Xây dựng nông thôn mới

Phụ nữ Quảng Ninh chung tay vì môi trường xanh, sạch, đẹp

TĐKT - Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát huy vai trò, chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp triển khai nhiều mô hình hay, cách làm mới trong công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường. Từ đường làng, ngõ xóm đến mỗi gian bếp, nếp nhà được chăm sóc sạch đẹp đã từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi gia đình. Hành động của chị em phụ nữ đã tác động tích cực giúp chuyển biến, thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Các cấp hội phụ nữ của Quảng Ninh tích cực bảo vệ môi trường Bà Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Ninh cho biết: Xác định tuyên truyền là nhiệm vụ then chốt, những năm qua Hội đã chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung bảo vệ môi trường tới hội viên thông qua các buổi sinh hoạt Hội tại địa phương, phát thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng… Hàng năm, Hội đều chủ động phối hợp tổ chức các buổi truyền thông về phong trào cho hội viên, phụ nữ; phát động chiến dịch ra quân tổng vệ sinh môi trường hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường, Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; các hoạt động hưởng ứng phong trào “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”… tới mọi tầng lớp nhân dân. Nhiều năm nay, vào sáng sớm chủ nhật hàng tuần, trên khắp các tuyến đường từ thành thị đến các vùng nông thôn, rất đông người dân tham gia vệ sinh môi trường, trong đó phần lớn là phụ nữ. Để công tác bảo vệ môi trường trở thành thói quen hàng ngày của mỗi người dân, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở phối hợp phát động sâu rộng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Qua đó, từng bước nâng cao tinh thần tự giác của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không vứt rác bừa bãi, thường xuyên vệ sinh nhà ở và nơi làm việc, các khu vực sản xuất, kinh doanh, đường phố sạch sẽ… “Từ năm 2016 - 2021, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức trên 35.000 kỳ “Ngày Chủ nhật xanh” với gần 990.000 lượt người tham gia, đã tổng vệ sinh trên 25.000 lượt công trình, định kỳ làm sạch hơn 75.00 km đường thôn/khu; duy trì 725 đoạn đường “xanh, sạch, đẹp” do phụ nữ làm nòng cốt; xây dựng 45ha vườn hoa, chăm sóc 120.000 tuyến đường hoa, bức họa, cây cảnh…” - bà Vinh chia sẻ. Thông qua phong trào, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: Mô hình “Con đường từ nhà tới trường không rác thải”, mô hình “CLB Phụ nữ tình nguyện bảo vệ môi trường”; mô hình “Chi hội, tổ phụ nữ văn minh”, tuyến đường kiểu mẫu; xây dựng tiêu chí chấm điểm xếp loại xây dựng nếp sống ăn ở hợp vệ sinh hộ gia đình... Bên cạnh đó, tại các địa phương có biển, hội phụ nữ cơ sở thường xuyên phối hợp tổ chức “Chiến dịch hãy làm sạch biển”; duy trì hoạt động của 276 tổ và 2 hợp tác xã vệ sinh môi trường để thu gom rác nơi công ty môi trường không thực hiện thu gom, để đảm bảo tất cả các tuyến đường đều được thu gom rác. Đồng thời, vận động hội viên, người dân tham gia các hoạt động biến các bãi rác tự phát, khu đất trống thành vườn hoa công cộng của thôn, xóm, khu phố. Đặc biệt là phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó, các tiêu chí “3 sạch” gồm sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ, góp phần giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường thêm sạch, đẹp. Cũng theo bà Vinh cho biết, nhằm hạn chế số lượng rác thải ra môi trường, trong 5 năm qua, các cấp hội phụ nữ tỉnh đã tổ chức 105 lớp tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa; kỹ thuật phân loại rác thải 3R, kỹ năng vận động và hướng dẫn phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình cho trên 10.000 cán bộ chi, tổ, hội viên nòng cốt các đoàn thể khu dân cư và hội viên phụ nữ. Qua đó, vận động, hướng dẫn thực hiện phân loại rác thải tại gia đình và hướng dẫn triển khai mô hình: “Phân loại rác thải tại gia đình”, “Phụ nữ nói không với rác thải nhựa”, “Biến rác thành tiền”, mô hình “Ủ phân Compost” cho nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ. Đến nay, toàn tỉnh có 155/177 cơ sở hội, 890/1.609 chi hội của 12/13 Hội LHPN cấp huyện thành lập