho ngân sách nhà nước. Chủ tịch UBND thành phố cũng đặc biệt khen ngợi các doanh nghiệp tiêu biểu được tôn vinh tại Hội nghị này. Đồng thời, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức ngành thuế thành phố trong việc tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý thuế trên địa bàn; ghi nhận, biểu dương sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ban, ngành; các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc cùng các cơ quan Thuế trong công tác quản lý thuế, nhất là có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong các năm qua, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, thành phố cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để rút ngắn được từ khâu đăng ký thành lập doanh nghiệp cho đến toàn bộ các quá trình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Trong đó, sẽ chỉ đạo chặt chẽ các ngành từ công an đến thuế, quản lý thị trường và các cơ quan thanh tra thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là không gây phiền hà, một năm không quá một lần các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào doanh nghiệp, từ đó tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp sản xuất và phát triển. Với phương châm tạo mọi điều kiện tốt nhất để người nộp thuế tập trung sản xuất, kinh doanh, từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN), trong những năm qua, Cục Thuế Hà Nội đã có nhiều việc làm thiết thực để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người dân hoàn thành nghĩa vụ với NSNN. Năm 2017, Cục Thuế Hà Nội đã đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm thiểu thời gian và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của người nộp thuế; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý thuế, cắt giảm tối đa các thủ tục, khâu công việc trung gian với kết quả trên 98% doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng và trên 95% số tiền thuế nộp theo phương thức điện tử; triển khai tích cực, có hiệu quả nhiều đề án, chương trình thí điểm về cải cách, hiện đại hóa của UBND thành phố, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế… Do đó, năm qua Cục Thuế Hà Nội đã hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách, với tổng số thu cân đối thực hiện là 193.616 tỷ đồng, đạt 103,2% dự toán pháp lệnh, tăng 18,7% so với thực hiện 2016. Hầu hết các chỉ tiêu thu ngân sách tăng trưởng so với thực hiện năm 2016, trong đó thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thuế thu nhập cá nhân tăng trưởng bền vững. Để ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và người nộp thuế nói chung trong việc tuân thủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, tại Hội nghị, Cục Thuế Hà Nội đã tuyên dương 413 tổ chức, cá nhân đã có đóng góp lớn cho ngân sách, có ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế. Hưng Vũ

Chi cục Thủy lợi Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba

TĐKT - Ngày 28/9, tại Hà Nội, Chi cục Thủy lợi Hà Nội long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và tổng kết công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi sau 10 năm hợp nhất. Lãnh đạo UBND thành phố trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Chi cục Thủy lợi Hà Nội Xác định thủy lợi là mặt trận hàng đầu để phát triển nông nghiệp, phục vụ dân sinh, xã hội, những năm qua, Thành ủy, UBND TP Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo trực tiếp công tác thủy lợi. Đến nay, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội gồm có 1.837 trạm bơm với 4.139 máy bơm các loại; 35.422 tuyến kênh với tổng chiều dài 20.017 km; 95 hồ chứa và 407 bai, đập dâng, là tỉnh, thành có hệ thống công trình thủy lợi lớn nhất trên cả nước. Thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan, ngày 7/11/2008, Chi cục Thủy lợi Hà Nội được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tây với Phòng Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Chi cục Thủy lợi Hà Nội là đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tham mưu giúp Giám đốc Sở, UBND TP Hà Nội thực hiện quản lý nhà nước về chuyên môn thủy lợi, lĩnh vực quy hoạch, quản lý, khai thác, bảo vệ các hệ thống công trình thủy lợi, hồ đập, công tác phòng, chống hạn hán, úng, ngập, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật. Mười năm qua, Chi cục đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và đạt được một số thành tích đáng kể góp phần vào thành tích chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Thủ đô. Chi cục đã làm tốt công tác tham mưu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp thủy lợi kiểm tra hiện trạng công trình, triển khai xây dựng phương án chống hạn vụ đông xuân, chống úng ngập, bảo đảm an toàn hồ đập trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, Chi cục xây dựng, thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; tham mưu công tác quản lý hệ thống công trình thủy lợi; phối hợp với các địa phương chủ động triển khai phương án, kịp thời ứng phó, khắc phục những sự cố ngay khi mới xảy ra đối với công trình thủy lợi, hồ đập… Với những kết quả đã đạt được, trong những năm qua, Chi cục Thủy lợi Hà Nội liên tục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác, Bằng khen thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống lụt bão, Bằng khen thành tích xuất sắc góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tại buổi lễ, Chi cục vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao những đóng góp trong thời gian qua của Chi cục Thủy lợi Hà Nội đối với sự phát triển của nền nông nghiệp Thủ đô. Để phát huy thành quả, khắc phục hạn chế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố yêu cầu, thời gian tới, Chi cục Thủy lợi Hà Nội chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ; rà soát quy hoạch thủy lợi, nhất là hệ thống tiêu thoát nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tiên tiến, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước; phát triển đồng bộ cơ sở, kết cấu hạ tầng thủy lợi… Phương Thanh

