Xây dựng nông thôn mới

Bản Diềm: Giữ gìn và phát triển nghề mây tre đan truyền thống

TĐKT - Họ gồm một nhóm những người già và người neo đơn, chủ yếu là phụ nữ dân tộc Thái, tập hợp cùng nhau để làm việc, để giữ gìn nghề truyền thống và thổi hồn vào từng sản phẩm. Từ việc chẻ mây, vót mây đến nhuộm nan tự nhiên đều được làm thủ công một cách tỉ mỉ. Những sản phẩm của nhóm mây tre đan bản Diềm (thôn bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giờ đây đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và đang vươn tầm xuất khẩu. Chị Lang Thị Hoa thuyết minh về ý tưởng phát triển mây tre đan bản Diềm. Bản Diềm là một bản vùng sâu biên giới Việt - Lào, nơi sinh sống của hơn 100 hộ đồng bào người Thái, người Đan Lai. Người dân sống chủ yếu dựa vào khai thác lâm sản phụ nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Nghề đan lát sản phẩm thủ công từ mây, tre, nứa, vật liệu tết bện gắn liền với đời sống người dân nơi đây từ xa xưa, cung cấp các sản phẩm cho sinh hoạt hàng ngày như quạt, mâm mây, rổ rá, gùi, ép xôi… Từ năm 2014, nhóm mây tre đan bản Diềm được thành lập, mở ra một hướng phát triển đầy tiềm năng tại địa phương. Chị Lang Thị Hoa, người sáng lập và là trưởng nhóm mây tre đan bản Diềm, cho biết: “Nhóm có 22 thành viên, đều là người trong bản, người già cao tuổi neo đơn, không đi lao động ngoài trời được. Người nhiều tuổi nhất là 81 tuổi, ít tuổi nhất là 52 tuổi.” Ban đầu, nhóm gặp rất nhiều khó khăn, thiếu và yếu cả về nhân lực cho đến điều kiện, cơ sở vật chất. Có thời điểm sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên nhiều thành viên đã phải chuyển sang nghề khác. Có thời điểm sản phẩm tìm được đầu ra nhưng thiếu nguyên liệu sản xuất. Chính vì những khó khăn đó nên đôi khi sản phẩm làm ra không nhiều, thu nhập cũng không ổn định. HTX sáng tạo thêm các sản phẩm mới như bàn mây, ghế mây, mâm mây Đứng trước khó khăn, chị Lang Thị Hoa vẫn không chùn bước. Chị tự mình đi vận động, liên hệ, tìm các dự án hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm. May mắn, các chị nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ dự án VIE 028, dự án Oxfam, dự án VIRI về phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam. Chị kể: “Chúng tôi được tập huấn, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, phổ biến kiến thức, nâng cao tay nghề, tìm thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu ngành nghề Việt Nam cũng mời nghệ nhân vào tận Nghệ An giảng dạy cho chúng tôi.” Dần dần, nhóm đã giải quyết việc làm cho người dân trong thôn, bản và giúp họ có thu nhập ổn định. Qua bàn tay khéo léo của người dân tộc Thái, cùng với hoa văn đặc sắc đậm chất dân tộc, các sản phẩm mây tre đan bản Diềm từng bước chiếm được cảm tình của khách hàng trong và ngoài nước. Bà Vi Thị Nội là người đầu tiên mạnh dạn duy trì và nghiên cứu thêm những hoa văn dựa trên các tấm thổ cẩm ngày xưa và đưa các hoa văn đó ứng dụng trong nghề mây tre đan. Hoa văn đầu tiên bà Nội sưu tầm là đao tèm - có nghĩa là ngôi sao. Giờ bà Nội đã có được 12 hoa văn. Những hoa văn đó đều do bà Nội tự cài lên nan rổ rá và mặt mâm, tạo nét khác biệt, thu hút người tiêu dùng. Sau khi tiến lên thành lập HTX, nhóm đã được hỗ trợ vốn, đầu tư trang thiết bị, máy móc, giúp tăng năng suất làm việc. Hàng hóa của HTX sản xuất ra ngày càng nhiều, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Mỗi tháng HTX nhận từ 5 đến 6 đơn hàng với hàng trăm sản phẩm… Sản phẩm của HTX được mọi người dân trong huyện biết đến và đã được giới thiệu tại một số hội chợ và lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh. Mới đây, sản phẩm còn được xuất bán ra thị trường nước ngoài như Đức, Pháp. Các thành viên của HTX giới thiệu sản phẩm của mình Sau hơn 5 năm phát triển, HTX đang có doanh thu trên 300 triệu đồng/năm. Thu nhập của các thành viên ngày càng được nâng lên, hiện đạt 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Những con số không gây ấn tượng quá mạnh, nhưng ở một bản nghèo như Bản Diềm, thì đây là mức thu nhập “đổi đời”. Không chỉ là nơi lưu giữ nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, HTX còn tạo được sinh kế cho phụ nữ nghèo miền biên ải xa xôi của tỉnh Nghệ An. Đa số thành viên trong nhóm không những là phụ nữ mà còn là trụ cột gia đình, một lúc nuôi 3 - 4 miệng ăn, con bị dị tật bẩm sinh. Tuy vậy, điều mà nhóm không bao giờ thiếu chính là tình làng nghĩa xóm, tình bạn và trên hết là tình đoàn kết giữa các thành viên. Các thành viên trong HTX đã thành lập quỹ tương trợ để giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Hằng tháng, sau khi lấy tiền công, mỗi người đóng góp 20.000 đồng vào quỹ tương trợ. Quỹ này sẽ lần lượt cho các thành viên trong nhóm vay để phát triển sản xuất hoặc giúp những gia đình gặp hoạn nạn, khó khăn. Trong không gian chật chội chỉ hơn 15m2, hơn 20 con người với tiếng trò chuyện, tiếng cười không ngớt trên môi vẫn hăng say làm việc chăm chỉ để tạo ra những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng và bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc. Nguyệt Hà

