Kinh tế

Giải pháp chống buôn lậu mặt hàng đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam

TĐKT - Hiện nay, nước ta có 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đường (trong đó có 32 công ty sản xuất, 8 công ty thương mại). Trong vụ sản xuất 2017 - 2018, cả nước có 37/41 nhà máy đường hoạt động (4 nhà máy Hiệp Hòa, Kiên Giang, Cà Mau và NIVL tạm ngừng hoạt động), sản lượng đường sản xuất được là 1.476.500 tấn. Niên vụ 2018 - 2019 các nhà máy đường sản xuất được 1.173.933 tấn đường (số liệu của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam). Hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam. Giá đường của Việt Nam hiện nay cao hơn Thái Lan, nguyên nhân là do ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay. Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000 m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng việc này cũng không hề đơn giản. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu. Năng suất mía của Việt Nam đang là 70 tấn/ha, trong khi đó, ở Thái Lan với điều kiện tốt hơn nhiều, thậm chí còn được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía nhưng họ cũng chỉ đạt được 72 - 75 tấn/ha. Đáng chú ý, theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Trong bối cảnh ngành mía đường đang chịu nhiều sức ép từ tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng và khó kiểm soát, việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA sẽ càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường. Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Hơn hai năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ. Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ. Đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh trọng điểm như thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước… Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm nêu trên diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, các đối tượng chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy hoặc cho người giám sát cơ quan chức năng hoặc sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu nhằm đối phó với các lực lượng chức năng. Vì vậy, việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn. Trước tình hình buôn lậu đường cát qua biên giới, nhất là tại một số tỉnh khu vực Tây Nam những năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với số lượng ngày càng nhiều, Cơ quan Thường trực, Văn phòng Thường trực đã xây dựng nhiều Kế hoạch đấu tranh. Theo số liệu của các lực lượng chức năng, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) từ năm 2018 đến hết tháng 9 năm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 876 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường trị giá trên 12 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là đường nhập lậu, vi phạm về nhãn hàng hóa, đường không rõ nguồn gốc xuất xứ.  Trước tình hình phức tạp đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam, Ủy viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Nguyễn Văn Cẩn đã đưa ra các hướng giải pháp cụ thể: Thứ nhất, đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Cơ sở pháp lý là Điều 54 Luật An toàn thực phẩm 2010 đã quy định “việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn”. Để tổ chức thực hiện quy định trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/01/2011 hướng dẫn triển khai việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm thủy sản không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra nội dung truy xuất nguồn gốc của cơ sở sản xuất kinh doanh theo Thông tư số 45/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu. Thứ hai, đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Xem xét đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn, đóng gói đường vào lĩnh vực kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở sản xuất thực phẩm đối với mặt hàng đường phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam. Thứ ba, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014: Bổ sung Điều 18. Trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đối với mặt hàng đường phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam. Đồng thời điều chỉnh Thông tư số 01/VBHN-BNNPTNT ngày 18/5/2018: Điều 7. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc thuộc Chương II truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn, đối với mặt hàng đường. Hồ sơ truy xuất phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam. Thứ tư, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, tại các thị trường lớn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Thứ năm, đề xuất điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu, chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá. Trước mắt chỉ cho phép các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam tham gia. Thứ sáu, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, tại các thị trường lớn dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Thứ bảy, đề xuất điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu, chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá. Trước mắt chỉ cho phép các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam tham gia. Thứ tám, Bộ Công an hướng dẫn các địa phương liên quan thống nhất cách xử lý các phương tiện vận chuyển đường nhập lậu. Trước mắt tạm giữ phương tiện (vận dụng Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012), sau đó nếu xác định là vi phạm sẽ tịch thu (vận dụng Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP: tịch thu phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm). Thứ chín, kiến nghị điều chỉnh Điều 17 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP: tịch thu phương tiện vận tải đối với hành vi vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. La Giang

Khai mạc tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thuỷ sản an toàn, chất lượng tỉnh Hoà Bình năm 2019

