Xây dựng nông thôn mới

Lan tỏa mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở Thăng Bình

TĐKT - Để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng điểm mô hình “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” tại các thôn điểm của huyện. Nhờ sự nỗ lực, đồng thuận từ chính quyền đến người dân, Thăng Bình dần hình thành các khu dân cư, vườn mẫu mang dáng vóc mới, tạo sức bật giúp huyện tiếp tục nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn Hiệp Hưng (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) thay đổi từng ngày Là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn Hiệp Hưng (xã Bình Hải) đã đạt chuẩn các tiêu chí vào năm 2020 (sau 4 năm triển khai thực hiện). Theo ông Phạm Tam, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Hiệp Hưng cho biết: Để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn Hiệp Hưng đã tiến hành rà soát và đánh giá tổng thể để xem xét, cân nhắc các bước trong quá trình thực hiện. Thực hiện Nghị quyết của chi bộ, các tổ chức đoàn thể ở khu đều đăng ký thực hiện một việc làm thiết thực như: Chi hội phụ nữ đảm nhiệm vệ sinh môi trường; chi hội cựu chiến binh đăng ký trồng cây, trồng hoa xây dựng cảnh quan; chi hội nông dân tập trung phát triển mô hình sản xuất cây con, rau quả sạch; chi đoàn thanh niên phụ trách phong trào văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao... Cùng với đó, khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, quan điểm lãnh đạo xuyên suốt đó là huy động sự đồng tình, tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thôn; tiêu chí nào dễ thì làm trước, tiêu chí khó làm sau; việc nào thuộc về hộ gia đình thì gia đình đảm nhiệm; việc nào thuộc tập thể thì phát động toàn dân và con em quê hương làm ăn ở xa cùng chung tay xây dựng. Đến nay, đường trục chính của thôn có 4,3 km đã nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%. Các tuyến đường trục thôn có mặt đường sạch, không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%. Hai bên đường trục thôn đã trồng cây sao đen, phượng đạt 90%. Cũng theo ông Tam, toàn thôn có 256 hộ đã thực hiện chỉnh trang vườn nhà, đạt 87,97%, trong đó, có 18 hộ xây dựng mô hình vườn mẫu. 100% hộ dân có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. 287 hộ có nơi để dụng cụ sản xuất, thiết bị máy móc và vật tư nông nghiệp an toàn, gọn gàng, đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt tỷ lệ 100%. Toàn thôn hiện có 266 hộ có hàng rào, cổng ngõ được xây dựng, cải tạo sạch đẹp, hài hòa với cảnh quan làng quê, đạt tỷ lệ 91,41%. Tỷ lệ nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn, đạt 99,66%. Một đơn vị tiêu biểu trong phong trào phải kể đến là thôn An Phước (xã Bình An). Ông Lê Trung Đình, Trưởng thôn An Phước cho biết: Thôn An Phước bắt tay vào xây dựng mô hình từ năm 2017, khi đó thôn chỉ đạt được 3 tiêu chí, 7 tiêu chí còn lại chỉ đạt 40 – 50 %. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lĩnh vực dễ làm trước, khó làm sau, việc chung thì huy động tập thể, việc riêng thì tuyên truyền đến từng gia đình, người dân thôn dần nhận thức và hưởng ứng nhiệt tình. Riêng các khoản về xây dựng giao thông nông thôn và lắp điện thắp sáng đường quê, người dân đã đóng góp trên 830 triệu đồng. Mô hình vườn mẫu thanh long kết hợp với tiêu ở thôn An Phước Từ khi bắt tay vào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, 100% các trục đường thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm đều được bê tông hóa, trồng hoa, cây xanh bóng mát, làm vệ sinh sạch sẽ vào mỗi tháng. Nhà cửa, vườn cây, tường rào, cổng ngõ của bà con trong khu luôn sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng. “Hiện thu nhập bình quân đầu người tại thôn An Phước là 45,4 triệu đồng/người/năm. Thôn chỉ còn 6 hộ nghèo. Đây là các hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, chiếm tỷ lệ 1,44%” - ông Đình cho biết. Có thể thấy, phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Thăng Bình bước đầu đã đạt nhiều kết quả khả quan. Phong trào đã tạo điều kiện tối đa cho người dân phát huy vai trò chủ thể của mình, tạo động lực trực tiếp cho người dân và cộng đồng dân cư tham gia, bởi lợi ích thiết thực, thiết thân mang lại. Kinh tế hộ gia đình phát triển, môi trường sống được cải thiện, tình làng, nghĩa xóm gắn kết mật thiết hơn. Từ đó đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư, tạo ra xã đạt chuẩn NTM thuyết phục và bền vững hơn. Tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được, Thăng Bình sẽ tiếp tục thực xây dựng thành công mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu theo lộ trình đã đề ra. Hà Anh