Cựu chiến binh xã Tân Thạch góp sức xây dựng quê hương

TĐKT - Với phương châm “Nêu gương, tình thương, trách nhiệm”, những năm qua, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình và tích cực đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp. Hội Cựu chiến binh xã Tân Thạch, huyện Châu Thành hiện có 240 hội viên sinh hoạt ở 9 chi hội. Đây là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên tục trong 14 năm liền. Những năm qua, Hội CCB xã Tân Thạch đã thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân; tham mưu cho Đảng ủy xã thực hiện tốt công tác phối hợp liên tịch tứ trụ. Hội có 66 hội viên tham gia làm tổ trưởng, tổ phó tổ nhân dân tự quản, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; củng cố và đưa các phong trào ở cơ sở vững mạnh. Qua đó, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, các hội viên đã đoàn kết, sáng tạo, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Thực hiện mô hình “Tổ nghĩa tình”, từ năm 2017 đến tháng 6/2020, Hội đã vận động đóng góp được hơn 240 triệu đồng, giúp cho hơn 480 lượt người các nhu yếu phẩm (bao gồm gạo, dầu ăn, đường, sữa, bột ngọt...); tặng 2 xe lăn, 4 nhà tình nghĩa, tình thương cho hội viên gặp khó khăn. Cùng với mô hình “5+1”, “Tổ nghĩa tình” đã giúp cho 13 hộ hội viên thoát nghèo bền vững và 4 hộ cận nghèo vươn lên. Hưởng ứng phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, hội viên CCB xã đã đóng góp trên 91 triệu đồng, hiến hơn 500m2 đất và nhiều ngày công lao động để xây dựng 3km đường, 5 cầu bê tông với kinh phí trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, hội viên nhiệt tình đóng góp và vận động nhân dân đóng góp xây dựng các tuyến đường ánh sáng an ninh, khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp - nghĩa tình, với tổng chiều dài hơn 8km, gần 500 bóng đèn, 234 trụ đa năng (kinh phí trên 267 triệu đồng). Mô hình khu dân cư sáng – xanh - sạch - đẹp - an toàn - nghĩa tình đã mang lại hiệu ứng tích cực. Với tuyến đường ánh sáng an ninh, từ đây, người dân trong xã, đặc biệt là Cồn Cát, Cồn Phụng sẽ thuận lợi hơn trong quá trình lưu thông sản xuất. Ánh sáng đã phủ khắp các tuyến đường làng, đảm bảo an ninh, an toàn, mang lại không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân. Từ những hoạt động thiết thực, Hội CCB xã Tân Thạch đã từng bước khẳng định vai trò là tổ chức chính trị - xã hội nòng cốt trên trận tuyến mới. Tiếp nối và phát huy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, dù ở cương vị, công tác nào, CCB cũng luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương ngày càng phát triển toàn diện. Trang Lê  