TĐKT - Ngày 14/11, tại Big C Thăng Long Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hòa Bình và Bộ Công thương, Sở Công thương tỉnh Hòa Bình phối hợp với Big C Thăng Long thuộc hệ thống bán lẻ của Central Retail Việt Nam tổ chức khai mạc Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thủy sản an toàn, chất lượng tỉnh Hoà Bình năm 2019 (Tuần lễ Hòa Bình). Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Tuần lễ giới thiệu sản phẩm Tuần lễ Hoà Bình thu hút sự tham gia của 18 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Hoà Bình với 22 gian hàng, trưng bày giới thiệu các mặt hàng đặc sản chất lượng, đầy đủ tem truy xuất nguồn gốc như: Cam Cao Phong, bưởi đỏ, bưởi da xanh Tân Lạc; rau, củ, quả Lương Sơn, Yên Thủy; các loại trà túi lọc (Shachi, Giảo Cổ Lam, cà gai leo…), tôm, cá sông Đà (cá Chiên, cá Lăng, cá Tầm, cá Trắm đen…), gà ri Lạc Sơn… Trong dịp này, nhiều loại đặc sản của tỉnh Hoà Bình cũng được giới thiệu và quảng bá đồng loạt tại hệ thống 17 siêu thị Big C và GO! Khu vực miền Bắc, kéo dài liên tục từ ngày 14 - 18/11/2019. Qua đây sẽ tạo cơ hội để người dân Thủ đô Hà Nội mua sắm dịp cuối năm, với giá ưu đãi đặc biệt hấp dẫn: Cam Cao Phong giảm giá 33%, chỉ 19.900 đồng/kg; Bưởi đỏ Tân Lạc giảm giá 19%, chỉ 29.900 đồng/kg; nhiều đặc sản măng khô, măng củ, măng nứa và 9 loại đặc sản cá Sông Đà của tỉnh Hòa Bình cũng được giới thiệu trong dịp này với giá đặc biệt hấp dẫn. Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình tại sự kiện Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh cho biết, những năm gần đây, việc sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng, sản phẩm chủ lực gắn với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Cam, bưởi, mía, dê, lợn bản địa, gà đồi, tôm, cá sông Đà… đã dần khẳng định được chất lượng và có chỗ đứng trên thị trường. Nhiều diện tích sản xuất đã được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Một số sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ về nhãn hiệu tập thể như: Nhãn Sơn Thủy - Kim Bôi, bưởi đỏ Tân Lạc, tôm, cá Sông Đà, gà Lạc Thủy… Sản phẩm cam  Cao Phong đã được Chứng nhận về chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, hiện nay, lượng tiêu thụ nông, thủy sản của tỉnh Hòa Bình tại các tỉnh, thành khác còn thấp. Thủ đô Hà Nội là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn nhưng lượng nông sản an toàn Hòa Bình tiêu thụ tại Hà Nội mới chỉ khoảng 20 - 30% so với khả năng cung cấp. Nguyên nhân, do chưa hình thành được nhiều mô hình sản xuất lớn gắn với tiêu thụ; người tiêu dùng Thủ đô còn thiếu thông tin về nguồn gốc sản phẩm; hệ thống bán lẻ, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp an toàn còn nhỏ, chưa hình thành được chuỗi cung ứng đồng bộ, việc bắt tay tiêu thụ nông sản cụ thể giữa các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn; hiệu quả của công tác truyền thông đến người tiêu dùng còn hạn chế. Tại sự kiện đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Big C với 5 đơn vị của tỉnh Hòa Bình: HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy (Gà Lạc Thủy đạt chứng nhận OCOP), HTX nông nghiệp Hòa Bình (dê núi Lương Sơn), HTX sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Đông Lai (Bưởi đỏ Tân Lạc, quýt Hòa Bình), HTX Hà Phong (cam Cao Phong), và Công ty TNHH Xây dựng Cường Thịnh (cá Sông Đà). Mục đích của MOU nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản tỉnh Hòa Bình tại Hệ thống siêu thị Big C của Tập đoàn Central Retail Việt Nam. Hồng Thiết  

Kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại

TĐKT - Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và USAID Việt Nam phối hợp tổ chức “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại”. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hội đồng kinh doanh ASEAN - Hoa Kỳ, Liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu, các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam trong việc đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và hơn 30 đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp của Việt Nam. Hội thảo chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại Trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam. Trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hoá nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các nước đối tác trong FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan về vấn đề này. Nhận thức được vai trò quan trọng của việc kiểm tra, kiểm soát gian lận xuất xứ tại cửa khẩu cũng như điều tra, xác minh sau thông quan các lô hàng, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu có nghi vấn về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động số 1662/QĐ-BTC ngày 23/8/2019 của Bộ Tài chính ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, đồng thời quyết liệt chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu, đưa ra các giải pháp cụ thể để chống lại vấn nạn  giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Bộ Tài chính  - Tổng cục Hải quan đã có những giải pháp chủ động, cụ thể và hiệu quả như sửa đổi các văn bản pháp quy liên quan đến xuất xứ hàng hóa như Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định về kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Thông tư số 62/2019/TT-BTC ngày 5/9/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2018/TT-BTC, sửa Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung Nghị định số 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh lực hải quan theo hướng nâng cao chế tài xử phạt các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa. Ban hành các văn bản chỉ đạo, chỉ thị Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các đơn vị ở cấp Tổng cục, Cục và Chi cục. Phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu và các nguồn thông tin khác để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ để áp dụng kiểm tra, kiểm soát thông qua các biện pháp quản lý nghiệp vụ chuyên sâu. Ban hành các kế hoạch kiểm tra cụ thể. Tăng cường phối hợp với các Bộ ngành và hợp tác quốc tế với các tổ chức và Hải quan nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông về xu hướng, hình thức gian lận, các giải pháp của cơ quan Hải quan và khuyến nghị đối với doanh nghiệp để nâng cao nhận thức và không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ. Thực tế kết quả thực hiện đã phát hiện, xử lý các doanh nghiệp vi phạm. Hội thảo lần này nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan của Việt Nam với các chuyên gia xuất xứ và phòng vệ thương mại đến từ các cơ quan và tổ chức quốc tế, Hải quan các nước về ngăn chặn gian lận xuất xứ, xác định, điều tra chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thể hiện mạnh mẽ cam kết đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp và các đối tác thương mại trong công tác chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Trong thời gian triển khai, Dự án Tạo thuận lợi Thương mại sẽ hỗ trợ Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bên liên quan xây dựng các giải pháp hiệu quả để chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Hồng Thiết