Trường Yên quyết tâm về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021

TĐKT- Với phương châm “Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, ngay sau khi đón nhận xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2015, xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí với đích đến là NTM nâng cao, kiểu mẫu. Bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, UBND xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết với mục tiêu đề ra là xây dựng NTM xã Trường Yên phát triển, bảo đảm tính hiện đại và bền vững, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; cảnh quan môi trường thường xuyên xanh - sạch - đẹp; nếp sống văn minh, tiến bộ, giàu bản sắc truyền thống; an ninh trật tự, an toàn, bình yên; kinh tế phát triển, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Bộ mặt nông thôn Trường Yên ngàng càng khởi sắc Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của phong trào, xã chú trọng đẩy mạnh công tác với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, thông qua trang thông tin sinh hoạt nội bộ hàng tháng, tọa đàm chi hội, chi bộ, qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, hệ thống băng rôn, biển hiệu… đều được khai thác nhằm đạt mục đích lan tỏa nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo chung. Xã cũng tổ chức các buổi tham quan thực tế về mô hình, điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, trong 5 năm (2016 - 2020), xã đã huy động được 646.462,23 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 600.624 triệu đồng (chiếm 92,91%). Với nguồn vốn huy động được, xã tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả yêu cầu về sản xuất, đời sống dân sinh của nhân dân. Hiện, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đều được bê tông hóa, nhựa hóa, lắp đèn chiếu sáng, biển cảnh báo, biển chỉ dẫn phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Xã có 3/3 trường của 3 cấp học đều công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Xã cũng đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa - khu thể thao của xã và 16 thôn; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, di tích lịch sử trên địa bàn xã thường xuyên được trùng tu, tôn tạo... Song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng, xã cũng đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được xã quan tâm, đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. UBND xã đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với sản phẩm chủ lực của xã, như: Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ở Hợp tác xã (HTX) Thắng Thành, HTX Xuân Sơn; mô hình nuôi cá rô Tổng Trường, trồng sen nhật với 7ha ở HTXChi Phong; trồng măng tây; trồng lúa thương phẩm; mô hình cấy lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, nhằm thực hiện mục tiêu tăng hộ khá, giảm hộ nghèo, Trường Yên cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Xã đã chủ động tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để nhân dân vay phát triển kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ giống, vốn ban đầu để các hộ khó khăn tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, như: Hỗ trợ lợn giống, hỗ trợ bò, hỗ trợ gà, cho vay vốn … Đồng thời, xã cũng tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ kinh phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn hàng năm nhân dịp lễ, tết. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của trên địa bàn xã giảm từng năm. Nếu như năm 2016 xã có 235 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,01%),đến nay, Trung Yên đã không còn hộ nghèo (trừ 44 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội). Cùng với việc phát triển kinh tế, xã cũng quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được xã chú trọng. Xã có 16/16 thôn có câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, câu lạc bộ thể thao hoạt động thường xuyên, đã thu hút  trên 70% số người dân tham gia. Công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường luôn được quan tâm; nhân dân tích cực tham gia xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường như: Mô hình tuyến đường sáng, xanh, sạch; tuyến đường tự quản; mô hình nhà sạch, vườn đẹp, xây dựng đường hoa, đường cây bóng mát...  Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, 5 năm liền Đảng bộ xã Trường Yên đều được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; các đoàn thể đều đạt loại tốt trở lên, trong đó có 3 đoàn thể đạt loại xuất sắc; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Với những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, đến nay, xã Trường Yên đã cơ bản hoàn thành 14/14 tiêu chí trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó đạt 12 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cơ bản đạt, gồm quy hoạch và giao thông. Tin rằng với hướng đi đúng đắn, cùng tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của nhân dân và cán bộ nơi đây, Trường Yên sẽ về đích trong năm 2021 như mục tiêu đề ra. Bảo Linh