Tà Mít phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Từ một xã thuần nông, Tà Mít (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới hiệu quả, diện mạo Tà Mít ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân nâng cao, quốc phòng - an ninh đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Xã Tà Mít là xã vùng sâu của huyện Tân Uyên, cách trung tâm huyện 60 km, tổng diện tích tự nhiên 10.500,06 ha. Hiện nay xã có 3 bản với 290 hộ, 1.527 nhân khẩu, gồm 2 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 90,3%, dân tộc Dao 9,7%. Xã Tà Mít đang thay da đổi thịt từng ngày Ông Phạm Đức Công, Chủ tịch UBND xã Tà Mít cho biết: Cuối năm 2011, Tà Mít đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thời điểm đó, xã vừa hoàn thành chương trình di dân tái định cư với nhiều khó khăn, qua rà soát xã chỉ đạt 3/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xác định việc tăng cường phát triển kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng góp phần xây dựng thành công nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung phát huy lợi thế vùng lòng hồ, diện tích đất đồi rộng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; tích cực thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc. Đặc biệt, khuyến khích người dân chủ động, phát huy nội lực, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 39,3%, thu nhập bình quân người/năm là 11,2 triệu đồng. Xã đã chỉ đạo đồng bộ quy hoạch trong sản xuất lương thực, tuyên truyền, vận động nhân dân sản xuất, tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, duy trì và phát triển diện tích lúa, phát triển các mô hình kinh tế nâng cao thu nhập. Cụ thể: Thực hiện đề án quế, đến nay toàn xã trồng được 675 ha quế/176 hộ gia đình. Thực hiện có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thế mạnh tiềm lực của địa phương về nuôi cá lồng với 1.154,7 ha diện tích mặt nước, đến nay toàn xã đã phát triển được hơn 100 lồng cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá rô phi, cá tầm... với tổng sản lượng nuôi trồng đạt trên 100 tấn, giá trị đạt trên 5 tỷ đồng. Cùng với đó, xã đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, chú trọng công tác chăn nuôi, tốc độ tăng đàn gia súc cả năm đạt trên 6%, đàn gia cầm tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Đến cuối năm 2018, các chỉ tiêu phát triển kinh tế của xã đều đạt và vượt; thu nhập trung bình đạt 29 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,46%. Bắt đầu triển khai từ năm 2018, xã Tà Mít được sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Lai Châu với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Với nguồn vốn này, xã đã giải ngân cho 11 hộ gia đình tham gia nuôi cá lồng để làm 55 lồng cá và hỗ trợ toàn bộ cá giống, một phần thức ăn. Mô hình nuôi cá lồng tại Tà Mít phát huy hiệu quả kinh tế Mới đầu triển khai, xã gặp khó khăn do người dân chưa hưởng ứng, bà con chủ yếu lo sợ dịch bệnh và đầu ra sản phẩm không ổn định. Để người dân tham gia nhiệt tình, xã Tà Mít đã tăng cường cán bộ xuống với dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phân tích cho họ hiểu về nuôi cá lồng, sau đó tuyên truyền, vận động người dân. Mưa dầm thấm lâu, dần dần bà con cũng ủng hộ. Khi người dân tin tưởng, xã Tà Mít đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Sông Thiên Đức ở tỉnh Bắc Ninh chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn các hộ dân lựa chọn giống, cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Cùng với đó, xã Tà Mít còn tổ chức cho bà con đi tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng ở huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) và huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Sau hơn 2 năm triển khai, thấy hiệu quả của mô hình, bà con xã Tà Mít đã nhân rộng diện tích nuôi cũng như số lượng lồng cá. Năm 2019, người dân trong xã đã tự liên kết, hợp tác với nhau thành lập Hợp tác xã Phát triển. Việc phát triển nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện tại xã Tà Mít đã giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi, 100% người dân thuộc 277 hộ xã Tà Mít trong độ tuổi lao động có việc làm. Từ đó, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ đói nghèo, ổn định cuộc sống cho đồng bào tái định cư. Tính đến nay, xã đã giải quyết việc làm mới cho 24 hộ theo mô hình nuôi cá lồng, với thu nhập trung bình 200 triệu đồng/hộ/năm; 68 hộ nuôi lợn sạch, dê trên các khu rừng ven hồ, tận dụng thức ăn tự nhiên gắn với chủ động thức ăn trồng sắn, chuối, cỏ. Mô hình chăn nuôi gia cầm của thanh niên xã Tà Mít Nhờ sự đồng thuận, ý thức vươn lên thoát nghèo của nhân dân; sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của các cấp, các ngành, đến cuối năm 2018 xã Tà Mít được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là niềm vinh dự và niềm tự hào của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã, từ nay đời sống của nhân dân đã ổn định, kết cấu hạ tầng kinh tế được đầu tư xây dựng, nhân dân chú tâm phát triển kinh tế để xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn. Xác định, xây dựng nông thôn mới là quá trình liên tục, lâu dài và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, người dân là chủ thể, thời gian tới, xã Tà Mít tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khang trang, đáp ứng nhu cầu của đời sống nhân dân.  Phương Thanh

Kiểm tra, giám sát phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" tại An Giang