Triển lãm Quốc tế và Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt - Nga thu hút 500 doanh nghiệp tham gia

TĐKT - Triển lãm Quốc tế Việt - Nga và Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt - Nga sẽ được tổ chức từ ngày 14 đến 16/11/2019 tại Cung Triển lãm Kiến trúc và Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (NECC), số 1 Đỗ Đức Dục, Hà Nội. Hiện có khoảng 500 doanh nghiệp hai bên đăng ký tham dự chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm. Họp báo thông tin về sự kiện Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm Năm chéo Việt - Nga và kỷ niệm 70 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt - Nga đã được Thủ tướng phê duyệt. Chính vì vậy, Triển lãm Quốc tế Việt - Nga và chuỗi các hoạt động kết nối doanh nghiệp trong khuôn khổ Triển lãm nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ hai nước. Điều này được thể hiện rõ nét với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Chính phủ và bộ, ngành hai nước. Về phía Việt Nam, dự kiến Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nga - phân ban Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức các hoạt động Năm chéo Việt Nga Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan sẽ tham gia sự kiện. Đến nay đã có 20 tỉnh, thành phố của Việt Nam đăng ký tham gia giới thiệu về môi trường kinh doanh đầu tư của địa phương mình cũng như trưng bày các sản phẩm tiêu biểu và có thế mạnh của tỉnh tại Triển lãm. Về phía Nga, sự kiện sẽ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế và đại diện hơn 20 nước cộng hòa thuộc Nga, các vùng và tỉnh quan trọng và gần 200 doanh nghiệp Liên bang Nga. Trong thư chào mừng đến các đại biểu và khách mời của Triển lãm và Diễn đàn, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov đã nhận định về Triển lãm như sau: “Việt Nam là một người bạn lâu năm và đáng tin cậy của Nga ở Đông Nam Á. Trong gần bảy thập kỷ, quan hệ giữa hai quốc gia là một tấm gương về quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi. Ngày nay, mối quan hệ của chúng tôi đã đạt đến cấp độ của một quan hệ đối tác chiến lược tích hợp. Thành phần quan trọng của nó là hợp tác kinh tế và thương mại với một động lực tích cực. Triển lãm Quốc tế Việt - Nga (Expo-Russia Vietnam) đóng góp đáng kể vào việc xây dựng sự hợp tác thiết thực đó. Đặc biệt, Diễn đàn trong khuôn khổ Triển lãm năm này sẽ trở thành nền tảng cần thiết nhất để trao đổi thông tin, các cuộc họp, điều phối các dự án và chương trình chung đầy triển vọng trong nhiều lĩnh vực”. Phó Thủ tướng Nga M. Akimov cũng đánh giá cao Triển lãm Quốc tế Việt - Nga: “Chúng tôi tin rằng các hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm, bao gồm Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt - Nga, Hội nghị bàn tròn theo chủ đề và trao đổi thông tin liên lạc, được thiết kế để cung cấp thêm động lực cho sự hợp tác thực tế sâu sắc và tạo điều kiện cho các mối quan hệ kinh doanh, cũng như tạo ra và thúc đẩy các dự án cùng có lợi với nhiều hứa hẹn”. Triển lãm lần này được tổ chức không chỉ dành riêng cho cho cộng đồng doanh nghiệp Liên bang Nga và Việt Nam mà còn dành cho các doanh nghiệp đến từ khối ASEAN và Liên minh Kinh tế Á - Âu. Triển lãm ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực: Vật liệu xây dựng, vận chuyển, năng lượng, khai thác và viễn thông, đại diện các phòng thí nghiệm vi sinh, chuyên gia từ các trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế và giáo dục, nhà phân phối và sản xuất thực phẩm (đặc biệt là sữa dừa, bột trái, gia vị, siêu thực phẩm), đại diện các tổ hợp chăn nuôi và thủy sản. Trong khuôn khổ Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam, các cuộc họp bàn tròn sẽ được tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau mà hai bên quan tâm - một trong số đó nằm trong lĩnh vực y học và dược phẩm. Phiên họp này sẽ do Thứ trưởng thường trực Bộ Công thương Liên bang Nga S.A. Tsyb - Trưởng đoàn Nga chủ trì. Các bác sĩ Nga sẽ trình bày về những thành tựu đổi mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học, thiết bị y tế hiện đại và khả năng của ngành dược phẩm nước nhà. Triển lãm Quốc tế Việt - Nga là một Triển lãm đa ngành. Hình thức này cho phép trao đổi các kinh nghiệm tiên tiến giữa các đại diện của các ngành công nghiệp khác nhau. Tại Triển lãm sẽ trưng bày sản phẩm đến từ 19 vùng/ khu vực, nước cộng hòa thuộc Nga của Nga và hơn 20 tỉnh thành của Việt Nam. Hiện có khoảng 500 doanh nghiệp hai bên đăng ký tham dự chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ Triển lãm. Nhằm mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp hai bên kết nối với nhau một cách hiệu quả, đi vào thực chất, trong chuỗi các hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt – Nga lần này, VCCI đặc biệt quan tâm bố trí cuộc gặp trực tiếp doanh nghiệp hai bên trong 3 ngày diễn ra Triển lãm. Cho đến nay, đã có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký tham gia Phiên gặp gỡ trực tiếp này, với tổng số cuộc gặp được đăng ký lên tới hơn 300 cuộc. Ban tổ chức tin rằng triển lãm Triển lãm Quốc tế Việt - Nga và Diễn đàn Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt - Nga sẽ đóng góp xứng đáng trong tăng cường quan hệ đối tác chiến lược của hai nước, hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư chung trong khuôn khổ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu. Lễ khai mạc Diễn đàn sẽ diễn ra vào ngày 14/11, lúc 10.00 và khai mạc Triển lãm cùng ngày vào lúc 13h30 tại khu phức hợp NECC. Triển lãm mở cửa tự do cho khách thăm quan và gặp gỡ doanh nghiệp Nga trong thời gian từ ngày 14 - 16/11/2019. Phương Thanh  

