TĐKT - Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày và tuyên truyền, giáo dục cho mọi thế hệ thông qua những di tích và tài liệu hiện vật có liên quan đến cuộc đời và hoạt động Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch trong thời kỳ từ tháng 12 năm 1954 đến những ngày cuối đời của Người ngày 2/9/1969. Xác định rõ trọng trách do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động tại Khu Di tích đã vượt qua mọi gian khổ trong quá khứ, vượt qua mọi thử thách trong hiện tại, góp phần giúp thế hệ ngày nay và tương lai thêm hiểu, thêm trân trọng và phát huy những giá trị quý báu trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của vị cha già kính yêu của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Di tích Nhà 67 trong Khu Phủ Chủ tịch
Gìn giữ nguyên trạng Khu Di tích
Hướng tới mục tiêu gìn giữ nguyên trạng Khu Di tích, giảm thiểu tối đa sự biến dạng, xuống cấp của các di tích so với lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai. Công tác tôn tạo, tu bổ di tích thường niên luôn đảm bảo nguyên tắc: Giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích; giải phóng, tước bỏ khỏi di tích các lớp bổ sung gây ảnh hưởng xấu tới giá trị của di tích; làm cho di tích có độ bền vững về mặt kết cấu để tồn tại lâu dài trước tác động của thời gian và thời tiết.
Giám đốc Nguyễn Văn Công báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết quả đạt được trên các mặt công tác của Khu Di tích nhằm hướng tới 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một loại hình bảo tàng lưu niệm sinh hoạt đời sống danh nhân nên công tác bảo tồn cảnh quan môi trường có tính đặc thù, theo chế độ bảo quản thông thường, định kỳ ngắn hạn, dài hạn và chống xuống cấp. Chế độ bảo quản thông thường phục vụ khách tham quan di tích được tiến hành hàng ngày trước lúc khách đến và hết giờ tham quan với các công việc là vệ sinh sân, hè, đường, vườn cây, mặt nước ao cá. Được sự giúp đỡ của các đơn vị chuyên môn, Khu Di tích luôn thực hiện tốt việc chăm sóc, phòng trừ bệnh cho cây trồng, cá, nhân giống, bảo tồn gen cây quý hiếm, cây di tích lịch sử.
Những nỗ lực của cán bộ, nhân viên, người lao động đã giúp diện mạo, cảnh quan môi trường của Khu Di tích được gìn giữ tốt dù năm thập kỷ đã đi qua kể từ ngày Bác đi xa.
Đẩy mạnh sưu tầm, kiểm kê, bảo quản tài liệu hiện vật
Công tác sưu tầm, kiểm kê, bảo quản tài liệu hiện vật được nhận định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Khu Di tích. Tính đến nay, Khu Di tích đã sưu tầm được hàng nghìn tư liệu bao gồm ảnh và các trang tài liệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; có gần 1.000 hiện vật được xác minh, xây dựng hồ sơ khoa học với đầy đủ các yếu tố lý lịch, bản ghi chép hiện vật, phiếu kiểm kê, lời kể nhân chứng, các bài viết có liên quan, ảnh chụp, bản vẽ thiết kế, sơ đồ định vị…
Để bảo quản tốt tài liệu hiện vật, Khu Di tích đã từng bước đầu tư trang thiết bị như: Máy đo độ ẩm, máy hút ẩm, máy điều hòa nhiệt độ, máy phun ẩm, công nghệ khí khô, đèn chiếu sáng… Việc lắp đặt các thiết bị không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc của di tích. Nhiều công nghệ mới được triển khai hiệu quả có thể kể đến là: Xây dựng hệ thống giám sát điều khiển tự động trung tâm kiểm soát các thông số ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm; lắp đặt hệ thống camera, hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động…
Đoàn sĩ quan Học viện Chỉ huy Tham mưu Indonesia nghe giới thiệu về Di tích Nhà sàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc từ năm 1958 đến năm 1969
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục
Sở hữu đội ngũ cán bộ giỏi chuyên môn, giàu năng lực ngoại ngữ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn nêu cao tình thần phục vụ, tác phong làm việc chuyên nghiệp, Khu Di tích đã và đang thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục dưới hình thức phong phú: Hướng dẫn thuyết minh trực tiếp cho khách tham quan, nói chuyện chuyên đề; đăng phát tin bài, chuyên đề trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng phim tư liệu; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học…