Khánh Nhạc tích cực xây dựng thôn mới nâng cao

TĐKT - Với những cách làm sáng tạo, linh hoạt phù hợp với điều kiện địa phương, xã Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế để hướng tới mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao cuối năm 2021. Tính đến tháng 7/2021, xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao. Về đích NTM từ năm 2014, xã Khánh Nhạc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Đầu năm 2021, xã Khánh Nhạc tiếp tục được huyện Yên Khánh và UBND tỉnh phê duyệt, chọn xây dựng NTM nâng cao. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khánh Nhạc cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu, Đảng ủy xã Khánh Nhạc đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên, cán bộ, công chức, đảng viên, các tổ chức, đoàn thể gương mẫu thực hiện, thông qua đó vận động người thân tự giác thực hiện, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, phát động và tổ chức đăng ký thi đua tới từng khu dân cư; tập trung huy động các nguồn lực và nhân dân đóng góp để tiếp tục đầu tư, cải tạo, xây dựng mới hạ tầng giao thông, cảnh quan khu dân cư, các hạng mục phục vụ đời sống dân sinh. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của Ban công tác Mặt trận cơ sở trong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.   Diện mạo mới tại khu dân cư xã Khánh Nhạc Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã đã nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm và lợi ích trong xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân thực hiện các tiêu chí. Xã đã huy động được gần 326 tỷ đồng cho xây dựng NTM nâng cao, trong đó, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp 173 tỷ đồng (chiếm gần 54% nguồn lực) để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm... Trong quá trình xây dựng xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, xã Khánh Nhạc xác định tiêu chí đường giao thông và môi trường là tiêu chí quan trọng cần tập trung hoàn thiện. Theo đó, xã đã đầu tư nâng cấp các công trình đường giao thông, hệ thống rãnh thoát nước, vỉa hè và cải tạo nâng cấp hồ trung tâm xã, xây mới các trường học..., với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Toàn xã hiện có 14,5 km đường ngõ xóm đã bố trí điện chiếu sáng, cây xanh phù hợp, đạt 89%; 61/67 số nút giao có biển báo, đạt 80%; tuyến đường trục nội đồng dài gần 26 km đã được cứng hóa 100%. 100% các xóm đã vận động nhân dân và con em quê hương đóng góp chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Mỗi xóm đều thực hiện đầu tư, nâng cấp khu vực nhà văn hóa xóm trên 100 triệu đồng; nhân dân đầu tư nâng cấp, xây mới nhà ở, các công trình phụ trợ, tài sản phục vụ sinh hoạt..., giá trị hàng trăm tỷ đồng. Hiện nay, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa, vượt tiêu chí chuẩn. Hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất giáo dục, y tế của xã cũng được xây dựng khang trang, phát huy được hiệu quả trong việc học tập và khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, xã cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao thu nhập cho người dân bởi theo ông Tám, đây là tiêu chí quan trọng, tạo tính bền vững cho xây dựng NTM nâng cao. Trong nông nghiệp, xã tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vận động, khuyến khích hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã. Một số mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình cấy lúa nếp cao sản 50 ha tại HTX Nông nghiệp Hợp Tiến năng suất đạt 60 tạ/ha; mô hình Thanh Long ruột đỏ diện tích 1 ha, hàng năm doanh thu đạt 100 triệu đồng; mô hình hoa cúc dược liệu HTX Nông nghiệp Đồng Tiến diện tích 1,5 ha, doanh thu đạt 12 triệu/sào… Theo đánh giá của ông Tám, các hợp tác xã ký kết các hợp đồng hợp tác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân và góp phần tích cực tiêu thụ nông sản chủ lực của xã. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói được UBND tỉnh Ninh Bình đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được duy trì, phát triển ổn định. Cũng theo ông Tám, nét nổi bật ở giai đoạn này xã có sự chuyển dịch kinh tế tích cực, đã hình thành cụm công nghiệp tại địa phương và có hàng nghìn lao động được đào tạo, tập huấn, có việc làm ổn định. Bình quân thu nhập năm 2020 đạt 54,1 triệu đồng/người. Năm 2021, thu nhập đầu người ước đạt khoảng 59,21 triệu đồng/năm. Hiện xã không có hộ nghèo đa chiều. Tiêu chí về văn hóa, giáo dục xã Khánh Nhạc đã đạt được so với yêu cầu. Các thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường đầu tư. Toàn xã có 20/20 thôn, xóm có điểm sinh hoạt văn hóa; 100% thôn, xóm đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa, đã có 7/20 thôn, xóm được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu. Chất lượng dạy và học tại các trường trên địa bàn xã được duy trì và ngày càng nâng lên, thuộc tốp đầu của huyện. Ngoài ra, công tác y tế, kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường luôn được quan tâm. Đảng bộ xã Khánh Nhạc nhiều năm liền là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền xã luôn giữ ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quần chúng nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Để đạt được mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao cuối năm 2021, ông Tám cho biết, trong thời gian tới, xã sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh lại tiêu chí đào tạo, dạy nghề cho lao động trên địa bàn phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo Linh