Online Friday 2019 nỗ lực đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp tiệm cận với người tiêu dùng

TĐKT - Sáng 12/11, tại Hà Nội, Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, Bộ Công thương đã tổ chức họp báo để chia sẻ công tác chuẩn bị cho Chương trình Online Friday năm 2019, giới thiệu tới doanh nghiệp cả nước kế hoạch triển khai của Chương trình cũng như đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất của năm. Đây là năm thứ 6 liên tiếp chương trình được tổ chức, cũng là một năm chứng kiện sự tăng trưởng, đột phá của thương mại điện tử nói riêng cũng như nền kinh tế số nói chung theo chủ trương bắt kịp cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ. Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải phát biểu tại họp báo Phát biểu tại họp báo, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số chia sẻ, 2019 là năm đầu tiên Ban Tổ chức triển khai hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng thông qua nền tảng eVoucher hay hệ thống Voucher điện tử. Cách thức mua hàng thông qua Voucher điện tử, khách hàng sẽ đặt mua hoặc săn voucher trước và sau đó thực hiện thao tác mua trên website của doanh nghiệp khi thời gian mở bán bắt đầu. Cục trưởng nhấn mạnh, đây là điểm nhấn nổi bật của chương trình Online Friday 2019. Với hình thức này, người tiêu dùng sẽ có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và đặt trước cho các sản phẩm, hàng hóa mình mong muốn và sử dụng mã Voucher để mua hàng trên các website TMĐT tham gia vào chương trình. Ban tổ chức sẽ cung cấp hệ thống để bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia đẩy bán hàng hóa thông qua hình thức eVoucher, dù là doanh nghiệp bán hàng trực tuyến hay bán hàng tại hệ thống cửa hàng offline. Điểm nổi bật tiếp theo của Chương trình 2019 là năm nay Ban tổ chức tiếp tục triển khai chương trình “Hàng chính hãng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng”. Theo đó, doanh nghiệp tham gia phải cam kết và có chứng từ chứng minh hàng chính hãng và có nguồn gốc rõ ràng. Ban tổ chức cũng sẽ kết hợp cùng với các sàn TMĐT, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối chính hãng để triển khai các chương trình siêu khuyến mãi bao gồm các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ tết, đồ gia dụng, sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thời trang chính hãng, vé máy bay... với các chương trình đặc biệt như: “100.000 thùng bia Habeco đến tay khách hàng trong ngày”, “Vé máy bay giá 0 đồng”, “Săn voucher vé máy bay giảm 50%”, “Clear Stock cùng Oppo”, cùng hàng nghìn sản phẩm đang được các doanh nghiệp đăng ký Code/Voucher giảm giá trong chương trình. Điểm thứ ba, cũng là truyền thống của Chương trình, nhưng năm nay, sẽ được đẩy mạnh hơn nữa, là các doanh nghiệp tham gia chương trình, sẽ được các doanh nghiệp hạ tầng bao gồm các đơn vị chuyển phát, như Viettel Post, VnPost, Giao hàng nhanh và Be hỗ trợ từ 50 đến 100% chi phí chuyển phát; các đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán như ViettelPay, VnPay, ZaloPay sẽ cùng đồng hành cung BTC, triển khai các chương trình trợ giá, hoàn tiền khi khách hàng thực hiện giao dịch thông qua phương thức điện tử. Mục tiêu của các đơn vị cung ứng hạ tầng trong chương trình Online Friday 2019 nhắm đến hỗ trợ cho trên 1 triệu đơn hàng của doanh nghiệp với các hình thức hỗ trợ khác nhau. Điểm nhấn của sự kiện là Tuần lễ trải nghiệm công nghệ số và TMĐT, sẽ diễn ra từ 29/11 đến 8/12 năm 2019, trong đó có 4 ngày các doanh nghiệp có thể tham gia chương trình Lễ hội về TMĐT tại các không gian trung tâm, phố đi bộ của Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh do Bộ Công thương phối hợp cùng UBND các thành phố tổ chức. Đây là sự kiện thường niên, với quy mô trên 300.000 người dân thành phố dự kiến tham dự và tương tác với các hoạt động tại sự kiện. Chương trình được tổ chức với 3 không gian: Không gian Online Friday: Không gian chương trình trải nghiệm, săn voucher, săn khuyến mãi do Ban tổ chức triển khai với trên 2000 sản phẩm có ưu đãi khủng, với các chương trình săn voucher 0 đồng, giờ vàng, quét QR là trúng thưởng, với quà tặng là các sản phẩm rất HOT như: Xe máy Honda SH 2019, điện thoại iPhone 11… Không gian Doanh nghiệp: Không gian dành trọn vẹn cho các doanh nghiệp thoải mái tổ chức các sự kiện cho khách hàng, đối tác, với không gian không hạn chế. Đặc biệt với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng chính hãng, Ban tổ chức có các không gian hỗ trợ 100% cho doanh nghiệp, không mất chi phí tham dự. Không gian Lễ hội: Khu vực sân khấu lớn với các sự kiện âm nhạc, vũ đoàn, gameshow trên sân khấu sôi động, sẽ thu hút sự tham gia của đông đảo người dân tại các thành phố. 24 giờ mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm 2019 của Việt Nam sẽ diễn ra trong thứ 6, ngày 6/12 với chủ đề “Siêu giảm giá - Hàng chính hãng”. Với những sự chuẩn bị như trên, Ban tổ chức Ngày mua sắm trực tuyến – Online Friday 2019 sẽ chính thức mở cửa hệ thống đăng ký cho các doanh nghiệp từ ngày 12/11 đến hết ngày 25/11/2019, thời gian doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình sẽ kéo dài trong 2 tuần. Để đăng ký tham gia, doanh nghiệp chỉ cần truy cập địa chỉ http://dangky.onlinefriday.vn hoặc truy cập website www.onlinefriday.vn và xem hướng dẫn tham gia. Phương Thanh