Tính đến năm 2019, Khu Di tích đã đón tiếp, phục vụ chu đáo hơn 80 triệu lượt khách, trong đó có trên 14 triệu lượt khách quốc tế đến từ hơn 160 quốc gia. Khu Di tích cũng phối hợp tổ chức thành công hàng trăm buổi lễ báo công, lễ kết nạp Đảng, lễ phát thẻ Đảng… Có thể nói, Khu Di tích đã trở thành “địa chỉ đỏ”, “trường học lớn” cho các tổ chức đoàn thể, quần chúng đến nghiên cứu, học tập hưởng ứng các cuộc vận động cũng như là nhịp cầu hữu nghị, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thảnh - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng chí Cao Thị Hải Yến - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Khu di tích chúc mừng BCH Chi đoàn Khu di tích nhiệm kỳ 2019 - 2022
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành một trong những đơn vị uy tín trong biên tập, xuất bản các đầu sách chất lượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với 130 đầu sách trong 50 năm qua. Bên cạnh đó, Khu Di tích cũng xuất bản tờ gấp giới thiệu bằng 4 thứ tiếng, 10 bộ bưu ảnh song ngữ Việt - Anh giới thiệu các hình ảnh hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thông tin tư liệu thường kỳ một năm hai số.
Sự ra đời của trang tin điện tử ditichhochiminhphuchutich.gov.vn đã đáp ứng yêu cầu giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong15 năm Bác sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, đồng thời tuyên truyền về hoạt động của Khu Di tích. Con số hơn 10 triệu lượt truy cập tính từ khi xây dựng trang tin đến hết nửa đầu năm 2019 là minh chứng sống động nhất cho vai trò kênh thông tin hữu ích đối với bạn đọc của Trang tin điện tử Khu Di tích.
Nhằm đưa hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác tới gần hơn với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, Khu Di tích đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các cuộc triển lãm lưu động, cụ thể trong năm 2018 là: “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất” tại Côn Đảo, Nghệ An và Cà Mau; “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga” tại Nga…
Những hy sinh, cống hiến thầm lặng của tập thể Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao với nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Hồ Chí Minh; Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Minh Phương
Văn hóa - Thể thao
TĐKT - Chiều 28/8, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ năm 1954”.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng phát biểu tại Lễ ra mắt
Đây là tuyển tập tư liệu do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam và Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga phối hợp biên soạn. Cuốn sách đã được Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga xuất bản bản tiếng Nga năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga.
Năm 2019, nhân dịp năm Hữu Nghị, kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ Hữu nghị Việt Nam - Liên Bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tiếp tục biên soạn, xuất bản cuốn sách này trên cơ sở biên dịch, chọn lọc nội dung từ bản tiếng Nga sang tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của công chúng trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơnevơ năm 1954 là dấu mốc lịch sử quan trọng, có ý nghĩa thời đại to lớn. Khi nói đến thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ, không thể không nhắc đến hợp tác Xô -Việt trong đấu tranh ngoại giao. Sự giúp đỡ toàn diện với tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản của Liên Xô, trong đó có những đóng góp ở Hội nghị Giơnevơ là yếu tố vô cùng quan trọng giúp nhân dân Việt Nam lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Nhằm khẳng định hơn nữa những giá trị, ý nghĩa lịch sử của Hội nghị Giơnevơ cũng như nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, năm 2017, trong khuôn khổ những nội dung hợp tác đã được ghi nhớ và ký kết giữa lưu trữ quốc gia hai nước Việt Nam - Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga đã phối hợp biên soạn cuốn sách "Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ 1954."
Bản tiếng Việt của cuốn sách dày 900 trang, giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh được tập hợp từ các cơ quan lưu trữ quốc gia của Việt Nam và Liên bang Nga, gồm những văn kiện, văn bản, thư từ, thông báo, biên bản, nội dung các bản điện đàm… về Hội nghị Giơnevơ cũng như phong trào quốc tế và cộng sản ủng hộ hòa bình tại Đông Dương và tình hình Việt Nam bắt đầu từ năm 1950 cho đến thắng lợi tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954.
Sách “Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ năm 1954” trưng bày tại Lễ ra mắt.