TĐKT - Từ ngày 27 - 29/12, Đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương do đồng chí Lê Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ TĐKT các tỉnh, thành phố trung ương dẫn đầu, đã tới kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) tại tỉnh An Giang. Cùng đi có Tổng Biên tập Tạp chí TĐKT Phạm Hồng Long, các đồng chí là lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, chuyên viên một số vụ, đơn vị thuộc Ban TĐKT Trung ương và cơ quan liên quan. Đồng chí Lê Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ TĐKT các tỉnh, thành phố trung ương phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh An Giang Để triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 27/KH - UBND ngày 19/1/2017 phát động phong trào thi đua "An Giang chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020". Đồng thời, tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các huyện với tỉnh, gắn trách nhiệm, nội dung xây dựng NTM của cấp ủy, chính quyền địa phương với nhiệm vụ, công việc thường xuyên; đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào chỉ tiêu thi đua, khen thưởng và đánh giá cán bộ hằng năm. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhận thức về chương trình xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên, giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Phong trào thực sự đi vào tâm thức của người dân, tạo sự đồng thuận cao, từ đó thu hút nguồn lực vận động từ cộng đồng dân cư tham gia đóng góp tài lực và vật lực trong xây dựng NTM. Cảnh quan, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội và đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh An Giang hiện có 61/119 xã đạt chuẩn NTM, 3/11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 6 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 11.757.495 triệu đồng. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến trên 178.087 m2 đất ở, đất sản xuất nhằm phục vụ cho các công trình NTM. Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng Phạm Hồng Long phát biểu tại buổi làm việc Nhiều mô hình, cách làm hay đã được các ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh sáng tạo, vận dụng, mang lại hiệu quả cao như: Mô hình "Ấp tự quản bảo vệ môi trường", "Hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp", mô hình "Hội Mái ấm tình thương", mô hình "Đội thiện nguyện xây dựng cầu", mô hình "Nông dân giỏi tham gia phát triển sản xuất xây dựng NTM" gắn với tiêu chí ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, "Camera giám sát an ninh trật tự"... Đặc biệt, An Giang đi đầu cả nước về vận động mua xe cứu thương miễn phí. Người người, nhà nhà tham gia đóng góp mua xe chuyển viện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, với đề án xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, mỗi huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ít nhất 2 đội xây dựng nhà cho người nghèo và xây cầu nông thôn thiện nguyện. Nhờ đó, chỉ trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 294 cây cầu, tổng chiều dài 9.570 m, tổng kinh phí 339,85 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động từ các nguồn lực xã hội chiếm 78,1%. Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, đại diện tỉnh An Giang đề nghị Ban TĐKT Trung ương tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025", trong đó, chú trọng cơ chế khen thưởng cho các địa phương có thành tích nổi bật, thành tích cao trong quá trình triển khai thực hiện phong trào. Cần có cơ chế khen thưởng rõ ràng, tách bạch nguồn vốn đầu tư phát triển bằng giá trị công trình đối với những địa phương, đơn vị được khen thưởng cấp Nhà nước, nhằm khích lệ tinh thần, tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương phấn đấu. Tỉnh An Giang cũng đề nghị Ban TĐKT Trung ương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn đầu tư khen thưởng bằng công trình đối với 3 tập thể được khen thưởng cấp Nhà nước để tỉnh phân bổ về cho các địa phương triển khai thực hiện các công trình phúc lợi xã hội. Cụ thể, đối với tỉnh An Giang, định mức khen thưởng tỉnh dẫn đầu phong trào thi đua đề nghị khen thưởng bằng công trình trị giá 30 tỷ đồng; đối với huyện NTM Thoại Sơn, đề nghị khen thưởng bằng công trình trị giá 10 tỷ đồng; đối với xã Thoại Giang - huyện Thoại Sơn, đề nghị khen thưởng bằng công trình trị giá 1 tỷ đồng. Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban TĐKT Trung ương đánh giá cao và chúc mừng những kết quả nổi bật tỉnh An Giang đã đạt được trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” thời gian qua. Đoàn công tác ghi nhận, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của tỉnh An Giang và cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trong nội dung hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào giai đoạn tới. Tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng Phạm Hồng Long cũng đề nghị tỉnh An Giang quan tâm giới thiệu, tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình hình tiên tiến trên báo chí. Là cơ quan ngôn luận của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Tạp chí Thi đua Khen thưởng sẽ hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác này trên các ấn phẩm của Tạp chí nói riêng và trên các cơ quan báo chí ở trung ương nói chung. Tham quan thực tế mô hình nông trại Phan Nam (TP Long Xuyên) Nhân dịp này, Đoàn công tác đã tham quan thực tế một số mô hình, điển hình tiêu biểu của tỉnh An Giang trong triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM": Nông trại Phan Nam (TP Long Xuyên); Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời... Nguyệt Hà

Kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại tỉnh Hậu Giang

TĐKT - Từ ngày 24 - 26/12, Đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại tỉnh Hậu Giang. Đoàn công tác do đồng chí Phạm Đức Toàn, Ủy viên Hội đồng TĐKT Trung ương, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương làm Trưởng đoàn; cùng đi có các đồng chí lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, chuyên viên của Ban TĐKT Trung ương. Trong dịp này, Ban TĐKT Trung ương tổ chức 2 đoàn công tác tại tỉnh Hậu Giang và An Giang, đoàn đi khảo sát thực tế nhiều mô hình tại cơ sở nhằm trao đổi kinh nghiệm để tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" trong thời gian tới. Làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Hậu Giang có các đồng chí: Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh; Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chánh Văn phòng điều phối; Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang; Lê Phước Thái, Giám đốc Sở Tài chính; Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Ban TĐKT tỉnh… Lãnh đạo UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Hậu Giang chụp hình lưu niệm với đoàn công tác của Ban TĐKT Trung ương. Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 12/01/2016 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và tiếp tục tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các nội dung, nhiệm vụ chung được kế thừa từ giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ mới có tính đột phá nhằm xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững. Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến huyện thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra. Ban chỉ đạo các cấp đã kịp thời ban hành kế hoạch, chương trình hành động và phân công cụ thể cho từng thành viên. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác của Ban chỉ đạo tỉnh tiến hành kiểm tra, giám sát, rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh cơ bản thực hiện tốt vai trò là thành viên ban chỉ đạo, chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới như: Ban hành chương trình, kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện theo lĩnh vực được phân công; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; thường xuyên nắm bắt cơ sở để kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; hằng năm tổ chức đánh giá, công nhận, tái công nhận đối với các tiêu chí mà ngành được phân công phụ trách…Từ đó, đã góp phần thực hiện thắng lợi trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của chương trình. Tỉnh đã phát động các phong trào, nhiều mô hình hay, hiệu quả, hưởng ứng phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, phối hợp thống nhất thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội từ cấp tỉnh đến cơ sở tích cực thực hiện. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả như: “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường“, “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu“, “5 không - 3 sạch”, “Mô hình xóa trắng ấp nghèo“ (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hậu Giang); mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh), Sở Công thương phát động kế hoạch “Ngành Công thương chung sức xây dựng nông thôn mới”. Song song đó, cuộc vận động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” luôn được Ban chỉ đạo phong trào tỉnh quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa thông qua cuộc thi “Mô hình có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, mô hình “Trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên trong xây dựng nông thôn mới tại gia đình”, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phát động phong trào “Tuổi trẻ Hậu Giang chung tay xây dựng nông thôn mới”... Qua đó, nhận thức của cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ rệt, xây dựng nông thôn mới đang trở thành phong trào rộng khắp trong toàn tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã khen thưởng cho 107 tập thể và 1094 cá nhân có nhiều cống hiến trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Từ những chủ trương, chính sách, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ chăm lo cho người dân trong phát triển sản xuất, chăm lo cho đời sống văn hóa, tinh thần, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đã giúp cho người dân nông thôn yên tâm sản xuất; cùng với những chính sách chăm lo đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể... góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao giá trị lao động cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người/năm các xã nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cuối năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người (tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015). Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành một phong trào nòng cốt, trọng tâm đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở địa phương, thu hút được người dân và cộng đồng hăng hái tham gia. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới chuyển biến rõ nét. Nhiều cán bộ thực sự tâm huyết, trách nhiệm cao với phong trào. Người dân có ý thức trong xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn có nhiều chuyển biến, đời sống người dân được nâng lên. Đạt được kết quả trên là nhờ có sự quan tâm trực tiếp của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của mỗi địa phương, đơn vị; có nhiều sáng kiến, cách làm hay. Phong trào thi đua được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời với nhiều biện pháp, nội dung phù hợp, sát với thực tế. Phong trào thi đua đã đi vào đời sống, được các cấp, các ngành hưởng ứng và người dân nhiệt tình ủng hộ, tích cực tham gia. Thông qua việc triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh. Trước đó, đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế mô hình trồng khóm (dứa) tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt xã Hỏa Tiến có 4 sản phẩm OCOP chế biến từ khóm (dứa), đã góp phần ổn định đầu ra cho sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại thu nhập ổn định. Tham quan mô hình trồng khóm (dứa) và 4 sản phẩm được chế biến từ khóm (dứa) Đoàn cũng thăm quan mô hình trồng nhãn của gia đình ông Trần Văn Đôi, ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A. Gắn bó với nhãn gần chục năm qua, nhờ giống cây trồng này mà kinh tế gia đình ngày càng ổn định. Ông Đôi cho biết: “Hiện nay gia đình tôi có hơn 1ha trồng được 700 gốc nhãn, mỗi năm đạt khoảng 150 tấn nhãn. Sau khi trừ chi phí, tôi thu về khoảng hơn 200 triệu đồng. Nhưng để nhãn đạt năng suất cao, khoảng 200kg/gốc, chúng tôi phải học hỏi nhiều nơi, rút kinh nghiệm qua từng năm.” Đoàn công tác đi thực tế khảo sát mô hình trồng nhãn của gia đình ông Trần Văn Đôi, ấp Nhơn Phú 2, xã Nhơn Nghĩa A, Huyện Châu Thành A Đoàn công tác trao đổi với gia đình ông Trần Văn Đôi về mô hình trồng nhãn Bên cạnh đó là mô hình chăn nuôi ba ba của bà Trương Ánh Nguyệt, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A. Hiện trang trại nuôi cua đinh và ba ba của bà Nguyệt rộng hơn 1,5ha, được chia thành nhiều khu như: Khu nuôi thương phẩm, khu sinh sản cho cua đinh và ba ba, khu nuôi dưỡng con giống... Bình quân mỗi năm bà xuất bán ra thị trường khoảng 2.000 cua đinh thương phẩm, còn ba ba xuất bán khoảng 2 tấn, chủ yếu cho các nhà hàng và quán ăn. Ngoài nuôi ba ba và cua đinh, bà Nguyệt còn đứng ra thành lập HTX nuôi cua đinh, ba ba Thạnh Lợi xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, với hơn 20 thành viên do bà làm giám đốc. Ban đầu bà cung cấp cua đinh và ba ba bố mẹ cho các thành viên nuôi theo hình thức trả chậm qua nhiều năm. HTX xuất bán khoảng 20 tấn ba ba thịt và 5.000 con cua đinh giống và 15.000 con ba ba giống đem lại lợi nhuận trước thuế 1,5 tỷ đồng. Mô hình chăn nuôi ba ba của bà Trương Ánh Nguyệt ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A. Tại mô hình nuôi cá tra của công ty TNHH Thuận Hưng tại xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, ông Trần Văn Phong, quản lý của công ty cho biết: Công ty kiểm soát từ đầu ra và đầu vào từ con giống, thức ăn cho đến truy xuất cá thành phẩm. Hiện nay công ty có khoảng 30ha nuôi cá tra. Đoàn công tác trao đổi về mô hình nuôi cá tra tại công ty TNHH Thuận Hưng tại xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy Mô hình nuôi cá tra của công ty TNHH Thuận Hưng tại xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy Tại thành phố Ngã Bảy, Đoàn công tác cũng đã tham quan mô hình văn hóa cộng đồng tại ấp Đông Bình, xã Tân Thành. Đây sẽ là nơi học tập, hội họp, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân, từ đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, phấn khởi trong nhân dân ngay từ địa bàn dân cư. Để đạt mục tiêu đã đề ra, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang kiến nghị Trung ương sớm ban hành văn bản triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 (tỉnh, huyện, xã); văn bản quy định hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025. Kiến nghị Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương sớm tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025. Qua các buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Toàn, Trưởng đoàn công tác đánh giá cao hiệu quả của các mô hình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đồng thời ghi nhận kết quả đạt được trong các phong trào của tỉnh, tiếp thu tổng hợp ý kiến của các cơ quan, chính quyền cũng như các hộ dân, HTX để báo cáo, đề xuất trong nội dung hướng dẫn trong giai đoạn tới. Xuân Phúc