Ra mắt thiết bị khám xe thông minh đầu tiên dành cho ô tô tại Việt Nam

TĐKT - Ngày 11/11, tại Hà Nội, phiên bản Beta thiết bị khám xe thông minh dành cho ô tô đầu tiên tại Việt Nam Micas đã chính thức ra mắt. Đây là thiết bị được tích hợp nhiều tiện ích, giúp chủ xe hiểu rõ tình trạng chiếc xe của mình, từ đó biết cách chăm sóc, bảo dưỡng xe hợp lý. Ông Nguyễn Thanh Đàm, người sáng lập Dự án Micas chia sẻ về ý tưởng xây dựng Micas Buổi ra mắt mang lại những trải nghiệm mới lạ, những tiện ích tối ưu, những giải pháp thiết thực cho các cá nhân/tổ chức/doanh nghiệp/… trong lĩnh vực ô tô. Đồng thời, công bố những chính sách, lợi ích cho người dùng xe; công bố giá bán lẻ đề xuất và giới thiệu những đối tác đã và đang đồng hành cùng Micas. Ông Võ Công Khải, Tổng Giám đốc Công ty Micas cho biết: “Sự kiện lần này không chỉ ra mắt thiết bị khám xe thông minh Micas đến với cộng đồng ô tô mà còn đánh dấu bước đột phá mới trong ngành công nghiệp phụ trợ ô tô tại Việt Nam, giải được bài toán về tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dùng xe.”. Ở Việt Nam hiện nay, ô tô đang dần trở thành phương tiện đi lại quen thuộc của người dân. Tuy nhiên, có rất ít tài xế được trang bị kiến thức đầy đủ để hiểu về xe và chăm sóc xe đúng cách, từ đó dẫn đến những hệ lụy xấu trong quá trình vận hành và lưu thông xe trên đường. Xuất phát từ chính lý do đó, một nhóm startup tập hợp những chuyên gia hàng đầu trong ngành ô tô, cơ điện tử, phần mềm IT đã cùng nhau nghiên cứu và cho ra đời thiết bị khám xe thông minhđầu tiên tại Việt Nam mang tên Micas. Ông Nguyễn Thanh Đàm, người sáng lập Dự án Micas cho biết: Micas ra đời như một giải pháp để giúp chủ xe hiểu xe của mình hơn, yêu hơn những gì thuộc về xe, biết cách chăm sóc xe chủ động giảm thiểu rủi ro và các sự cố; biến chiếc xe hơi từ một vật vô tri vô giác trở thành người bạn đường tin cậy, từ đó sẽ mang lại sự an tâm mỗi khi vận hành và sự an toàn trong những chuyến hành trình dài xuyên suốt. Khách hàng trải nghiệm các tiện ích của thiết bị khám xe thông minh Micas Khi kết nối Micas với ô tô của bạn, thiết bị này sẽ giống như một bác sĩ chuyên nghiệp có thể hiểu, kiểm tra và khám bệnh cho xe. Micas đọc được một số lỗi hệ thống cơ bản trên xe như: Hệ thống đánh lửa, phun xăng, mạch điều khiển… Kiểm soát tình trạng hiện tại của xe, phân tích và xử lý các lỗi động cơ. Phát hiện sớm các tình trạng lỗi, từ đó thông báo trước những vấn đề có thể xảy ra. Y bạ điện tử giúp các ga-ra nắm rõ tiền sử bệnh và thông tin những lần sửa chữa gần nhất để tiết kiệm thời gian và kinh phí cho người dùng xe. Nhắc nhở bảo dưỡng, phản hồi thông tin giúp lái xe chăm sóc kịp thời. Micas trở nên đặc biệt khi được tích hợp nhiều chức năng, tiện ích mang tính cộng đồng: Gọi SOS từ các đội