Cuốn sách cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị không chỉ đối với các nhà nghiên cứu về Hội nghị Giơnevơ năm 1954, về lịch sử quan hệ quốc tế mà còn với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Cuốn sách được biên soạn, xuất bản là minh chứng cho sự nỗ lực của các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa hai nước, đóng góp vào mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Nga - Việt.
Hồng Thiết
Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”
TĐKT - Ngày 28/8, tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam phối hợp với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 3 cơ quan Lưu trữ: Liên Bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp từ tài liệu lưu trữ Việt Nam và quốc tế”. Đây là hoạt động thiết thực nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019). Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Tùng cho biết, Ban Tổ chức triển lãm đã lựa chọn công bố, giới thiệu hơn 100 tài liệu quốc gia hiện đang bảo quản tại các cơ quan lưu trữ, cơ quan văn hóa của Việt Nam, Liên bang Nga, Cộng hòa Pháp và Hoa Kỳ về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một trong những tài liệu được trưng bày tại triển lãm Triển lãm bố cục 3 phần: Phần I: Quê hương, gia đình và thời thơ ấu; phần II: Người thanh niên yêu nước, người chiến sĩ cách mạng, vị lãnh tụ thiên tài; phần III: Bản Di chúc thiêng liêng - Sự kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bản Di chúc lịch sử, kết tinh những tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vị lãnh tụ suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Triển lãm được tổ chức tại chính nơi Người đã ở và làm việc trong thời gian dài để thể hiện sự tôn kính và như một nén tâm nhang thành kính dâng lên Người. Đặc biệt, tại triển lãm này, Ban Tổ chức giới thiệu hơn 100 tài liệu, hình ảnh được lựa chọn kỹ lưỡng từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó giúp công chúng hiểu rõ hơn những tư tưởng và cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp hòa bình, tình hữu nghị và phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới. Đây cũng là dịp để mỗi chúng ta ôn lại lời căn dặn của Người, thêm ý chí, quyết tâm và sức mạnh đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như Người hằng mong muốn; qua đó góp phần bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ban tổ chức hy vọng thông qua cuộc triển lãm này, công chúng sẽ có thêm tư liệu để hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những tư tưởng và cống hiến của Người cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và phát triển vì tiến bộ của Việt Nam và thế giới. Hồng ThiếtTĐKT - Nhân kỷ niệm 50 năm toàn Đảng, toàn dân thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Người (2/9/1969 - 2/9/2019), ngày 27/8, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ phát hành đặc biệt bộ tem "50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) và bộ lịch "Bác Hồ sống mãi với non sông Việt Nam".
Lễ phát hành bộ tem đặc biệt
Tới dự, có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Với ngành bưu điện, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được tôn vinh đặc biệt và là đề tài được khai thác nhiều nhất trên lĩnh vực tem bưu chính.
Bộ tem "Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019)" thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ngồi làm việc với câu trích cuối cùng trong bản Di chúc: "...Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh..." và hình ảnh cờ đỏ sao vàng, nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, tạo cảm giác gần gũi, sâu lắng. Blog tem thể hiện sự thống nhất và phát triển của đất nước qua hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang bắt nhịp bài ca Kết đoàn cùng cờ Đảng và các thành tựu của đất nước từ khi thống nhất, đổi mới, hội nhập và phát triển.
Bộ tem gồm 1 mẫu và 1 blog do họa sĩ Trần Thế Vinh thiết kế. Tem có giá mặt 4.000 đ và blog giá 15.000 đ, được cung ứng trên mạng lưới bưu chính công cộng từ ngày 27/8/2019 đến 30/6/2021.
Nhân dịp này, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh ra mắt bộ lịch đặc biệt chào Xuân 2020 với chủ đề "Bác Hồ sống mãi với non sông Việt Nam". Bộ lịch được đầu tư công phu từ khâu lựa chọn hình ảnh, nội dung, thông điệp đến việc thể hiện. Bằng bút pháp vẽ ký họa chải nét, phong cách thiết kế độc đáo, màu sắc tinh tế, sang trọng, các tác giả đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tươi mới, gần gũi và có sức lan tỏa rộng khắp với đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bộ lịch được miêu tả chân thực, sinh động và đầy sáng tạo cùng những sự kiện lịch sử gắn với các ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, vấn đề biển đảo và quốc phòng, an ninh.