mô hình, có sản phẩm từ mô hình, thực hiện phân loại rác thải tại gia đình. Tiêu biểu như Hội LHPN TP Hạ Long với mô hình “Làm sản phẩm từ rác thải tái chế” tại các phường Hà Phong, Hà Trung, Hà Khẩu trong đó có mô hình “Gạch sinh thái” đã làm được 20.115 viên từ túi nilon, chai nhựa phế thải, xây dựng 117 chiếc bàn, ghế, bồn hoa, vườn hoa công cộng; mô hình “Ủ phân Compost” được Hội LHPN TP Móng Cái từ khi triển khai đến nay đã vận động 5.000 hội viên tham gia, 548 hộ ủ được gần 55 tấn phân hữu cơ/tháng để bón cho cây trồng… Có thể thấy, bằng nhiều cách làm thiết thực, hội viên phụ nữ đã phát huy vai trò của mình trong xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp. Môi trường sống trong lành không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn góp phần tích cực cùng chính quyền địa phương nâng cao tiêu chí môi trường trong thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị. Tùng Chi  

Nông dân Mường La tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Thời gian qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” (SXKDG) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Mường La (Sơn La) chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiệu quả rõ nét là phong trào đã giúp nhiều hộ nông dân tăng mức thu nhập, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, góp phần để các địa phương trong huyện thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Mường La, hội viên đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế phát triển Ông Lò Văn Giót, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường La cho biết:  Thực hiện phong trào xây dựng NTM, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội đã phát động mạnh mẽ phong trào SXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo đến 100% cơ sở hội trên địa bàn gắn với xây dựng NTM, với nhiều nội dung phong phú, thiết thực. Trong đó, việc làm đầu tiên mà Hội thực hiện là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, các lớp tập huấn, hội đều lồng ghép tuyên truyền, vận động hội viên phát huy vai trò chủ thể, chung tay xây dựng NTM. Qua tuyên truyền, vận động, nhiều cán bộ, hội viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phát triển kinh tế, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn. Để thúc đẩy phong trào SXKDG, hàng năm các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (TBKHKT) cho nông dân, tham quan học tập và xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, động viên hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa TBKHKT vào sản xuất, đầu tư có trọng điểm, phù hợp với thực tế của hộ gia đình.  Bên cạnh đó, Hội còn làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội với hội viên, nông dân địa phương, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Thông qua phong trào đã góp phần từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất tập trung, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Vùng trồng rau xã Mường Bú, thị trấn Ít Ong; chăn nuôi trâu bò sinh sản tại xã Mường Chùm, Chiềng Hoa, Hua Trai; nuôi cá lồng tại xã Chiềng Lao, Mường Trai, thị trấn Ít Ong… Nhiều sản phẩm nông sản của huyện hiện được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GloGAP; OCOP và đã có mặt tại các siêu thị, thành phố lớn, đồng thời được xuất khẩu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. “Đến nay, toàn huyện có 790 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó: Cấp Trung ương 5 hộ; cấp tỉnh 13 hộ; cấp huyện 173 hộ và 599 hộ cấp xã, thị trấn.” - Ông Giót cho biết. Anh Vũ Trí Thức (Tiểu khu 1, xã Mường Bú, huyện Mường La) là hộ nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện, chia sẻ: Tham gia vào Hội Nông dân, tôi có cơ hội được tham gia các lớp tập huấn TBKHKT về chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân và nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách Xã hội để chuyển đổi, cải tạo khu đất để trồng cây giống gồm cam, bưởi da xanh, bưởi hoàng, xoài lai, mít tứ quý. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình tôi khá đa dạng, với 1.200 gốc cam, bưởi, hơn 200 cây mít, hồng xiêm, vải, nhãn… Mỗi năm thu về cho gia đình gần 200 triệu đồng. Bên cạnh việc tích cực đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hội viên nông dân huyện Mường La còn rất năng động trong việc tìm hướng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhiều hội viên nông dân với sự đam mê, sáng tạo đã vận dụng những kiến thức từ sách vở và cả thực tiễn để cải tiến máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt. Trong số đó có nhiều sáng chế, cải tiến kỹ thuật đã được trao giải tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La. Tiêu biểu như sáng chế: Máy tuốt lúa thủ công có gắn động cơ, kết hợp sàng và quạt gió của anh Lò Văn Cường (bản Hua Ít, thị trấn Ít Ong); máy phát điện mini của anh Quàng Văn Quang (bản Noong Pi, xã Pi Toong)... Những sáng chế này không những phục vụ nhu cầu cuộc sống, góp phần tăng năng suất lao động mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân. Ngoài ra, các hội viên cũng tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của trong phong trào xây dựng NTM tại địa phương. Ông Giót cho biết: 5 năm qua, hội viên nông dân toàn huyện đã đóng góp 36,7 tỷ đồng, gần 130.000 ngày công, hiến hơn 48.140m2 đất xây dựng hạ tầng nông thôn; tham gia đào đắp gần 3.000m3 đất đá, tu sửa mương phai thủy lợi, đập, cầu cống; xóa được 7 nhà tạm cho hội viên nông dân... Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Mường La tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi hội cơ sở; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; vận động cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông nông thôn, kênh mương thủy lợi và các công trình phúc lợi xã hội. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi phong trào xây dựng NTM trên địa bàn. Tuệ Minh  

Lục Yên: Quân – dân chung sức xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Những năm qua, cùng với việc làm tốt công tác sẵn sàng phục vụ chiến đấu, tham gia phòng, chống dịch COVID-19, Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Lục Yên (Yên Bái) còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, qua đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân. Lực lượng dân quân xã Trúc Lâu tham gia tu sửa đường giao thông Thượng tá Nguyễn Văn Chung, Chính trị viên Ban CHQS huyện Lục Yên cho biết: Thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, Ban CHQS huyện Lục Yên đã cụ thể hóa và phát động phong trào thi đua “Lực lượng vũ trang (LLVT) chung sức xây dựng NTM” đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; chú trọng đẩy mạnh công tác giáo dục, quán triệt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị của Quân khu, Bộ Quốc phòng và các hướng dẫn của cấp trên về xây dựng NTM. Đồng thời tiến hành khảo sát thực tế của địa phương, từ đó xây dựng kế hoạch, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, cách làm cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và địa phương. Vĩnh Lạc là một trong những xã khó khăn của huyện Lục Yên, do có xuất phát điểm xây dựng NTM thấp. Những năm qua, được sự quan tâm của quân ủy, chính quyền các cấp, sự giúp đỡ của Ban CHQS huyện và nhiều biện pháp đồng bộ, xã đã huy động các ngành, đoàn thể và toàn dân tích cực tham gia xây dựng NTM. Trong đó phát huy vai trò, trách nhiệm của lực lượng dân quân làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào xây dựng NTM ở địa phương, gương mẫu và vận động nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Ông Lự Kim Vi, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Lạc cho biết: Vai trò của lực lượng dân quân ở cơ sở là hết sức quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là xây dựng NTM. Có những hộ gia đình dân quân đã gương mẫu hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng đường bê tông; nhiều gia đình dân quân sẵn sàng đập bỏ tường rào để mở rộng đường. Nhờ đó, nhiều hộ dân trong xã cũng đã tự nguyện hiến đất không đòi hỏi đền bù để thực hiện cho được tiêu chí đường giao thông nông thôn. Nhờ phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của lực lượng dân quân, thanh niên trong tham gia thực hiện các phần việc khó và xung kích trong phát triển kinh tế, diện mạo nông thôn Vĩnh Lạc đổi thay rõ rệt; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần đưa xã cán đích NTM vào năm 2019. Để việc tham gia xây dựng NTM có hiệu quả, hàng năm Ban CHQS huyện đều xây dựng