Hiệu quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An: Bức tranh nông nghiệp, nông thôn và đời sống nhân dân khởi sắc toàn diện

TĐKT - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cùng với cả nước, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Nghệ An đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, được cả hệ thống chính trị đồng lòng, chung sức vào cuộc. Sau 10 năm xây dựng NTM, bức tranh nông nghiệp, nông thôn và đời sống người dân khu vực nông thôn đã có sự thay đổi toàn diện, rất đáng tự hào. Nghệ An đã có những bước tiến vượt bậc, đứng thứ 5 trong cả nước về xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng NTM, Nghệ An đã huy động được hơn 56 nghìn tỷ đồng từ Trung ương, các chương trình, dự án, các đơn vị, doanh nghiệp... để thực hiện xây dựng NTM. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, sự đầu tư nguồn lực đúng trọng tâm, trọng điểm nên kết quả xây dựng NTM mà Nghệ An đạt được đồng đều và toàn diện. Bình quân toàn tỉnh hiện đạt gần 16 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí. Ngoài 3 đơn vị cấp huyện, 225 xã và 674 thôn bản đạt chuẩn nông thôn mới, Nghệ An hiện có thêm 1 huyện (Yên Thành) và 35 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí; khả năng đạt và vượt mục tiêu có 61,5% số xã đạt chuẩn trong năm nay. Năm 2020, Nghệ An tiếp tục phấn đấu có thêm 25 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn của toàn tỉnh lên trên 65%. Con đường hoa sắc tím trên địa bàn xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc Xây dựng NTM được tổ chức triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, thực hiện thường xuyên, đúng định hướng, đa dạng, sáng tạo và chú trọng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời bám sát tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích hỗ trợ xây dựng NTM: Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ gần 638.126 tấn xi măng trị giá hơn 990 tỷ đồng để làm gần 3.553 km đường giao thông nông thôn. Cả hệ thống chính trị đồng sức, đồng lòng xây dựng NTM là cảm nhận rõ được ở Nghệ An hôm nay. Các phong trào thi đua được phát động sâu rộng, thiết thực. Phong trào hiến đất mặt đường, đất vườn, đất ở có giá trị để làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, trường học; cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”... sôi nổi trong nhân dân. Chủ trương xây dựng NTM được các cấp triển khai hiệu quả từ tuyên truyền đến thực hiện, kiểm tra, giám sát và được nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Để xây dựng NTM, nông dân Nghệ An đã đóng góp hàng triệu ngày công, trên 5.500 tỷ đồng...   Thảm hoa đa sắc màu trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ Đặc biệt, Nghệ An là một trong những tỉnh thực hiện thành công về chuyển cơ cấu nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương. Trong sản xuất nông, lâm, thủy sản đã có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tỉnh đã có những mô hình nổi tiếng cả nước về ứng dụng công nghệ cao như Trang trại TH, những đột phá trong khâu giống trong sản xuất lúa, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 8 nhóm cây trồng (rau, lúa, lạc, chè, mía, cây ăn quả, cây dược liệu, giống cây lâm nghiệp), 5 con vật nuôi (bò sữa, bò thịt, lợn thịt, gia cầm và tôm thẻ chân trắng) chủ lực để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính như giống, canh tác, nuôi trồng và bảo quản sau thu hoạch. Nghệ An có những vùng chuyên canh cây nguyên liệu rộng lớn (cam, cao su, mía, chè, cà phê, chanh leo, dứa, lạc, sắn,…) và hàng trăm nhà máy công trình khắp các huyện, thành thị; hình thành nhiều vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, xuất khẩu (chè, cao su, mía, vùng nuôi tôm ven biển). Xây dựng thành công nhiều mô hình liên kết, các cánh đồng lớn theo chuỗi giá trị, qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu của quá trình sản xuất đã đạt 9.502 ha (chiếm 3,1% diện tích canh tác nông nghiệp); giá trị sản xuất bình quân của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm. Hiện cả tỉnh có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, có 158 làng nghề và quy mô ngày càng lớn, từ đó tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân. Trên cơ sở quy hoạch và đề án xã NTM được phê duyệt, đến nay tất cả các xã thuộc 20 huyện, thành phố, thị xã, đặc biệt là 3 xã xây dựng NTM kiểu mẫu đã hoàn thành công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc Công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân được chú trọng, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 18,79% thì nay giảm chỉ còn 5,54%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14,16 triệu đồng năm 2010 đến nay đã đạt gần 38 triệu đồng/người/năm; Thu nhập khu vực nông thôn tăng mạnh, từ 12 triệu đồng/người/năm 2010 nay tăng lên hơn 27,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,3 lần. Ghi nhận thực tế, toàn tỉnh có 330/431 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập, chiếm 75,6%; 390/431 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động có việc làm, chiếm 90,5%. Bộ mặt nông thôn Nghệ An ngày càng khởi sắc, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Xây dựng con đường hoa góp phần làm đẹp đường làng, ngõ xóm được nhiều địa phương tỉnh Nghệ An thực hiện; đời sống mới, tinh thần mới đã hiện hữu rõ trên quê hương Nghệ An.   Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý và Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông trao tặng Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc Với phương châm xây dựng NTM “chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là tiếp tục chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đảm bảo đi vào thực chất và bền vững đi vào chiều sâu; phát huy những thế mạnh, tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, tập trung vào 3 nhóm mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển bền vững gồm: Thúc đẩy phát triển sản xuất, các mô hình phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn và bảo vệ môi trường nông thôn; hoàn thiện nhóm các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế; hoàn thiện nhóm các tiêu chí hạ tầng kinh tế xã hội. Các cấp, các ngành phải quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của tỉnh để cụ thể hóa vào các nội dung, chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong quá trình triển khai thực hiện. Anh Quân  

Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ nữ tiểu thương chợ Lộc Điền

TĐKT – Tại xã Lộc Điền (huyện Lộc Ninh, tỉnh Tiền Giang), đa phần người dân sống bằng nghề tiểu thương. Để nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ tại địa phương, năm 2018, Hội Phụ nữ xã Lộc Điền đã ra mắt mô hình “Câu lạc bộ (CLB) nữ tiểu thương chợ Lộc Điền” nhằm thu hút hội viên phụ nữ cùng nghề “tiểu thương” vào sinh hoạt, đồng thời tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ, xây dựng hình ảnh người phụ nữ văn minh, hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bà Trần Thị Kim Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Điền cho biết: Những năm trước, khi chợ Lộc Điền mới được quy hoạch và xây dựng lại, cơ sở hạ tầng chưa ổn định, vẫn còn tình trạng tranh chỗ, ngồi tạm, chiếm dụng vỉa hè... Do phần lớn tiểu thương ở chợ là nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Điền quyết tâm xây dựng lại mô hình CLB nữ tiểu thương nhằm đẩy mạnh tuyên truyền giúp các tiểu thương sớm ổn định kinh doanh, đoàn kết tương trợ nhau cùng phát triển. Những ngày đầu mới thành lập, CLB có 22 thành viên tham gia. Các thành viên sinh hoạt theo quy chế mỗi tháng 1 lần, với hình thức tự nguyện. Sau khi ra mắt, Ban chủ nhiệm dưới sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ xã Lộc Điền đã tập trung đưa CLB đi vào nền nếp, chuẩn bị các nội dung sinh hoạt cụ thể, vừa gắn công tác vận động, tuyên truyền, tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm học hỏi trong buôn bán, kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình; vừa giao lưu văn hóa, văn nghệ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo ra không khí khấn khởi, thoải mái cho các thành viên. “Tham gia sinh hoạt tại CLB, hội viên được hướng dẫn một số chính sách mới về sản xuất - kinh doanh; cách phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng; nhãn mác, hạn sử dụng sản phẩm; cách sắp xếp hàng hóa buôn bán gọn gàng, ngăn nắp... từng bước hướng tới xây dựng chợ văn minh thương nghiệp.”  bà Hương chia sẻ. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Ban chủ nhiệm CLB tiểu thương đã thường xuyên đến tuyên truyền kiến thức phòng dịch bệnh, các kỹ năng bảo vệ bản thân và khách hàng, như: Cách đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay sát khuẩn bằng cồn. Đồng thời, vận động hội viên tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho ngành chức năng trong việc phun hóa chất khử trùng, sát khuẩn ở các khu vực trong chợ để phòng dịch bệnh lây lan... Nhờ vậy, chị em tiểu thương có thể yên tâm giao thương. Ban Chủ nhiệm CLB còn tích cực tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh khác cùng thực hiện cam kết mua bán thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo tươi ngon, tuyệt đối không dùng hóa chất hay thủ thuật để trục lợi, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh công tác tuyên truyền, CLB còn thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp của các hộ kinh doanh, kịp thời cùng Ban quản lý chợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc hay có sự điều chỉnh cho phù hợp. CLB đã xây dựng thành công mô hình góp vốn xoay vòng với tổng 24 triệu đồng và nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội giúp thành viên vay ưu đãi để mở rộng hoạt động buôn bán, kinh doanh, ổn định cuộc sống.      Nhờ có quy chế hoạt động rõ ràng, hình thức tuyên truyền, vận động linh hoạt, mô hình vốn xoay vòng hoạt động hiệu quả, CLB đã ngày càng thu hút sự quan tâm của chị em tiểu thương. Chỉ sau hơn 1 năm hoạt động, tổng số thành viên lên 25 hội viên. Có thể khẳng định, CLB nữ tiểu thương chợ Lộc Điền đã và đang trở thành điểm tựa cho nhiều chị em phát huy thế mạnh trong kinh doanh, góp phần xây dựng nông thôn mới, chợ văn minh. Bảo Linh

Xã Tân Lang (huyện Phù Yên, Sơn La) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