cứu hộ/cứu nạn gần nhất để được hỗ trợ các tình huống bất khả kháng. Nhờ trợ giúp từ các xe gần đó để được hỗ trợ trong các tình huống hỏng hóc nhẹ như hết bình, hết xăng, hư lốp… Cung cấp đầy đủ danh sách các trạm dịch vụ, địa điểm, xếp hạng, giá cả theo thứ tự uy tín nhất và gần nhất. Đồng thời đưa ra các gói khuyến mại tiện ích để chủ xe tham khảo và chọn lựa. Ngoài ra, với các công cụ tiện ích trực quan và luôn sẵn sàng trên app Micas, chủ xe luôn làm chủ thông tin, nắm bắt nhanh tình hình giao thông gần đó, cập nhật tức thời các thông tin về thông tư, về luật mới để tránh sai phạm, được cảnh báo tốc độ giới hạn để tránh đi quá tốc độ và luôn được hỗ trợ tức thời từ cộng đồng và tổng đài 24/7 của Micas. Ông Nguyễn Thanh Đàm nhấn mạnh: "Chúng tôi không đặt mục tiêu sản phẩm phải đạt vị trí số 1, số 2, mà Micas có thật sự tạo ra giá trị cho ngành ô tô hay không, có mang lại cảm xúc và hạnh phúc cho người dùng xe sau vô lăng hay không, đó mới là quan trọng nhất." Phương Thanh  

Trải nghiệm không gian văn hóa ẩm thực Jeonbuk trong lòng Hà Nội

TĐKT – Từ ngày 1 – 7/11, tại 4 cửa hàng K-market: K-market Golden Palace, K-market Keangnam, K-market Goldmark Sapphire, K-market Gardenia, Tuần lễ ẩm thực Jeonbuk 2019 đã mang đến cho người tiêu dùng Hà Nội không gian ẩm thực thu nhỏ của tỉnh Jeonbuk (Hàn Quốc). Lễ cắt băng khai mạc Tuần lễ Tỉnh Jeonbuk hay Jeollabuk-do là một tỉnh nằm ở phía Tây Nam Hàn Quốc. Thủ phủ là thành phố Jeonju, nổi tiếng với các khu nhà truyền thống hanok maeul, ngôi làng với hàng trăm những nóc nhà theo kiến trúc truyền thống, bên cạnh đó là nền ẩm thực mang màu sắc độc đáo và ấn tượng. Tuần lễ ẩm thực Jeonbuk 2019 mang tới các sản phẩm hàng khô, hàng đông lạnh vô cùng đa dạng: Từ thủy hải sản đông lạnh như các loại cá, các sản phẩm gạo, những gia vị quen thuộc như nước tương, các loại mắm cho đến những sản phẩm ăn liền như bánh chocopie, bánh waffle giòn, kẹo hồng sâm, kẹo dẻo jelly… Khách hàng trực tiếp trải nghiệm không gian văn hóa ẩm thực Jeonbuk Ông Lee Gyung Duk, cán bộ Ban Xuất khẩu nông sản Jeonbuk cho biết: Việt Nam đứng thứ tư trong số các nước nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc và đứng thứ 7 trong số các nước nhập khẩu nông sản từ Jeonbuk. Xác định đây là thị trường lớn để nông sản Jeonbuk có cơ hội phát triển, thời gian qua, các doanh nghiệp của tỉnh Jeonbuk liên tục tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại nhằm tăng cường giao lưu văn hóa, đồng thời, thúc đẩy quảng bá được nhiều sản phẩm của tỉnh tới người tiêu dùng Việt. Vừa qua, tỉnh Jeonbuk (Hàn Quốc) và tỉnh Đắk Lắk của Việt Nam cũng đã ký kết một biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ nhau xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản. Phương Thanh