kế hoạch gắn với các nhiệm vụ thực hiện phong trào thi đua của huyện như: Ngày cùng dân, ngày cùng doanh nghiệp, phong trào dân vận khéo, phong trào xây dựng NTM, giúp dân xóa nhà tạm, xóa nhà dột nát, sửa chữa đường điện, giúp nhân dân nạo vét kênh vương nội đồng, tu sửa đường giao thông nông thôn, xây dựng cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, tham gia khắc phục thiệt hại do thiên tai, bão lũ… Từ năm 2020 đến nay, Ban CHQS huyện đã phân công trên 60 lượt cán bộ, nhân viên tham gia tu sửa đường liên thôn tại xã Tân Lập, tham gia giải phóng mặt bằng nâng cấp gần 3.000 m đường giao thông; trồng trên 5 ha ngô đông tại xã Mai Sơn và Mường Lai; nạo vét hàng nghìn mét kênh mương nội đồng và tham gia xây dựng công trình phúc lợi trên địa bàn. Cùng với đó, Ban CHQS huyện cũng chỉ đạo các Ban CHQS các xã, thị trấn cũng làm tốt công tác tham mưu, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, công tác dân vận, tuyên truyền được LLVT huyện Lục Yên triển khai thực hiện thường xuyên và được đưa vào chương trình hành động hàng năm của Đảng bộ Quân sự huyện. Bình quân mỗi năm, LLVT huyện tổ chức hàng chục đợt công tác dân vận đưa bộ đội, dân quân về các xã, thôn, bản giúp dân tu sửa, làm mới hàng chục ki-lô-mét đường giao thông nông thôn; nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương thủy lợi; giúp dân tu sửa và làm mới hàng chục ngôi nhà... Thượng tá Nguyễn Văn Chung: Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào LLVT xây dựng NTM trong thời gian tới, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã xây dựng lộ trình hoạt động cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh – quốc phòng tại địa phương và khả năng của LLVT huyện. Có thể thấy, với những chủ trương, giải pháp và cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế địa phương trong thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, LLVT huyện Lục Yên đã tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ huyện và thế trận lòng dân ngày càng vững chắc, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ huyện ngày càng vững chắc, sớm đưa Lục Yên cơ bản trở thành huyện NTM vào năm 2025. Tùng Chi

TP Cam Ranh đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với ngành nông nghiệp, thời gian qua, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) tích cực triển khai phong trào. Những kết quả đạt được từ phong trào đã đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ngã ba nối từ Quốc lộ 1A xuống Phân trạm Y tế Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông vừa được nâng cấp Tính đến tháng 6 năm 2021, Cam Ranh có 3/6 xã đạt chuẩn NTM gồm: Cam Thành Nam, Cam Thịnh Đông và Cam Lập. Các xã còn lại có: Cam Bình đạt 18/19 tiêu chí; Cam Phước Đông đạt 15/19 tiêu chí; Cam Thịnh Tây đạt 13/19 tiêu chí. Đối với Bộ tiêu chí NTM nâng cao, xã Cam Thịnh Đông đạt 9/12 tiêu chí; xã Cam Thành Nam đạt 6/12 tiêu chí; xã Cam Bình đạt 10/12 tiêu chí và xã Cam Lập đạt 8/12 tiêu chí. Thành phố đặt ra mục tiêu đưa xã Cam Bình đạt chuẩn NTM cuối năm 2021 và xã Cam Thịnh Đông đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2022. Để triển khai thực hiện hiệu quả phong trào, Ban Chỉ đạo thành phố đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ để thực hiện song song với chính sách chung của trung ương, của tỉnh, như: Hỗ trợ xây dựng đường bê tông ngõ xóm; đề án hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, lát vỉa hè, trồng cây xanh công cộng tại khu dân cư; xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, phát triển sản xuất hàng hóa, giáo dục… theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Thành phố cũng huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, người dân trong xây dựng NTM. Tính từ đầu năm đến tháng 7/2021, thành phố đã nỗ lực triển khai xây dựng NTM với tổng vốn đầu tư 34,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh trên 24,3 tỷ đồng, ngân sách thành phố trên 7 tỷ đồng, ngân sách cấp xã trên 3,3 tỷ đồng. Cũng trong năm, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến 4.865 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền các xã chung tay xây dựng NTM ở địa phương. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Năm 2021, TP Cam Ranh đã tập trung triển khai kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trên địa bàn thành phố năm 2021. Theo đó, xã Cam Phước Đông thực hiện chuyển đổi 10 ha cây trồng không hiệu quả sang 5 ha trồng rau đậu và 5 ha trồng xoài; xã Cam Thành Nam thực hiện chuyển đổi 15 ha sang 5 ha trồng rau đậu, 10 ha trồng xoài và táo; phường Cam Nghĩa thực hiện chuyển đổi 3 ha sang trồng rau đậu; phường Cam Phúc Bắc thực hiện chuyển đổi 5 ha sang trồng xoài. Đồng thời, thành phố triển khai 3 mô hình trình diễn về: Thâm canh giống lúa mới Hương Châu 6 tại 2 xã Cam Phước Đông và Cam Thịnh Đông với quy mô 4 ha; mô hình trình diễn giống bắp lai chịu hạn tại xã Cam Thịnh Tây với quy mô 1 ha; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao lót bạt sử dụng chế phẩm sinh học tại 2 xã Cam Thịnh Đông và Cam Lập với quy mô 2.000 m2. Song song với đó, thành phố tiếp tục tổ chức tập huấn các mô hình nông, ngư nghiệp cho lao động nông thôn; khuyến khích nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả. Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai phong trào xây dựng NTM có ít nhiều ảnh hưởng, do đó, để đạt mục tiêu đề ra, thành phố đề nghị các xã khẩn trương rà soát, xác định cụ thể các công trình đầu tư theo nguồn vốn phân cấp để xây dựng nhu cầu vốn cho phù hợp; phối hợp với Phòng Quản lý đô thị rà soát lại quy hoạch chung NTM để điều chỉnh phù hợp với quy hoạch chung của thành phố. Riêng đối với xã Cam Thịnh Tây, Cam Phước Đông, Cam Thịnh Đông đang gặp nhiều khó khăn để hoàn thiện các tiêu chí NTM, đặc biệt là tiêu chí nhà ở, thành phố sẽ có biện pháp hỗ trợ, trước mắt sẽ thực hiện theo hướng kêu gọi xã hội hóa. Thành phố cũng sẽ triển khai công trình hệ thống cấp nước cho xã đảo Cam Bình, giải quyết giao đất của Xí nghiệp muối Cam Ranh cho UBND xã Cam Thịnh Đông để triển khai xây dựng Nhà văn hóa thôn Hòa Diêm… Bảo Linh

Thành phố Bắc Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1890/QĐ-TTg công nhận thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. UBND tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thành phố Bắc Giang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Sau hơn 10 năm, TP Bắc Giang đã huy động đã huy động được hơn 750 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; trong đó hơn 178,7 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp và người dân đóng góp; còn lại là ngân sách Trung ương và địa phương. Đến hết năm 2017, 6/6 xã của thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố không nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tại 6 xã đạt 48,5 triệu đồng/người, gấp 2,5 lần so với năm 2011. Ước thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 51,5 triệu đồng/người. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 tại 6 xã còn 0,77%, giảm 3,23% so với năm 2011. Từ năm 2011 đến nay, các xã đã đầu tư cứng hóa làm mới và mở rộng 268,9 km đường giao thông nông thôn, tăng 89,121 km so với năm 2011. Cơ sở vật chất văn hóa, trường học, giao thông… từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt. An ninh, trật tự xã hội được tăng cường. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn… Trang Lê

Ninh Bình đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Vượt qua khó khăn của dịch bệnh COVID-19, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở hạ tầng phát triển, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tiếp tục ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện. Diện mạo nông thôn ở Ninh Bình ngày càng khởi sắc Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: 9 tháng đầu năm, việc tổ chức thực hiện các phong trào xây dựng NTM ở Ninh Bình có sự chỉ đạo tập trung quyết liệt, huy động nguồn lực và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, kinh tế – xã hội tỉnh tuy chịu sự tác động của dịch bệnh, thiên tai nhưng cũng có sự tăng trưởng; cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đầu tư, đời sống xã hội nông thôn ổn định. Các địa phương đã tích cực đẩy nhanh việc thực hiện các tiêu chí đạt chuẩn NTM. Đồng thời, chú trọng đến quy hoạch chung NTM, quy hoạch phát triển sản xuất; hoàn thành việc dồn diền đổi thửa tạo nhiều cánh đồng lớn; chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Tính đến tháng 