Phát động Chương trình “Tuyến xe ngày 26 – Xe buýt màu xanh”

TĐKT - Sáng 28/9, Thành đoàn Hà Nội tổ chức triển khai Chương trình “Tuyến xe ngày 26 – Xe buýt màu xanh” và phát động cao điểm bình chọn Hà Nội - điểm đến thành phố hàng đầu thế giới năm 2018. Lễ phát động có sự tham gia của trên 500 đoàn viên, thanh niên, sinh viên thủ đô cùng nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Đại sứ của Chương trình. Đại sứ của Chương trình - nghệ sĩ Xuân Bắc và các đại biểu trải nghiệm dịch vụ xe buýt đi qua các tuyến phố trung tâm của quận Long Biên Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 64 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2018), nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến, vận động, thuyết phục và khuyến khích đoàn viên, thanh thiếu nhi, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước của thành phố và nhân dân sử dụng giao thông công cộng. Trong đó, cao điểm vào ngày 26 hàng tháng, đoàn viên, thanh niên Thủ đô sẽ mặc áo màu xanh và sử dụng phương tiện công cộng để giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng một Hà Nội xanh - sạch – văn minh, tạo dựng hình ảnh và vận động bình chọn cho TP Hà Nội là một trong 17 điểm đến thành phố hàng đầu thế giới do Tổ chức Du lịch Thế giới đề cử và phát động, bình chọn từ ngày 10 - 24/10/2018. Tại chương trình, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết, việc lựa chọn màu xanh để thể hiện sức trẻ trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Ngày 26 hàng tháng, đoàn viên, thanh niên, sinh viên Thủ đô sẽ mặc áo xanh và đi xe buýt. Trên những chuyến xe buýt đó, Thành đoàn Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về sử dụng phương tiện công cộng cũng như hai bộ quy tắc ứng xử của thành phố đã ban hành. Thông qua chương trình, Thành đoàn Hà Nội mong muốn sẽ lan tỏa những hành động đẹp, văn minh, đẩy lùi hành vi sai trái; đồng thời phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ Thủ đô, góp phần quảng bá hình ảnh, lịch sử, con người Hà Nội đến với bạn bè quốc tế. Trong khuôn khổ chương trình, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên và các đại biểu tham gia trải nghiệm dịch vụ xe buýt trên hành trình “Tuyến xe ngày 26 – Xe buýt màu xanh” đi qua các tuyến phố trung tâm của quận Long Biên (Hà Nội). Bình Nguyên

Hà Nội đi đầu cả nước trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

TĐKT - Sau 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu (2013 - 2017), ngành nông nghiệp của Thủ đô Hà Nội đạt mức tăng trưởng khá; giá trị gia tăng bình quân 2,23% cho cả giai đoạn. TP Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 5 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô, tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,35%; trong đó: Trồng trọt tăng 2,4%, chăn nuôi tăng 4%, thủy sản tăng 6,06%. Đối với lĩnh vực trồng trọt, thành phố đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, giá trị tăng từ 3 - 8 lần so với trồng lúa. Cụ thể, thành phố đã xây dựng 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20 ha trở lên cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; phát triển 50 vùng sản xuất hoa, cây cảnh 20 ha/vùng cho giá trị 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm... Ngoài ra, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư đạt giá trị từ 1 - 2 tỷ đồng/ha/năm; xây dựng được 12 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp... Tính đến nay, TP Hà Nội có 1.021 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp; 3.166 trang trại (2.808 trang trại chăn nuôi, 190 trang trại nuôi trồng thủy sản, 133 trang trại sản xuất, kinh doanh tổng hợp, 35 trang trại tổng hợp). Hạ tầng kinh tế kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư, nông thôn ngày càng đổi mới. 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa. 95% đường liên thôn được bê tông hóa, 91% đường ngõ xóm và 50% đường giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa. 100% các hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện… Đặc biệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ngày càng tăng (cuối năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 2,57%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2017 trên địa bàn thành phố đạt 86,6% (vượt 3,26% so với kế hoạch đề ra). Một trong những kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện đề án là những thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, thành phố đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới”, tăng 3 huyện so với năm 2013; có 294/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 244 xã so với năm 2013. Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Phát huy những kết quả đã đạt được, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu: Đến năm 2020 phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt khoảng 2,5 - 3,0%. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 347/386 xã trở lên, có 14 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 70 - 75%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%... Trang Lê