Việc phát hành bộ tem “50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019)" và bộ lịch “Bác Hồ sống mãi với non sông Việt Nam” là hoạt động thiết thực thể hiện sự biết ơn sâu sắc, sự tôn kính đối với lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của Đảng, dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn của bản Di chúc lịch sử, tổng kết những bài học kinh nghiệm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Di chúc của Người trong thời gian tới.
Phương Thanh
Chương trình nghệ thuật “Nửa thế kỷ thực hiện lời thề thiêng liêng với Bác”
TĐKT - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch sẽ tổ chức chương trình “Nửa thế kỷ thực hiện lời thề thiêng liêng với Bác” vào ngày 31/8. Chương trình sẽ được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội Chương trình nhằm ôn lại những lời căn dặn của Người trong Di chúc; điểm lại kết quả thực hiện năm lời thề thiêng liêng tại lễ truy điệu Người của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong 50 năm qua. Đây cũng là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình; phấn đấu xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như di nguyện của Người. Những thông điệp đó sẽ được chuyển tải thông qua những thước phim tư liệu, những phóng sự đặc sắc, góp phần làm sáng rõ giá trị to lớn của bản Di chúc là ánh sáng soi đường dẫn lối cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với đó là chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam biểu diễn ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Người đối với đất nước, dân tộc và tình cảm của cả dân tộc Việt Nam đối với Người. Chương trình được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội và truyền hình trực tiếp vào lúc 20h00 ngày 31/08/2019 trên kênh Truyền hình Nhân Dân, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội. Trang LêTĐKT - Ngày 26/8, tại Hà Nội, Hội đồng họ Trần Việt Nam phối hợp với Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị. Dự tọa đàm có GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Nhà sử học Lê Văn Lan, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Thiếu tướng, PGS. Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam; Trung tướng, PGS. TS. Trần Đình Nhã, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam; Trung tướng, TS. Trần Trọng Lượng, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam.
Quang cảnh Tọa đàm
Thiếu tướng, PGS. Đào Trần Quang Cát, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam cho biết, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thì triều đại nhà Trần đã được sử sách ghi danh, đánh giá là một trong những triều đại vô cùng hiển hách với 3 lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông, một thế lực hùng mạnh nhất thế giới trong thế kỷ XIII, bảo vệ vững chắc giang sơn, bờ cõi, trở thành niềm tự hào của đất nước, dân tộc, đặc biệt là con cháu hậu duệ họ Trần.
Trong thời gian gần đây, xuất hiện các tranh cãi về việc có hay không một “nhân vật lịch sử” Trần Hoằng Nghị và Trần Hoằng Nghị có phải là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ hay không? Trước những vấn đề còn tồn nghi, GS. Vũ Minh Giang nêu nguyên tắc cần có phương pháp xử lý khoa học khi xuất hiện ý kiến khác nhau về một sự kiện hoặc nhân vật lịch sử.
Trong quá trình nghiên cứu về các nhân vật lịch sử, các tư liệu thành văn (thư tịch cổ, sử sách, văn bia, thần tích, thần sắc, thần phả, câu đối…) là rất quan trọng và cần thiết. Lịch sử là chân lý, gắn liền với hoàn cảnh thực tiễn vốn có, không thể đưa ra kết luận một cách đúng đắn, khoa học nếu chỉ dựa vào các tư liệu khảo sát điền dã, kể cả các tài liệu thứ cấp xuất bản những năm gần đây. Việc tổ chức cuộc tọa đàm này là cần thiết và quan trọng để xem xét một cách khoa học về nhân vật Trần Hoằng Nghị, để có thể làm rõ, giải tỏa những sự băn khoăn trong dư luận.
Tại cuộc tọa đàm, các nhà nghiên cứu đã có nhiều phân tích trao đổi, làm rõ các nghi vấn: Có đúng Trần Hoằng Nghị là nhân vật lịch sử liên quan vương triều Trần hay không? Nhân vật này có phải là thân phụ của Thái sư Trần Thủ Độ như một số người đã khẳng định, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông quốc gia trong thời gian qua hay không?