Nhiều giải pháp nâng tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Bình

TĐKT - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các tiêu chí đều mang tính chất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Tại huyện Phú Bình (Thái Nguyên), nhận thấy được tầm quan trọng của nguồn điện trong thúc đẩy phát triển toàn diện địa phương, nhất là kinh tế công nghiệp đang trên đà phát triển tại huyện, Phú Bình đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao tiêu chí này. Cán bộ, nhân viên điện lực thường xuyên kiểm tra tại các trạm biến áp Những năm trước đây, hệ thống hạ tầng lưới điện nông thôn trên địa bàn huyện được xây dựng thiếu đồng bộ, chắp vá; nguồn điện do các hợp tác xã, tổ dịch vụ điện quản lý. Phần lớn đều do nhân dân đóng góp từ trước, nguồn vốn hạn hẹp nên hầu hết không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn. Trong quá trình vận hành, sử dụng, đa số các lưới điện không được sửa chữa nên đã xuống cấp trầm trọng. Chất lượng điện không bảo đảm, có nơi điện áp cuối nguồn xuống thấp, tỷ lệ tổn thất điện năng cao. Bởi vậy, khi bắt tay vào triển khai thực hiện tiêu chí này, huyện đã đề ra tiêu chí điện trong xây dựng xã NTM, yêu cầu mỗi địa phương phải đảm bảo đạt được 2 chỉ tiêu, gồm: Hạ tầng điện phải đảm bảo kỹ thuật theo quy định của ngành Điện; trên địa bàn phải có ít nhất 95% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn. Để thực hiện được mục tiêu đạt ra, Điện lực Phú Bình đã lập kế hoạch, có các giải pháp để thực hiện việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện đảm bảo theo tiêu chí NTM của 19/19 xã trên địa bàn huyện. Sau hơn 10 năm triển khai phong trào xây dựng NTM, hạ tầng điện trên địa bàn huyện đã được quan tâm đầu tư đồng bộ. Điện lực Phú Bình đã thực hiện nhiều giải pháp để đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, an toàn lưới điện, đấu nối lại các điểm tiếp xúc, cân đối lại pha; luân chuyển máy biến áp không để non tải; tăng cường công tác quản lý vận hành lưới. Tính từ năm 2016 đến cuối tháng 6 năm 2021, Điện lực Phú Bình đã đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trên địa bàn huyện gồm: Đường dây trung thế 145,2 km; đường dây hạ thế 162,5 km; lắp đặt và nâng cấp 66 trạm biến áp với tổng kinh phí đầu tư trên 313 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành Điện đã thực hiện thay thế công tơ điện tử một pha, công tơ 3 pha, thực hiện phát quang hành lang lưới điện và vệ sinh công nghiệp các trạm biến áp thường xuyên. Góp phần cung cấp điện kịp thời, ổn định, an toàn, chất lượng, đảm bảo cho sản xuất của các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn huyện. Có thể thấy, thời gian qua, diện mạo khu vực nông thôn huyện Phú Bình đã có sự đổi mới, trong đó có sự đóng góp quan trọng của “tiêu chí số 4” về điện. Điện đã mang ánh sáng văn minh đến từng ngõ ngách, xóa dần lạc hậu, giảm sự nghèo khó trong cuộc sống thường nhật của người dân. Hiện Phú Bình có 19/19 xã đạt chuẩn NTM, đạt 5/9 tiêu chí huyện NTM, trong đó có tiêu chí điện đã hoàn thành. Huyện đang phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2022 và cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra và phục vụ điện sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện, theo ông Nguyễn Huy Tùng, Phó Giám đốc Điện lực Phú Bình trong thời gian tới, Điện lực Phú Bình sẽ đăng ký công suất đầu nguồn với công ty điện lực, tập đoàn để xây dựng các trạm điện. Đồng thời ngành sẽ thường xuyên kiểm tra, nắm bắt thống kê về phụ tải điện, có kế hoạch tính toán để đăng ký dự án chống quá tải, đảm bảo về phần nguồn, đảm bảo cho nhân dân có chất lượng điện tốt nhất. Bên cạnh đó, đối với các xã có công nghiệp, bắt buộc phải xây dựng trạm 110KVA để đảm bảo cấp điện cho khu công nghiệp hoạt động không gián đoạn và thu hút đầu tư, phục vụ khách hàng... Tùng Chi

Góp sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT - Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 09/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thực hiện xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hải Phòng, xã Đồng Thái, huyện An Dương là một trong 8 xã được thành phố chọn là xã điểm về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân đã tích cực tham gia hưởng ứng phong trào. Chị Vũ Thị Huế, ở thôn Tê Chử, xã Đồng Thái, huyện An Dương là một điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động, đóng góp công sức mình xây dựng quê hương Đồng Thái, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chị Vũ Thị Huế, thôn Tê Chử, xã Đồng Thái, huyện An Dương Sinh ra, trưởng thành và lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương xã Đồng Thái anh hùng, chị Vũ Thị Huế cùng nhiều hộ gia đình khác trong thôn luôn xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - an sinh - xã hội tại quê hương xã Đồng Thái.  Xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thôn, với vai trò là hội viên phụ nữ thôn, chị Huế đã vận động bà con, các hộ dân trong ngõ xóm hiến đất thổ cư mở rộng tuyến đường trục thôn dài 725m; 65 hộ hiến 1.500m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông và công trình phúc lợi công cộng. Bản thân chị và gia đình đã hiến 73m2 đất thổ cư làm đường thôn trị giá 1,35 tỷ đồng; tự nguyện phá dỡ, di dời bờ bao, vật kiến trúc trên đất; đóng góp tiền mặt và 30 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, góp phần xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đoạn đường Thôn Tê Chử, xã Đồng Thái, huyện An Dương được hoàn thành năm 2020 Với những việc làm thiết thực đóng góp có hiệu quả trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, chị Vũ Thị Huế đã vinh dự được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng danh hiệu “Gương mặt tiêu biểu thành phố Hải Phòng” năm 2020 và là tấm gương sáng điển hình tiên tiến nhân rộng cho mọi người học tập và noi theo. Thanh Loan

Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025

TĐKT - Sáng 28/7, với 476/478 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,39% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. . Toàn cảnh phiên họp Chương trình có mục tiêu tổng quát nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chương trình đặt ra những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 như: Phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới... Phạm vi thực hiện Chương trình trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm: Các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến hết năm 2025. Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí thực hiện cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách trung ương: 39.632 tỷ đồng (bao gồm: Vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng). Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình được thực hiện trên nguyên tắc phân bổ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các xã an toàn khu, xã dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng chỉ tiêu vẫn còn thấp để nâng cao chất lượng các tiêu chí và đảm bảo bền vững. Quốc hội giao Chính phủ ban hành quy định nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội phê duyệt; ban hành quy định về quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan. Hằng năm, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Chương trình tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và nhân dân giám sát việc thực hiện Chương trình. Phương Thanh

Thạch Bình nỗ lực cán đích nông thôn mới

TĐKT - Vượt qua khó khăn, xã miền núi Thạch Bình (Nho Quan, Ninh Bình) đang phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, tích cực triển khai phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM vào tháng 7/2021. Ông Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Thạch Bình có địa bàn rộng, dân cư thưa, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, bởi vậy khi bắt tay vào xây dựng NTM xã đã gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong xã. Trong xây dựng NTM, Thạch Bình xác định, việc cải tạo hạ tầng, phát triển giao thông, thủy lợi là tiêu chí khó của địa phương. Với tổng số chiều dài đường giao thông thôn, xóm trên 90 km, đến tháng 4/2021, xã mới chỉ bê tông hóa được trên 40 km. Tuy nhiên với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng lòng của nhân dân, Thạch Bình quyết tâm huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu kiến cố hóa hệ thống theo kế hoạch đề ra. Cũng theo ông Dũng, năm 2021, Thạch Bình tiếp tục đề nghị UBND huyện, UBND tỉnh ủng hộ thêm 2.000 tấn xi măng để nâng cấp giao thông nông thôn. Để có thể thu hút được sự hưởng ứng, tham gia của bà con, xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM, xây dựng quê hương. Trong đó, đường là tiêu chí quan trọng trong phát triển kinh tế. Bởi vậy, bà con đã tích cực ủng hộ. Hiện tại trên các trục đường liên thôn, liên xóm, người dân đang tích cực ra quân làm đường giao thông nông thôn. Ngoài sự hỗ trợ xi măng của nhà nước, bình quân mỗi nhân khẩu đã đóng góp hàng triệu đồng cùng những ngày công lao động để mở rộng, kiên cố hóa những con đường.   Thạch Bình đang triển khai bê-tông hóa đường giao thông Tiêu biểu như thôn Vệ Đình hiện chính quyền và nhân dân thôn đang tích cực xây dựng đường liên thôn với tổng chiều dài khoảng 4 km. Ông Bùi Văn Cầm, thôn Vệ Đình cho biết: Trước đây con đường nhỏ, hẹp, không thuận tiện cho giao thông. Đến nay đường được cứng hóa, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất và lưu thông hàng hóa. Có con đường bà con rất vui mừng. Hay như tuyến đường dọc thôn Đồi Ngọc tuy chiều dài chỉ hơn 600 m nhưng trong khu vực chỉ có 5 hộ gia đình sinh sống. Do đó để hoàn thành được con đường này, bình quân mỗi hộ dân đóng góp 22 triệu đồng, gia đình đóng nhiều nhất là 42 triệu đồng. “Đây là số tiền lớn đối với mỗi gia đình ở nông thôn, xong họ vẫn tự nguyện đóng góp, nâng cấp tuyến đường để việc đi lại thuận lợi hơn.”- ông Dũng chia sẻ. Chị Bùi Thị Thân, một trong những người dân trên tuyến đường này cho biết: 5 hộ dân ở đây chúng tôi chủ yếu đều trồng cây keo. Trước đây con đường này là đường đất, việc vận chuyển rất vất vả, cứ phải gom từng ít một rồi mang ra ngoài mới xe mới chở đi được. Từ khi có tuyến đường này, xe có thể đi vào tận nhà, không cần phải vận chuyển ít một ra ngoài nữa. Chúng tôi đều rất phấn khởi. Bên cạnh việc phát triển hạ tầng giao thông, xã cũng đang đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Hiện tại các thôn đang nỗ lực huy động nguồn lực xây dựng nhà văn hóa thôn đạt chuẩn NTM. Bà Bùi Thị Lụa, trưởng thôn Đồi Ngọc chia sẻ: “Nhà văn hóa thôn trước cũ rất bé, chỉ khoảng 30 – 40 người ngồi họp là kín chỗ và đã xuống cấp. Bởi vậy chúng tôi đã cùng họp bàn với dân xây dựng nhà văn hóa mới. Thôn được xã hỗ trợ 250 triệu, tỉnh và huyện hỗ trợ 90 triệu. Còn lại bà con đóng góp mỗi một khẩu 400 nghìn đồng. Ngoài ra, bà con tích cực đóng góp ngày công, hiện nhà văn hóa đang trong giai đoạn hoàn thành.” Một nội dung quan trọng khác mà Thạch Bình thực hiện khi triển khai xây dựng NTM là phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã đã tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của nhà nước để đầu tư giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả. Chị Bùi Thị Duyên, xã Thạch Bình chia sẻ: Sau khi được học các lớp tập huấn do xã phối hợp tổ chức, tôi được biết đến mô hình trồng cây nấm sò. Với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông trong trong giai đoạn đầu, đến nay gia đình tôi đã 3 năm làm nghề trồng nấm. Với mô hình này bình quân 1 năm gia đình tôi quay vòng 2 vụ được khoảng 4 vạn rưỡi phôi, giá trị dao động từ 10 - 11 nghìn đồng/bịch, trừ chi phí thu lãi 40 - 50 triệu/tạ bịch. Theo đánh giá của ông Dũng, để đạt được những kết quả tích cực trên, một trong những giải pháp quan trọng mà xã đã triển khai là phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” gắn với việc bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, dân chủ trong xây dựng NTM. Tính đến tháng 4/2021, Thạch Bình đã hoàn thành 17/19 tiêu chí, còn 2 tiêu chí là cơ sở vật chất văn hóa và đường giao thông. Hiện tại xã đang rà soát, đánh giá hiện trạng từng chỉ tiêu, tiêu chí, trên cơ sở đó kịp thời có những giải pháp khắc phục, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, huy động tốt mọi nguồn lực để xây dựng NTM. Có thể nói, để đạt được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực, cố gắng của đảng bộ, chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân xã Thạch Bình trong suốt thời gian qua. Với sự quyết tâm ấy, tin rằng, xã sẽ cán đích NTM theo đúng lộ trình đề ra. Bảo Linh    