K-Fresh 2019: Cầu nối đưa nông sản Hàn Quốc tới Việt Nam

TĐKT – Với tiêu chí an toàn, chất lượng, Chương trình K-Fresh 2019 đã mang những sản phẩm nông nghiệp phong phú của Hàn Quốc tới người tiêu dùng Việt Nam qua hệ thống siêu thị K-Market. Chương trình do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại K&K Toàn cầu và Tổng Công ty nhà nước lưu thông hàng nông thủy sản Hàn Quốc (aT) phối hợp tổ chức. Chương trình K-Fresh 2019 được tổ chức tại chuỗi cửa hàng K-market từ ngày 16/9 Từ ngày 16/9 đến hết tháng 12/2019, tới 6 cửa hàng K-market Golden Palace, K-market Keangnam, K-market Goldmark Ruby, K-market Goldmark Sapphire, K-market Gardenia, K-market Season Avenue, khách hàng có cơ hội nếm thử và mua sắm các mặt hàng nông sản Hàn Quốc đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, hương vị.   Trong đó, có thể kể tới các loại rau củ, nấm, sâm, hoa quả, ngũ cốc… Tất cả các sản phẩm có nguồn nguyên liệu tươi ngon, quy trình đóng gói, sản xuất nghiêm ngặt. Đặc biệt, các mặt hàng nông sản tươi của Hàn Quốc được vận chuyển trực tiếp bằng đường hàng không đến Việt Nam, luôn giữ được hương vị thơm ngon, lành tính. Nhân dịp này, với mỗi đơn hàng trên 500.000 đồng, khách hàng sẽ được nhận ngay một túi vải xinh xắn để bảo vệ môi trường. Khách hàng tham gia chương trình ăn thử của gian hàng K-Fresh 2019 từ ngày 16/9 sẽ tặng bút bi dây đeo tiện lợi nhỏ nhắn. Nhiều mặt hàng nông sản Hàn Quốc được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng Hàn Quốc là nơi có nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến từ nông sản đặc trưng như nhân sâm, hồng sâm, linh chi, các loại nước ép trái cây tự nhiên... Đây là những sản phẩm có chất lượng và độ an toàn cao đang được người tiêu dùng nhiều nước quan tâm.  Đồng thời, Hàn Quốc có lợi thế về công nghệ, kỹ thuật chế biến nông sản hiện đại, đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng, mẫu mã. Những năm trở lại đây, nông sản Hàn Quốc không còn xa lạ với người tiêu dùng Việt Nam. Không chỉ thông qua các bộ phim, các mẩu quảng cáo, người tiêu dùng Việt biết đến nông sản Hàn Quốc trực tiếp tại chính những siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đặc biệt thông qua những sự kiện quảng bá nông sản Hàn Quốc được tổ chức thường xuyên. Việt Nam với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, thu nhập người dân được nâng cao và ngày càng có nhiều người quan tâm tới các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản Hàn Quốc tin tưởng đây sẽ là thị trường tiêu dùng nông sản, thực phẩm tiềm năng trong thời gian tới. Phương Thanh  