Sau khi nghe những ý kiến thảo luận tại cuộc tọa đàm, GS. Vũ Minh Giang tổng kết: “Sau khi đã trao đổi thảo luận trên cơ sở quan trọng nhất của lịch sử là tư liệu, cho đến nay, trên mặt bằng nhận thức và căn cứ khoa học, hoàn toàn chưa đủ để đưa ra với giới sử học một nhân vật lịch sử mới là Trần Hoằng Nghị - với ý nghĩa là nhân vật có tham gia vào quá trình lịch sử dân tộc chứ không phải chỉ là một người có tên có tuổi - đặc biệt lại càng không đủ cứ liệu để gắn nhân vật này với một nhân vật lịch sử đã nổi tiếng là Thái sư Trần Thủ Độ - người có công lớn sáng lập triều Trần”.
Việc tôn vinh một người nào đó của một họ tộc là việc riêng trong nội bộ họ tộc đó, song không thể vội vã truyền bá về một nhân vật không có đủ căn cứ khoa học trên các phương tiên thông tin đại chúng, đặc biệt là trong các sách văn hóa - lịch sử.
La Giang
TĐKT – Sáng 24/8, tại Quảng trường Tượng đài vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Công ty Cổ phần Bánh mứt kẹo Bảo Minh long trọng tổ chức Lễ vinh danh “Cặp bánh trung thu kỷ lục Việt Nam” lớn nhất Việt Nam.
Cặp bánh bánh nướng, bánh dẻo lớn nhất Việt Nam được tế lễ thắp hương Tổ nghề ở Đền Ngọc Sơn.
Mỗi chiếc bánh có chiều cao 20 cm, đường kính 95 cm, nặng 150 kg. Để làm nên cặp bánh này, Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh đã mất hơn 2 tháng để chuẩn bị từ khuôn gỗ, đế đến các nguyên vật liệu và triển khai, với sự tham gia của hơn 20 nghệ nhân có tuổi đời làm nghề hơn 20 năm trở lên của công ty. Nguyên liệu làm bánh đều là những nguyên liệu truyền thống như: Hạt sen, hạt bí, đậu xanh, dưa, vừng, lạp xưởng…
Tại buổi lễ, Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Bảo Minh đã được Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục cho cặp bánh trung thu lớn nhất Việt Nam năm 2019.
Cặp bánh bánh nướng, bánh dẻo lớn nhất Việt Nam đã được tế lễ thắp hương Tổ nghề ở Đền Ngọc Sơn, rồi rước ra Quảng trường trưng bày cho người dân chiêm ngưỡng. Đây là điểm nhấn của mùa Trung thu 2019.
Bà Ngô Thị Tính, Tổng Giám đốc Công ty bánh mứt kẹo Bảo Minh cho biết, toàn bộ tinh thần của ngày lễ Tết Trung thu được thể hiện trong bánh nướng, bánh dẻo cổ truyền. Chúng tôi luôn mong muốn mang tới một thế giới ngọt ngào qua từng chiếc bánh. Cặp bánh được thực hiện với mong muốn trở thành điểm nhấn cho đêm trăng rằm, để lại dấu ấn cho những khách mời, truyền tải thông điệp yêu thương, gắn kết gia đình và mang hương vị bánh truyền thống, những giá trị nhân văn, hình ảnh, hương vị bánh truyền thống, tinh hoa của dân tộc qua từng sản phẩm Bảo Minh ra khắp năm châu.
Bằng xác lập Kỷ lục cho cặp bánh được trao đến lãnh đạo Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh
Với tinh thần nhân văn, tại chương trình công ty cũng xây dựng quỹ từ thiện Bảo Minh để góp phần mang tới những cái tết đoàn viên đầm ấm cho những hoàn cảnh neo đơn, khó khăn trong cuộc sống. Cặp bánh trung thu sau đó được sử dụng với mục đích từ thiện, đồng thời mang tới cho khách mời cơ hội được thưởng thức vị bánh truyền thống.
Sự kiện trưng bày cặp bánh Trung thu khổng lồ đã diễn ra trong 2 ngày 24, 25/8/2019, với nhiều tiết mục biểu diễn sôi động, những trò chơi dân gian thú vị, đặc sắc.
Phương Thanh
TĐKT - Chiều 19/8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động Giải báo chí về chủ đề “Văn hóa ứng xử”.
Lễ phát động Giải báo chí
Đây là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TTTT, Trưởng Ban tổ chức giải báo chí cho biết: Đảng và Nhà nước ta đã xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần, động lực phát triển kinh tế xã hội. Do đó, Ban tổ chức mong muốn thông qua cuộc phát động Giải báo chí về chủ đề “văn hóa ứng xử” sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với các chuẩn mực ứng xử văn minh, hiện đại trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước.