Phát triển sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh gắn với xây dựng nông thôn mới

TĐKT – Ngày 23/4, tại Hà Nội, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển, CLB Đổi mới và Sáng tạo ngành Rau Hoa Quả tổ chức Hội thảo “Phát triển hoa, cây cảnh - ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng 46 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021); kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 và hướng tới kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021). Tới dự có đại diện các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hiệp hội chuyên ngành, các cơ quan thông tấn báo chí của trung ương và Hà Nội cùng hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ hoa, cây cảnh đến từ các tỉnh/thành phố trong cả nước. Toàn cảnh Hội thảo Tại Hội thảo, các chuyên gia đã tập trung phân tích làm rõ một số nội dung: Thú chơi hoa, cây cảnh xưa và nay; hệ thống các cơ sở chính sách có liên quan phát triển ngành hoa, cây cảnh; vai trò của phát triển hoa, cây cảnh trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và tái cấu trúc ngành nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đánh giá thực trạng phát triển hoa, cây cảnh trong những năm vừa qua; một số tư vấn phản biện chính sách để hoa, cây cảnh thực sự và ngành kinh tế sinh thái trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng đô thị sinh thái theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; tăng cường liên kết “5 nhà” (nhà quản lý – nhà khoa học – nhà đầu tư – nhà sản xuất – nhà truyền thông) để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu… Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 35.000 ha tập trung chuyên canh hoa, cây cảnh. Trong vòng 15 năm qua, diện tích hoa, cây cảnh đã tăng hơn 2,3 lần; giá trị sản lượng tăng trên 7,2 lần. Nhiều mô hình sản xuất hoa, cây cảnh tại các tỉnh, thành phố cho giá trị vượt trội từ 800 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm… Riêng tại Hà Nội, hiện đã phát triển được trên 6.000 ha chuyên canh hoa, cây cảnh và 11 làng nghề truyền thống trong lĩnh vực này. Thành phố cũng đã xác định 4 sản phẩm hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực để khuyến khích đầu tư gồm: Hoa lan, hoa hồng, hoa lily và hoa đào. Với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố liên tục được gia tăng. Giá trị sản xuất bình quân đạt 0,5 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm; nhiều mô hình đạt đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm. Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh còn manh mún, tự phát; ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; hoạt động liên kết còn lỏng lẻo; thị trường hoa, cây cảnh xuất hiện những diễn biến phức tạp… Từ thực tiễn đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, tăng cường liên kết giữa các chủ thể có liên quan nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”. Theo đó, phát triển hoa, cây cảnh được thành phố xác định là lĩnh vực trọng tâm trong phát triển ngành nghề nông thôn. Ông Nguyễn Văn Chí cũng nhấn mạnh vai trò của các hội, hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh. Theo đó, các tổ chức hội nghề nghiệp cần phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thẩm định giá sản phẩm, gắn mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ việc quản lý, giám sát… Thời gian tới, các quận, huyện, thị xã cần làm tốt quy hoạch để hoa, cây cảnh trở thành ngành hàng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, cải thiện môi trường. Các hội, chi hội và nghệ nhân tham vấn cho đơn vị quản lý Nhà nước của địa phương trong chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh… Để thúc đẩy phát triển lĩnh vực hoa, cây cảnh, GS. TSKH Trần Duy Quý, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành cần sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ sản xuất. Trong đó, tập trung vào các khía cạnh tích tụ đất đai, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ vùng sản xuất chuyên canh… Trong khi đó, PGS.TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh việc cần thiết phải tăng cường đổi mới công nghệ chọn tạo giống hoa, cây cảnh và công nghệ sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm. Trong đó, tập trung vào một số loại hoa cao cấp phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu như: Lan, lily, cẩm chướng… Ngay tại Hội thảo cũng diễn ra các hoạt động: Ra mắt ban vận động thành lập Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh Hoa lan Việt Nam; ký cam kết đồng hành cùng Chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh của Chính phủ gắn với việc học tập và làm theo tinh thần Tết Trồng cây do Bác Hồ phát động. Phương Thanh