TĐKT - Ngày 13/12, huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La) tổ chức Lễ công bố xã Tân Lang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đồng chí Tráng Thị Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho xã Tân Lang Tân Lang là một xã vùng II của huyện Phù Yên, có 11 bản, với 1.618 hộ, gồm 4 dân tộc Mường, Kinh, Dao, Thái cùng sinh sống. Nghề nghiệp chủ yếu của xã là sản xuất nông nghiệp và kinh doanh, buôn bán, dịch vụ, vận tải. Năm 2011, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, qua rà soát, xã Tân Lang mới đạt 5/19 tiêu chí. Từ năm 2011 đến 2020, xã đã đầu tư trên 54 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 50,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 3,6 tỷ đồng và 58.750 ngày công lao động xây dựng các công trình. Đến năm 2020, 100% tuyến đường trục bản đã được bê tông hóa, 11/11 bản có nhà văn hóa, 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 90% lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập bình quân đầu người đạt 36,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,73%...  Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo quy định. Với kết quả đạt được, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2717/QĐ-UBND tỉnh ngày 08/12/2020, công nhận xã Tân Lang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đây là xã thứ 6 của huyện Phù Yên đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian tới, xã tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân về xây dựng nông thôn mới, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; quyết tâm giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Xã tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp, văn minh. Bên cạnh đó, xã chú trọng phát triển sản xuất, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn sản xuất với thị trường, tiêu thụ nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm nhằm mục tiêu tăng thu nhập của người dân. Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Tân Lang. Minh Phương  

Huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Sáng 12/12, tại huyện Nga Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Lễ công bố huyện Nga Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Nga Sơn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2019 (ảnh: Hoài Thu) Sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Nga Sơn đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao hơn, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 46,3 triệu đồng (gấp 4,1 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 ước giảm xuống còn 1%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cảnh quan khang trang, hiện đại. Từ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong huyện, 10 năm qua toàn huyện đã huy động hơn được 8.000 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình về giao thông, thủy lợi, công sở, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa - thể thao, các công trình phúc lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu hoàn thiện tiêu chí NTM. Nga Sơn cũng là địa phương thành công trong gây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, góp phần lớn cho nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Năm 2012, huyện đã hoàn thành việc dồn đổi ruộng đất phục vụ cho công tác xây dựng NTM, sau dồn đổi số thửa đã giảm từ 2,36 thửa/hộ xuống còn 1,53 thửa/hộ. Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay toàn huyện đã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được hơn 1.300 ha, tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp được trên 300 ha; chuyển đổi 1.106,1 ha đất trồng lúa, cói kém hiệu quả sang cây trồng, mô hình có giá trị kinh tế cao; 300 ha vùng sản xuất rau an toàn, 80 mô hình nhà kính, nhà lưới sản xuất rau, củ quả an toàn với diện tích trên 11ha. Huyện cũng duy trì thâm canh 800 ha cây cói cho năng suất, sản lượng cao. Sản lượng cói được cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã xác định các sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của huyện, như: Chiếu cói, các sản phẩm chế biến từ cây cói; sản phẩm từ chế biến hải sản; dưa hấu, dưa vàng; rượu Nga Sơn, gỏi cá nhệch, dê ủ trấu... để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu. Đến nay, huyện Nga Sơn đã có 9 sản phẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận, là huyện hiện có số sản phẩm đạt OCOP cao nhất tỉnh. Huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 9 tiêu chí huyện nông thôn mới, ngày 14/7/2020 huyện đã được Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 1017/QĐ-TTg công nhận huyện Nga Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019. Đến nay huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 151/153 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thôn đang hoàn thiện thủ tục đề nghị công nhận đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2020. Kết quả này đã tạo khí thế, động lực mới để huyện Nga Sơn tiếp tục phát triển trong tương lai. Minh Phương

Xã Đại Đồng (huyện Yên Bình, Yên Bái) đón Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020

TĐKT - Sáng 12/12, UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố xã Đại Đồng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc xã Đại Đồng đón nhận Bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền, nhân dân xã Đại Đồng đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Từ các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc huy động được sức mạnh tổng hợp các nguồn lực của địa phương. Nhiều người dân trong xã đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn; bộ mặt nông thôn mới của xã đã có nhiều thay đổi tích cực. Tổng các nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt trên 79 tỷ 253 triệu đồng. Trong đó, vốn từ các doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế đạt 7,9 tỷ đồng; đóng góp của cộng đồng dân cư đạt trên 11,4 tỷ đồng. Các tuyến đường xã và đường trung tâm đến đường huyện, tỉnh đã được nhựa hóa 100%. Tuyến đường trục thôn, xóm và đường liên thôn, xóm đã được nhựa hóa, bê tông hóa đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi ngay cả trong mùa mưa. Cùng với đó, 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã được tưới và tiêu nước chủ động. Xã có 5/5 thôn với toàn bộ 927 hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia an toàn. Toàn xã có 916 hộ dân có nhà đạt chuẩn, trong đó có trên 70,4% hộ có nhà xây đạt chuẩn. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2020 đạt 36,8%/người. Tỷ lệ hộ nghèo của xã là 0,65%. Toàn xã có 1.635 lao động có việc làm thường xuyên, chiếm 92,37%. Đến nay, xã Đại Đồng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Nhân dịp này, 3 tập thể, 5 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” tại xã Đại Đồng. Lãnh đạo huyện Yên Bình tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân trong xã có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới. Thanh Thủy

Trang