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của người khiếm thị

TĐKT - Ngày 27/9, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ X Hội Người mù TP Hà Nội nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã thành công tốt đẹp. 38 đại biểu đã được bầu vào Ban Chấp hành Hội Người mù TP Hà Nội nhiệm kỳ mới. Ra mắt Ban Chấp hành Hội Người mù TP Hà Nội nhiệm kỳ 2018 – 2023 Đại hội có sự tham gia của 312 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 6.300 hội viên Hội Người mù TP Hà Nội. So với nhiệm kỳ trước, số hội viên của nhiệm kỳ này tăng thêm gần 600 người. Nhiệm kỳ qua, Hội Người mù TP Hà Nội ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Hội và chất lượng hội viên được nâng lên. Công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng. Công tác cán bộ có nhiều chuyển biến tiến bộ, trình độ, năng lực cán bộ được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Vai trò đại diện của Hội trong việc chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên được phát huy. Các phong trào thi đua do Hội phát động tiếp tục phát triển sâu rộng và được nâng cao về chất, có sức lan tỏa góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới của Thủ đô, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người khiếm thị. 5 năm qua, Hội Người mù thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực hỗ trợ người mù phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững: Tập huấn về công tác vay vốn để giải quyết việc làm; hội thảo về phương pháp bảo đảm đầu ra cho sản phẩm thủ công của người khiếm thị; tổ chức tọa đàm, trao đổi nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác vay vốn... Đến nay, toàn Hội đã có 29 hợp tác xã và tổ hợp tác tập trung, tăng so với nhiệm kỳ trước 4 cơ sở. Việc dạy nghề tiếp tục được triển khai, tập trung vào các nghề thủ công như làm tăm, làm chổi, làm thảm vải... Hội Người mù thành phố cũng đã làm tốt việc chăm sóc đời sống hội viên. Toàn hội hiện có gần 3.000 hội viên được hưởng trợ cấp, tăng hơn 800 hội viên so với nhiệm kỳ VIII. Nhằm ghi nhận những đóng góp tích cực của Hội Người mù TP Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam đã trao Bằng khen cho 12 tập thể; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 12 tập thể, 2 cá nhân. Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Người mù thành phố xác định mục tiêu: Đoàn kết, phát huy truyền thống, tiềm năng, sức sáng tạo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của người khiếm thị; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng, tiến bộ, xây dựng người khiếm thị mới tự tin, chủ động hòa nhập cộng đồng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Hội sẽ đẩy mạnh việc phát triển hội viên nhằm tập hợp trên 80% số người khiếm thị ở Thủ đô tham gia tổ chức Hội; phấn đấu giảm từ 3% đến 5% số hộ nghèo; doanh thu của các cơ sở sản xuất và thu nhập của người lao động là người khiếm thị tăng từ 10% đến 15%; 100% học sinh khiếm thị đến tuổi đi học đều được đi học... Minh Phương