Hội thảo góp ý về Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

TĐKT - Ngày 5/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam. Hội thảo góp ý Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam Báo cáo tại Hội thảo, PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án cho hay, để thực hiện Đề án, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu kinh nghiệm định giá điện của các nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan và các nước phát triển như Pháp, Hàn Quốc, Úc. Qua đó, rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam. Cụ thể, biểu giá bậc thang tăng theo mức tiêu dùng lũy tiến vẫn được sử dụng phổ biến đối với hộ sinh hoạt; các hộ tiêu thụ phải trả đầy đủ các chi phí của hệ thống điện; giá điện của các nước cũng luôn được điều chỉnh để đảm bảo phản ánh đúng chi phí cung ứng điện khi giá các nhiên liệu đầu vào thay đổi… Tư vấn viên cũng đã phân tích tổng quan sản lượng/doanh thu/giá bán điện từ năm 2016 - 2018. Qua đó cho thấy, giá điện chỉ tương đương giá thành bình quân; tổng doanh thu chỉ tương đương tổng chi phí. Chính vì vậy, việc cân bằng tài chính cho ngành điện không đảm bảo, không có nguồn lực để phát triển hệ thống điện. Tại Hội thảo, tư vấn viên cũng đã đưa ra các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho 4 hộ sử dụng điện: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt. Trong đó, với hộ sinh hoạt, Đề án đưa ra 3 phương án gồm: Cơ cấu biểu giá bậc thang 5 bậc, 4 bậc và 3 bậc. Ở mỗi phương án, tư vấn viên đã phân tích, đánh giá tác động cụ thể đối với các hộ tiêu dùng. Cũng theo đơn vị tư vấn, cả 3 phương án đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội và doanh thu của EVN sẽ giảm nhẹ. Trong đó, phương án 5 bậc phù hợp với các đặc thù sử dụng điện của Việt Nam hiện nay cũng như mức thu nhập của từng nhóm đối tượng. Tư vấn viên cũng đề xuất nên luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện bằng các văn bản pháp lý của các cấp có thẩm quyền, công khai chu kỳ điều chỉnh giá. Thời điểm điều chỉnh nên lựa chọn theo mùa, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng. Kỳ đề xuất điều chỉnh là 1/3 và 1/9 hàng năm. Bên cạnh đó, có phương án điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện. Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia kinh tế đánh giá cao kết quả của Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; đặc biệt là các đề xuất như: Luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, áp dụng biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc thang… Sau buổi Hội thảo, đơn vị tư vấn xây dựng nội dung Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia phản biện và các ý kiến khác tại Hội thảo để hoàn thiện, tiến tới trình báo cáo Bộ Công thương xem xét. Hồng Thiết

Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Gimcheon (Hàn Quốc) tại Hà Nội

TĐKT -  Từ ngày 4/11 - 1/12, tại hệ thống siêu thị K-market Hà Nội, thực khách sẽ có cơ hội trải nghiệm hương vị ẩm thực tinh tế của thành phố Gimcheon (Hàn Quốc). Lễ ký kết hợp tác xúc tiến quảng bá ẩm thực Gimcheon tại Việt Nam Lễ hội Gimcheon 2019 giới thiệu những sản phẩm đặc sắc của thành phố Gimcheon: Các loại nho (nho xanh sữa, nho đen to, nho đen nhỏ), lê và táo, với mẫu mã đẹp, hương vị thơm ngon, chất lượng. Đặc biệt, sản phẩm nho xanh sữa được nhiều người ưa chuộng bởi vị ngọt thanh, thơm mát. Chương trình diễn ra tại 7 cửa hàng K-market ở Hà Nội: K-market Golden Palace, K-market Keangnam, K-market Goldmark Sapphire, K-market Goldmark Ruby, K-market Gardenia, K-market Mỹ Đình, K-market 17T3. Nghi thức khai mạc Lễ hội Gimcheon là một thành phố ở tỉnh Gyeongsang Bắc, Hàn Quốc. Hiện tại, thành phố dành 4500 ha để trồng hoa quả, trong đó có 2200 ha trồng các loại nho (trồng trong nhà kính và trồng tự nhiên). Với điều kiện tự nhiên thuận lợi như khí hậu trong lành, lượng mưa ổn định, đất đai màu mỡ, chênh lệch nhiệt độ trong ngày phù hợp, Gimcheon được xem như thiên đường của các loại hoa quả, cung cấp lượng lớn lê, táo, đào, mận, các loại nho và nhiều trái cây ngon, tốt cho sức khỏe khác với hương vị đặc biệt, riêng có. Ông Kim Choong Sup, Thị trưởng thành phố Gimcheon trực tiếp giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô các sản phẩm của thành phố Ông Kim Choong Sup, Thị trưởng thành phố Gimcheon cho biết: Đây là lần đầu tiên Lễ hội này được tổ chức tại Việt Nam. Trước đó, sản phẩm của Gimcheon đã được bày bán tại 30 cửa hàng K-market ở Hà Nội, nhận được nhiều đánh giá tốt về chất lượng. Chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để cung cấp cho các chuỗi siêu thị và người tiêu dùng ở Hà Nội những sản phẩm tươi ngon với giá cả phải chăng. Gimcheon cam kết sẽ cạnh tranh tại thị trường Việt Nam với chất lượng hàng hóa tốt nhất. Các sản phẩm trái cây tươi ngon, bổ dưỡng của Gimcheon được giới thiệu tại Lễ hội Ngoài thị trường Việt Nam, thành phố Gimcheon đang tiến hành xuất khẩu nhiều loại hoa quả như này đến những nước khác: Phillipines, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ… Phương Thanh

Trang