10/2021, toàn tỉnh có 5/8 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 114 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó đã có 109/119 xã (chiếm 91,6%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM; có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 165/1.355 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM được nâng cao. Qua đó, tạo sự đồng thuận và huy động được đông đảo các lực lượng tham gia xây dựng NTM. Nổi bật là phong trào hiến đất, hiến kế, góp công, góp vật liệu làm đường giao thông nông thôn. Từ đầu năm đến nay, các xã trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hỗ trợ gần 16.000 tấn xi măng để thực hiện bê-tông hóa 624 tuyến đường với tổng chiều dài 110,3 km. Hiện có114/119 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông. 100% xã đạt chuẩn yêu cầu tiêu chí thủy lợi, tiêu chí điện, tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và thông tin và truyền thông. Trong đó 117/119 xã đạt chuẩn tiêu chí trường học, 115/119 xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa… “Hầu hết các địa phương chú trọng đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, như tăng cường liên kết, xây dựng và nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân gắn sản xuất với tiêu thụ, chế biến để tăng giá trị sản phẩm; thực hiện đề án Mỗi vùng có một sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình (OCOP).” - ông Ngọc cho biết. Đến nay toàn tỉnh đã có 26 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 21 sản phẩm hạng 4 sao, 5 sản phẩm hạng 3 sao. Số hợp tác xã (HTX) ngành hàng là 108 HTX. Tỉnh cũng có 164 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 322 trang trại quy mô lớn; 26.400 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của phong trào, trong những tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM thích ứng, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch COVID-19. Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng NTM theo kế hoạch, mục tiêu của năm 2021 - 2022. Bên cạnh đó, các sở, ngành, đơn vị, chủ đầu tư thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, bổ sung, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Việc xem xét, thẩm định các tiêu chí xây dựng NTM cần được linh hoạt đảm bảo đúng quy định và đúng thực chất, tập trung các tiêu chí về thu nhập, nâng cao đời sống của người dân, tạo sự phấn khởi, tin tường cho nhân dân và mang lại diện mạo mới cho nông thôn. Tùng Chi

TP Tuyên Quang đón Bằng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020

TĐKT - Ngày 3/11, UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang trao Bằng công nhận TP Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020 (ảnh: TP Tuyên Quang) Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, TP Tuyên Quang đã có bước phát triển khá toàn diện, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ. 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa; 91,6% hệ thống kênh mương được kiên cố; 100% các thôn, xóm có nhà văn hóa, khu thể thao; 92,5% hộ có nhà ở đạt tiêu chuẩn. Hiện 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đạt trên 570 tỷ đồng. Cùng với các chương trình dự án của nhà nước, TP Tuyên Quang còn huy động sức dân đóng góp, hiến trên 3 nghìn m2 đất để xây dựng hạ tầng nông thôn. Hiện thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh. Đặc biệt, thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay thành phố có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 và 4 sao cấp tỉnh. Từ đó, đã giúp cho đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 tại 5 xã nông thôn mới đạt trên 40 triệu đồng/người, gấp 4 - 5 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo từ 2,63% giảm xuống còn 0,66% năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng được đẩy mạnh. 100% học sinh được học 2 buổi/ngày, 14/17 trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt trên 96%, tăng 43,9% so với năm 2010. Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố và phát huy sức mạnh tổng hợp. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ngày càng hoàn thiện cả về chính trị, năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và kỹ năng vận động quần chúng; quốc phòng an ninh ở nông thôn tiếp tục được củng cố, giữ vững và ổn định. Mục tiêu đến năm 2025 thành phố Tuyên Quang phấn đấu 5/5 xã hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 2 xã Kim Phú, Tràng Đà hoàn thành đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025. Với những thành quả quan trọng trên, ngày 2/2/2021 thành phố Tuyên Quang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II và ngày 5/10/2021, thành phố Tuyên Quang tiếp tục vinh dự được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Tại buổi lễ, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trao Bằng công nhận TP Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020 cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Tuyên Quang. Tại buổi lễ, đã có 17 tập thể, 2 hộ gia đình và 16 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần xây dựng TP Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Trang Lê

Thiệu Vũ ( Thanh Hóa): Khát vọng xây dựng nông thôn mới nâng cao

TĐKT - Sau khi được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới cuối năm 2018, Đảng bộ và nhân dân xã Thiệu Vũ (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đặt mục tiêu đến hết năm 2021 đạt xã Nông thôn mới nâng cao. Để hướng tới mục tiêu trên, chính quyền và nhân dân xã đã không ngừng phấn đấu hoàn thành những mục tiêu và kế hoạch đã đề ra. Những kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm Về Thiệu Vũ những ngày cuối thu, nắng vàng trải rộng trên những cánh đồng lúa , những con đường rải nhựa dọc ngang trong thôn xã như những dải lụa, những ngôi nhà bê tông thấp tầng, cao tầng kiên cố, những ngôi nhà vườn kiểu cách với nhiều mẫu hình kiến trúc đa sắc màu, những nhà tầng như trụ sở, trường học, trạm, trại khang trang xen giữa màu xanh mướt mát nơi làng quê có truyền thống cách mạng của tỉnh Thanh Hóa, mới thấy vẻ đẹp tuyệt vời của một bức tranh nông thôn mới. Bà con nhân dân các thôn xóm Thiệu Vũ có đời sống ổn định, có xe máy và có cả ô tô lưu thông trên các con đường nhựa, bê tông rộng rãi của xã nhà. Qua tìm hiểu được biết sản xuất nông nghiệp vụ đông năm 2020 - 2021 diện tích 130 ha, năng suất đạt 50 tạ/ha, sản lượng đạt 650 tấn. Vụ chiêm xuân gieo cấy 276 ha, đạt 100%; năng suất bình quân đạt 80 tạ/ha, sản lượng lúa đạt 2.208 tấn. Màu quy thóc đạt 150 tấn. Tổng sản lượng vụ chiêm xuân đạt 2.358 tấn, đạt 56,14% kế hoạch,  không kể vụ đông vượt chỉ tiêu kế hoạch. Bình quân lương thực đầu người đạt 360kg, diện tích lúa lai đạt 250 ha, đạt 90% diện tích, giá trị 1ha diện tích đạt 110 triệu đồng. Năng suất bình quân vụ 10 ước đạt 58 tạ/ha, năng suất 1.600,8 tấn. Chăn nuôi phát triển ổn định. Đàn trâu bò hiện có 1000 con, trong đó đàn bò cái tăng 20%, tiêm phòng đợt 2 đạt 85%. Tổng đàn lợn gần 2300 con. Xã đã giữ vững và phát huy tốt các mô hình theo hướng tập trung như trang trại, gia trại hiệu quả, có 20 mô hình đã và đang phát triển tốt. Trong đó, có 5 trang trại được cấp giấy chứng nhận, 2 trang trại đạt tiêu chí mới. Nhà máy may xuất khẩu của xã đã giải quyết đủ việc làm cho con em trong xã Về xây dựng cơ bản xã thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 9 tháng đầu năm đã huy động sức đóng góp của nhân dân, kêu gọi con em xa quê đóng góp tự nguyện và một phần đầu tư của nhà nước tiếp tục nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn, mương tiêu nước ở khu dân cư, giao thông nội đồng, các điểm văn hóa, các trường học, nhà bia tưởng niêm liệt sỹ, các khu xử lý chất thải, rác thải, chỉnh trang nhà ở dân cư, hoàn thiện xây dựng trường Mầm Non. Tổng giá trị  dự kiến hơn 80 tỷ đồng. Về tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, xã tiếp tục duy trì các ngành nghề truyền thống ở địa phương như nghề mộc dân dụng, nghề khai thác vật liệu xây dựng và các hoạt động dịch vụ đã và đang phát triển như dịch vụ xay xát, dịch vụ vật tư nông nghiệp, dịch vụ bán hàng tạp hóa, dịch vụ giao thông vận tải. Thường xuyên đấu mối với các công ty, tổ hợp, các tụ điểm phát triển kinh tế trong và ngoài địa bàn để thu hút lao động trong xã, giải quyết công ăn việc  làm nâng thu nhập cho người lao động. Nhà máy may công nghiệp về xây dựng và làm việc tại xã từng bước tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho người lao động; hiện tại có