Trung thành với sự nghiệp bảo vệ và phát triển Đảng, chính quyền

TĐKT - Chuẩn bị bước sang tuổi 70 nhưng mọi công to, việc lớn của Tổ dân phố ông Trịnh Văn Xuýt đều tích cực tham gia đầy đủ, nhiệt tình. Bà con lối phố tin tưởng bầu ông làm Tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội;  Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu dân cư. Gánh vác bất kỳ vai trò nào, ông luôn nỗ lực hết mình, sống và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, văn hóa, văn minh. Lính cảnh vệ thời chiến và những hy sinh thầm lặng Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, năm 16 tuổi, chàng thanh niên Trịnh Văn Xuýt đã sớm tham gia hoạt động kháng chiến với vai trò là dân quân du kích, giữ gìn an ninh trật tự địa phương, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Tháng 10 năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên ấy xung phong lên đường nhập ngũ vào đơn vị Công an vũ trang E600 (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) đơn vị trực tiếp bảo vệ Bác Hồ và các đồng chí lãnh tụ của Đảng, Nhà nước; trực tiếp tham gia chiến đấu, bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ tại Ba Đình, Hà Nội; góp phần cùng quân, dân cả nước làm lên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Dù còn trẻ tuổi nhưng Trịnh Văn Xuýt được giao nhiệm vụ của một người lính cảnh vệ, chuyên bảo vệ lãnh tụ, lãnh đạo quốc gia. Đây là một công việc hết sức quan trọng và vinh dự đối với một thanh niên trẻ tuổi thời bấy giờ, nhưng cũng đầy gian nan, vất vả và thậm chí phải chấp nhận hy sinh lặng lẽ. Chàng lính cảnh vệ thời chiến Trịnh Văn Xuýt chia sẻ: “ Đặc thù công việc của lính cảnh vệ là phải tuyệt đối bí mật, ban ngày cũng như ban đêm, nhất quyết đều phải âm thầm, lặng lẽ. Từ việc đi đứng, họp hành đều phải tuyệt đối bí mật, ngày cũng như đêm không để lộ bất cứ một thông tin nào, đi đêm cũng không được soi đèn, họp hội ý cũng chỉ nói thầm, thậm chí đến việc phơi phóng quần áo cũng đều phải rất cẩn trọng…”. Bảo vệ trên đất liền đã khó, nhưng trên biển còn khó hơn. Cảnh vệ luôn phải căng mắt quan sát dù trời nắng hay mưa, dù ngày hay đêm, dù rét buốt đến thấu xương hay những khi trưa hè nắng như đổ lửa. Chỉ cần một phút lơ là mất tập trung là có thể sẽ phải đối diện với các cuộc tập kích bất ngờ của “người nhái” hoặc bom đạn của kẻ thù, an nguy của lãnh tụ, lãnh đạo cũng vì vậy sẽ bị ảnh hưởng. Nhớ lại lần trực tiếp bảo vệ cố Tổng Bí thư Trường Chinh lên làm việc ở Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Xuýt kể: “Ngày đó, Tam Đảo không có hầm trú ẩn nên để đảm bảo an toàn, chúng tôi phải lên phương án chi tiết nhất. Với nhiều kế hoạch được vạch ra. Đặt giả thuyết, nếu bị lộ, địch bao vây là phải bảo vệ Tổng Bí thư vượt rừng núi Tam Đảo để đi qua vùng ATK Thái Nguyên. Trong các vùng ATK nếu không may bị tấn công là sẵn sàng đóng cửa hầm để cố thủ và sẵn sàng hy sinh đến người cuối cùng để bảo vệ lãnh đạo của mình…” Khó khăn, gian khổ nhưng công việc của lính cảnh vệ luôn phải giữ bí mật tuyệt đối, kể cả vợ con, người thân cũng không được chia sẻ. Có những điều mà suốt cả cuộc đời người cảnh vệ tâm niệm là “sống để bụng, chết mang theo”. Với những đóng góp quan trọng đó, ông Trịnh Văn Xuýt đã được tặng nhiều danh hiệu: “Vì sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ Lãnh tụ”, kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác. Còn sức còn tham gia xây dựng đất nước 50 năm đã trôi qua kể từ ngày ông bắt đầu đảm nhiệm trọng trách thiêng liêng mà Tổ quốc giao phó. Năm nay là năm thứ 6, ông Trịnh Văn Xuýt trong vai trò là Tổ trưởng tổ dân phố số 2, phường Quan Hoa. Đó đồng thời là số năm Tổ dân phố số 2 được công nhận là tổ dân phố văn hóa, tổ dân phố sạch đẹp, tổ dân phố đoàn kết. Trong tổ dân phố, các hộ dân đều có mức sống khá, không có hộ nghèo và cận nghèo; đời sống văn hóa được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được ổn định. Chi hội Cựu chiến binh do ông làm Chi hội trưởng năm nào cũng được công nhận là chi hội trong sạch, vững mạnh, xuất sắc. Bản thân ông được Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy khen tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt năm 2017”. Ông Hoàng Quang Thận, Bí thư Chi bộ số 1, phường Quan Hoa, quận Cầu giấy cho biết: Trong quá trình công tác ở địa phương, ông Xuýt là một người trách nhiệm với công việc. Ông có phương pháp làm việc gần dân, sát dân, thường xuyên chia sẻ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng nhân dân. Vì vậy, ông rất được nhân dân trong khu tôn trọng. Tổ dân phố số 2 luôn là đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua yêu nước mà phường Quan Hoa phát động. Sống gần hết cuộc đời, ông Xuýt vẫn tâm niệm một điều: Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời là được cống hiến sức mình cho đất nước, cho nhân dân. Thục Anh