Đồng thời, cuộc thi góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về văn hóa ứng xử trên các phương tiện thông tin đại chúng; động viên, khuyến khích các cơ quan báo chí, nhà báo trong thực hiện tuyên truyền về văn hóa ứng xử, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa những hành vi ứng xử văn hóa sâu rộng trong xã hội.
Thể loại báo chí được xét trao giải là các tác phẩm báo chí thuộc bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình tọa đàm và ảnh báo chí (trừ các chương trình phát thanh và truyền hình trực tiếp) tuyên truyền về văn hóa ứng xử được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình từ ngày 1/1/2019 đến ngày 30/6/2020. Tác phẩm tham dự giải không vi phạm về bản quyền và thể lệ giải.
Ban tổ chức đề nghị các cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên và những người làm báo tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền về xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ và tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tuyên truyền về trách nhiệm của người tham gia lễ hội; tuyên truyền về trách nhiệm người tham gia giao thông; tuyên truyền nêu gương các tập thể và cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong văn hóa ứng xử trên các lĩnh vực…
Từ ngày 3/7/2020 đến ngày 30/7/2020, Ban tổ chức chọn các tác phẩm tiêu biểu nhất vào vòng chung khảo. Từ ngày 3/8/2020 đến 10/8/2020 sẽ là thời gian để chọn các tác phẩm tiêu biểu nhất cho lễ trao giải. Lễ tổng kết và trao giải được tổ chức vào dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khách 2/9 năm 2020.
Phương Thanh
TĐKT - Nối tiếp sau thành công của bộ phim truyền hình “Về nhà đi con”, diễn viên Thu Quỳnh tham gia tổ chức triển lãm thời trang đương đại, mang tên “I Dare” (Tôi dám), nhằm truyền cảm hứng và sự tự tin tới phái đẹp trong cuộc sống.
Bộ phim “Về nhà đi con” đã kết thúc, để lại không ít dư âm trong lòng người hâm mộ bởi triết lý nhân sinh và tính thời sự mà bộ phim mang lại. Trong dàn diễn viên nổi bật của bộ phim, khán giả vẫn còn ấn tượng với hình ảnh một cô nàng “Thu Huệ” - diễn xuất bởi Thu Quỳnh - dịu dàng và yếu đuối. Có thể nói, đây là một vai diễn mang tính “cột mốc” của Thu Quỳnh, kế tiếp sau nhân vật “My Sói” cá tính trong bộ phim “Quỳnh Búp Bê”. Thế nhưng không dừng lại ở sự nghiệp của một “diễn viên”, mới đây nhất, Thu Quỳnh tiếp tục gây ấn tượng với việc tham gia tổ chức triển lãm thời trang đương đại tại Hà Nội, nhằm đề cao tinh thần nữ quyền.
Triển lãm sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D trên toàn bộ 2 tầng sự kiện, tạo nên một tổng thể thời trang, nghệ thuật hòa quyện.
Triển lãm mở cửa tự do tại địa điểm 41 Tràng Tiền, Hà Nội trong 2 ngày 17 - 18/8/2019. Lấy thông điệp là “I Dare” (Tôi dám), Thu Quỳnh cùng ekip sản xuất mong muốn đề cao lòng can đảm, sự tự tin của phái đẹp trong cuộc sống. Đó là sự can đảm của một người diễn viên có thể chuyển đổi nhanh chóng trong các vai diễn khác nhau. Đó cũng có thể là sự can đảm của một người mẹ đơn thân, vượt lên trên mặc cảm của cuộc hôn nhân tan vỡ. Đó cũng có thể là một người diễn viên “dám” thử sức trong lĩnh vực thời trang. Hoặc đơn giản hơn, đó cũng có thể là một người phụ nữ, mặc dù trái tim đã đôi lần giá lạnh, những vẫn yêu và “dám” can đảm được yêu.