Hội Nông dân xã Khánh Thành tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

TĐKT - Trong những năm qua, cùng với việc phối hợp mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, Hội Nông dân xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân thi đua đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung thâm canh, tăng vụ, góp phần nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác. Thu hoạch dưa chuột sạch tại xã Khánh Thành (Yên Khánh). (Ảnh: Trường Giang) Ông Phạm Văn Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thành cho biết: Hội có 1.254 hội viên nông dân, chiếm gần 86% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp và tham gia sinh hoạt tại 19 chi hội. Phát huy tính cần cù lao động, sáng tạo trong sản xuất, những năm qua, nông dân xã Khánh Thành đã kịp thời nắm bắt các kiến thức khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp Hội Nông dân đã phát triển, mở rộng nhiều mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, góp phần nâng cao đời sống nông dân. Điển hình là các mô hình vườn mẫu tại xóm 5, xóm 9, xóm 14. “Nhờ được Hội tư vấn, hướng dẫn từ khâu lập quy hoạch, thiết kế đến triển khai thực hiện, khu vườn tạp của gia đình tôi hiện đã trở thành khu vườn mẫu gọn gàng với nhiều loại cây trồng như cà chua, rau các loại, có thời điểm cho thu nhập 1 triệu đồng/ngày. Riêng năm 2020, Hội Nông dân xã đã hướng dẫn 25 hộ xây dựng khu vườn mẫu đạt chuẩn” - Ông Phạm Ngọc Hiền, chủ khu vườn mẫu chia sẻ. Bên cạnh đó, Hội tích cực vận động, hướng dẫn hội viên tham gia các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả như: Tổ hợp tác trồng ổi lê Đài Loan xóm 9, tổ hợp tác thâm canh nông sản vườn mẫu xóm 5, tổ hội nghề nghiệp nuôi thủy sản xóm 6… cho năng suất gấp 10 - 15 lần so với trồng lúa. Hội đã làm tốt việc liên kết hội viên tham gia phát triển hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn. Mỗi ngày những mô hình hợp tác xã này cung ứng bình quân ra thị trường 4 - 7 tấn rau, củ, quả an toàn, kết nối tiêu thụ với 22 cửa hàng nông sản, 1 siêu thị OCOP tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. “Các sản phẩm nông sản của hợp tác xã được gắn tem truy xuất nguồn gốc và chứng nhận sản phẩm nông sản đạt OCOP 3 sao. Từ đó, giúp hội viên tăng cường gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong việc hỗ trợ kỹ thuật, thống nhất đầu vào, đầu ra của sản phẩm, yên tâm, phấn khởi tham gia phát triển kinh tế”- ông Tuyến cho biết. Song song với xây dựng các mô hình sản xuất, Hội Nông dân xã đã chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hàng nghìn hội viên. Riêng năm 2020, Hội đã phối hợp tổ chức 19 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Để hỗ trợ hội viên có vốn sản xuất, Hội đã tín chấp 25 tấn phân bón trả chậm cho hội viên nông dân; nhận ủy thác 4,1 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội cho 125 hộ vay, giải ngân 553 triệu đồng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp cho 21 hộ vay để phát triển sản xuất. Hội cũng trực tiếp phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 1 lớp dạy nghề may công nghiệp cho 31 hội viên và con em nông dân. Sau dạy nghề, 100% học viên có việc làm ổn định với mức thu nhập bình quân 4 - 6 triệu đồng/tháng. Từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, nhiều hội viên nông dân trong xã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên trở thành hộ khá, giàu như: Hộ gia đình ông Phạm Văn Thẫn, xóm 14 với mô hình vườn mẫu kết hợp chăn nuôi lợn, thủy sản cho thu nhập 1,7 tỷ đồng/năm; hộ bà Nguyễn Thị Thu Hiền, chi hội xóm 6 vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ giàu với mô hình sản xuất và thu mua nông sản cho thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm. Cùng với tích cực phát triển kinh tế, hội viên nông dân xã Khánh Thành còn nhiệt tình hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới; tích cực tham gia đóng góp ngày công lao động, tiền mặt để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chỉnh trang khuôn viên nhà ở góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Sự nỗ lực giúp hội viên phát triển kinh tế của Hội Nông dân xã Khánh Thành đã tạo ra những mô hình sản xuất hiệu quả; nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình hội viên đã từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Nhiều năm liền, Hội Nông dân xã Khánh Thành đều được xếp loại là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác Hội, theo ông Tuyến, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hội viên nông dân phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khuyến khích phát triển các ngành nghề phụ và tham gia kinh doanh dịch vụ; hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho nông dân phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất để ngày càng xuất hiện nhiều hơn nữa các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Bảo Linh  

Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm

TĐKT - Sáng 23/3, Hội nghị tổng kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 diễn ra tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chủ trì Hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong triển khai Chương trình OCOP gần 3 năm qua, đồng thời xác định những định hướng, mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của đất nước, những thách thức và cơ hội mới đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành đã triển khai Chương trình OCOP; 59/63 tỉnh, thành tổ chức đánh giá xếp hạng sản phẩm. 2.439 tổ chức kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm OCOP được xếp hạng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm 59% (27,5% là doanh nghiệp), còn lại là kinh tế tập thể, hợp tác xã chiếm 41%. Sản phẩm OCOP được phát triển đa dạng theo 6 nhóm (thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải - may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; du lịch) không chỉ là sinh kế của người dân, mà còn là con đường phát triển kinh tế đa dạng, phát huy lợi thế, tính đặc sắc và văn hóa của mỗi một địa phương từ xã, đến huyện, đến tỉnh. Trong thời gian qua, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19, sản phẩm OCOP đã được cung ứng rất tốt cho thị trường, có sự tăng trưởng về doanh thu và giá bán, là minh chứng về tiềm năng, hiệu quả của Chương trình OCOP. Bên cạnh những địa phương thực hiện Chương trình có chiều sâu như tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hà Nội cả khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) đều có những địa phương tích cực triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Điều này cho thấy sự phù hợp của Chương trình trong phát triển sản xuất, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở khu vực còn khó khăn này. Một thành công quan trọng nữa của Chương trình OCOP là công tác xúc tiến thương mại được các bộ, ngành, địa phương triển khai rất tích cực và hiệu quả. Bộ Công thương đã nhanh chóng ban hành quyết định quy chuẩn trung tâm/điểm bán hàng OCOP, giúp cho cả nước có trên 142 trung tâm/điểm bán hàng OCOP. Hội chợ, triển lãm OCOP cấp tỉnh, khu vực với hơn 10.000 gian hàng dần trở thành thương hiệu địa phương và điểm đến của du lịch. Hệ thống bán lẻ hiện đại trong toàn quốc (các trung tâm thương mại lớn như hệ thống Central Retail, Saigon Co.op, Mega Market...) đã tích cực tham gia tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Đáng chú ý, trong bối cảnh mới triển khai, thời gian rất ngắn so với quốc tế, Việt Nam đã có đề xuất và thúc đẩy Sáng kiến mạng lưới kết nối quốc tế về phong trào OCOP/OVOP/OTOP trong phát triển ngành nghề nông thôn khối ASEAN và một số nước triển khai Phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP), được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương những kết quả tích cực Chương trình OCOP đã đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh những kết quả nổi bật, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chương trình OCOP còn bộc lộ một số tồn tại. Sự chủ động vào cuộc ở một số địa phương còn hạn chế. Một số địa phương lại có biểu hiện chạy theo thành tích, chưa đi vào thực chất, đặc biệt là chưa dựa vào lợi thế, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ thực chất đối với chủ thể OCOP, đặc biệt là nâng cao năng lực về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm. Nhiều sản phẩm chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì, chưa chú trọng vào yếu tố chất lượng, đặc biệt là gắn với thị hiếu người tiêu dùng. Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội và đặc sắc để tạo hình ảnh, thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, thương hiệu OCOP Việt Nam. Năng lực của các tổ chức kinh tế OCOP còn khiêm tốn nên việc quản trị, phát triển chuỗi giá trị gắn với vùng nguyên liệu địa phương của các sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn. Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, việc đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao; từ đó thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, đời sống người dân ở nông thôn sẽ cải thiện. Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện hồ sơ của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, muộn nhất vào tháng 6/2021. "Trong đó, phải tiếp tục xác định Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, cần được ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Phải xác định đây là chương trình mang tính dài hạn" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng đề nghị tập trung đầu tư phát triển 6 nhóm sản phẩm đã được xác định, trong đó lưu ý những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc để phục vụ phát triển kinh tế. Trong quá trình triển khai, Phó Thủ tướng lưu ý, tuyệt đối không được làm theo phong trào, để xảy ra tình trạng "xuê xoa" trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của các sản phẩm OCOP khác. Theo Phó Thủ tướng, cần chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn, đặc biệt là các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Đối với đề xuất, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, tiếp thu để tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương có liên quan, xây dựng Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Nguyệt Hà  

Trang