Hà Nội trao giải Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2018

TĐKT - Ngày 22/9, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt (ĐHTT, NTVT) năm 2018. Tới dự có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi; Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý. Báo cáo tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý - Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, sau 4 năm triển khai, Cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT năm 2018 đã tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa với thành phần tham gia được mở rộng, đa dạng. Tổng Biên Tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng Phạm Hồng Long cùng 20 tập thể nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội vì có nhiều thành tích trong tổ chức thực hiện tốt cuộc thi Nét mới trong công tác chỉ đạo cuộc thi năm 2018 là thành phố đã thành lập Tổ Công tác chuyên đề phát hiện, đề xuất khen thưởng thành tích đột xuất, gương ĐHTT, NTVT cấp thành phố và chỉ đạo 30 quận, huyện, thị xã và 6 sở, ngành lớn thành lập Tổ công tác chuyên đề (đến nay đã có 30/30 quận, huyện và 6/6 sở, ngành thành lập Tổ Công tác); yêu cầu các đơn vị hàng tháng gửi bài viết tham gia dự thi; phát hiện, đề xuất khen thưởng các gương ĐHTT, NTVT để kịp thời tuyên truyền, biểu dương và khen thưởng. Đây chính là giải pháp quan trọng trong đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc thi. Ngoài ra, Ban Thi đua - Khen thưởng thành phố cũng đã tham mưu Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố đưa nội dung triển khai cuộc thi theo sự chỉ đạo của thành phố vào bảng tiêu chí đánh giá thi đua các đơn vị năm 2018. Với sự sáng tạo đó, cuộc thi năm 2018 đã thu được 2.309 bài viết và tác phẩm báo chí (tăng 128% so với năm 2017) được lựa chọn trong hơn 10.000 bài viết, tác phẩm dự thi ở cơ sở của hàng nghìn cá nhân toàn thành phố tham gia. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trao tặng danh hiệu người tốt, việc tốt cho các cá nhân được phát hiện từ cuộc thi Đa số các tác phẩm, bài viết tham gia cuộc thi được đánh giá là bám sát thực tế cuộc sống, phương pháp thể hiện mới mẻ, phong phú, sáng tạo, có tính phát hiện cao. 100% các điển hình được phát hiện, tuyên truyền thông qua cuộc thi đều là các tấm gương bình dị, đời thường, đang diễn ra hàng ngày nhưng có những việc làm đầy ý nghĩa giàu chất nhân văn, tạo được dư luận tốt lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Nhiều gương cá nhân được phát hiện, khen thưởng trong cuộc thi đã được Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố phối hợp cơ sở trực tiếp trao thưởng tại nơi công tác, nơi cư trú hoặc địa bàn hoạt động của ĐHTT, NTVT đã tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa những hành động đẹp, những việc làm tốt, những tấm gương sáng, góp phần thiết thực đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng trong phong trào thi đua yêu nước.  “Thông qua cuộc thi, những cái tốt, cái tiêu biểu được nhân rộng, cái xấu được đẩy lùi, góp phần tác động tích cực đến nhận thức, tình cảm của các nhiều tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhân ái trong xã hội” - Trưởng ban tổ chức cuộc thi nhấn mạnh. Trưởng Ban tổ chức trao giải nhất cuộc thi cho tác giả Đinh Thị Thu Hằng – Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội với tác phẩm “Cho đi là còn mãi” Chia sẻ tại Lễ trao giải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi đánh giá cao Cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT của TP Hà Nội suốt 4 năm qua. Đồng chí Hồ Quang Lợi cho rằng, từ kinh nghiệm của TP Hà Nội, thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT ở cấp toàn quốc, tạo sân chơi cho tất cả những người làm báo chuyên và không chuyên trên cả nước, góp phần và xây dựng, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội.  Tại Lễ trao giải, Ban tổ chức cuộc thi đã trao: 1 giải nhất, 3 giải nhì, 5 giải ba và 30 giải khuyến khích cho các tác giả và tác phẩm đoạt giải. Nhân dịp này, UBND TP Hà Nội cũng tặng Bằng khen cho Tạp chí Thi đua Khen thưởng cùng 20 tập thể và 7 cá nhân vì có nhiều thành tích trong tổ chức thực hiện tốt cuộc thi. Tạp chi Thi đua Khen thưởng có 1 tác phẩm đoạt giải khuyến khích cuộc thi: “Trọn lời thề sắt son với Đảng và Bác Hồ” của tác giả Hưng Vũ.   Mai Thảo

Trang