Bộ sưu tập trình chiếu trong triển lãm được Thu Quỳnh kết hợp sản xuất cùng thương hiệu Kimmay - một nhãn hiệu thời trang thiết kế cao cấp Việt mang tiêu chuẩn Italy. Với hình ảnh chủ đạo là bông lúa, Thu Quỳnh cùng ekip Kimmay đã thổi một góc nhìn khác lạ khi liên tưởng về hình ảnh cây lúa mì. Hình ảnh bông lúa gợi sự chín chắn, no đủ và viên mãn - một hình ảnh liên tưởng tới chính Thu Quỳnh, người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập và trưởng thành.
Một số hình ảnh mang tính “lột xác” của Thu Quỳnh tại triển lãm.
Với loạt phong cách thay đổi như phong cách Victorian, phong cách “Cô gái cao bồi”... Thu Quỳnh đã cho thấy sự biến hóa luân chuyển của người diễn viên khi hóa thân trong một dự án thời trang. Các sản phẩm trưng bày tại triển lãm vừa thể hiện sự mềm mại, nữ tính lại vừa phô diễn triệt để sự hào hoa, tráng lệ với những đường cong đặc trưng của phong cách cổ điển thế kỷ 19.
Điểm thú vị của dự án đó là Thu Quỳnh đã không ngần ngại nhuộm mái tóc của mình sang màu bạch kim để thể hiện tốt nhất trong các bức hình thời trang. Qua đó, Thu Quỳnh và ekip Kimmay mong muốn định nghĩa lại sự “gợi cảm” trên luận điểm của nữ quyền, rằng sự quyến rũ của người phụ nữ không đến từ những đường cong trên cơ thể, mà đến từ tâm thế tự do, trí tuệ và sự giải phóng trong tâm trí.
Triển lãm nghệ thuật đương đại là loại hình nghệ thuật khá mới mẻ tại Việt Nam. Sở dĩ mang chữ “đương đại” là do nghệ sĩ sẽ kết hợp đa dạng chất liệu với nhau nhằm tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. Với “I Dare”, Thu Quỳnh cùng Kimmay đang tạo nên một bước ngoặt mới trong lịch sử thời trang Việt, khi đưa thời trang đến với nghệ thuật đương đại, sử dụng công nghệ trình chiếu thay vì người mẫu trình diễn thông thường.
Mai Thảo
TĐKT - Triển lãm “Việt Nam những sắc màu văn hóa” nằm trong khuôn khổ “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm lần thứ V tại Phú Yên năm 2019” diễn ra từ ngày 18 - 21/8/2019, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam thực hiện.
Triển lãm giới thiệu thiên nhiên, đất nước và sắc màu văn hóa của các dân tộc trên mọi miền đất nước qua việc trưng bày, giới thiệu những di sản văn hóa thế giới tại Việt Nam, các danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, phong tục tập quán, trang phục... của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Kate
Với hơn 100 bức ảnh trưng bày, Triển lãm cho thấy văn hóa đã luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, qua đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từng vùng, miền được kế thừa và khởi sắc, nhất là trong điều kiện hội nhập, giao lưu văn hóa với thế giới. Hệ thống các di sản văn hóa của dân tộc được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội. Những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam được giữ gìn, kế thừa và phát huy, làm phong phú cho nền văn hóa dân tộc.
Những sắc màu văn hóa trải dọc chiều dài đất nước, qua từng vùng miền, phản ánh đời sống tinh thần với những nét đặc sắc, tinh tế trong phong tục lễ hội, làng nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực…, trở thành những “vẻ đẹp tiềm ẩn” mà chúng ta đang tập trung gìn giữ, khai thác, phát triển trong quá trình hội nhập vươn mình ra thế giới.
Hội Gióng tại Đền Sóc và Đền Gióng
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cùng kho tàng văn hóa đồ sộ, độc đáo trải dài 4000 năm lịch sử dân tộc, tất cả đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia du lịch nổi tiếng thế giới với những di sản tiêu biểu đã được UNESCO vinh danh như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể di tích Cố đô Huế, khu phố cổ Hội An, khu di tích Chăm Mỹ Sơn, khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long… Di sản văn hóa phi vật thể: Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, ca trù, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt…
Triển lãm “Việt Nam những sắc màu văn hóa” với những hình ảnh đẹp, ngoài mục đích giới thiệu nét đẹp văn hóa Việt Nam còn góp phần tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa hướng tới phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc.
Thục Anh
Trang
- « đầu tiên
- ‹ trước
- …
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- …
- sau ›
- cuối cùng »