khoảng 300 lao động của địa phương đang làm việc tại công ty. Xã đang chuẩn bị xây dựng nhà máy may tại cơ sở 2 trường Mầm non Thiệu Vũ, thu hút khoảng 150 lao động, tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Về hoạt động tài chính - ngân sách, xã thực hiện thu chi ngân sách đảm bảo đúng luật, các chỉ tiêu thu đều được thông báo đến nhân dân, đặc biệt là thu xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, thực hiện thu đúng thu đủ, chi theo luật ngân sách, đảm bảo chi thường xuyên cho các bộ máy hoạt động có hiệu quả. Xã đã chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 đúng chế độ chính sách của nhà nước. Công tác thu nghĩa vụ công dân, thuế nhà đất, dịch vụ sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 98%. Trường mầm non Thiệu Vũ giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ 1 Về giáo dục - đào tạo, chất lượng giảng dạy và học tập ở 3 cấp trường được nâng lên. Qua tổng kết năm học 2020 – 2021, trường THCS hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, trường đạt tiên tiến cấp huyện; đang phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 1 trong năm 2021, tập thể giáo viên đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Trường Tiểu học đạt tiên tiến cấp huyện, giáo viên đạt tập thể lao động xuất sắc, giữ vững trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường mầm non đạt tiên tiến cấp huyện, tập thể giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến,  giữ vững trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Về y tế - dân số - KHHGĐ, trạm y tế tăng cường công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhất là dịch bệnh mùa hè, như dịch sốt xuất huyết, đặc biệt là tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cấp trên để nhân dân phòng ngừa, nâng cao tinh thần phục vụ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tại trạm. Tỷ lệ phát triển dân số 0,7%. Hoạt động văn hóa, thể thao ngày càng phát triển tốt hơn. Xã tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, có 4/4 thôn đã được công nhận thôn văn hóa, có trên 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, không ăn uống trong tang lễ, giảm ăn uống trong việc cưới, việc vui, tiệc tùng và các ngày lễ hội, theo tinh thần Chỉ thị 875 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ thị phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ông Lê Tiến Bình, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Toàn xã có 4 đơn vị thôn, với tổng diện tích đất tự nhiên là 606,68 ha, trong đó đất canh tác là: 315, 2 ha, bình quân khẩu nông nghiệp là 500 m2. Toàn xã có 1.789 hộ, trong đó có 90 hộ theo đạo Thiên chúa, 175 hộ thuộc xóm thủy cơ sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông. Khi chưa có chủ trương xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí đề ra thì Thiệu Vũ là xã nghèo của huyện Thiệu Hóa. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, bằng các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư kích cầu cho phát triển nông nghiệp nông thôn mới, đồng thời ban hành các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết sát đúng với tình hình thực tế của địa phương, Thiệu Vũ đã có nhiều khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới". Và tiếp tục nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng còn lại năm 2021 Trong thời gian còn lại, xã tập trung thu hoạch cây màu, cây lúa ở vụ mùa; chỉ đạo nhân dân sản xuất cây vụ đông đảm bảo chỉ tiêu huyện giao 135 ha,  trong đó có 60 ha ngô thương phẩm, 20 ha ngô ngọt,  30 ha khoai tây, 15 ha khoai lang và các loại rau màu khác. Động viên nhân dân trồng cây khoai tây vụ 4. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trang trại, tổ chức tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, nghề mộc, khai thác vật liệu xây dựng, buôn bán dịch vụ thương mại. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khai thác có hiệu quả các nguồn vốn, để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2021… Chăn nuôi phát triển ổn định Ngoài ra, xã quan tâm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở 3 cấp trường, duy trì chế độ thường trực khám và chữa bệnh tại trạm, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, đảm bảo tốt công tác vệ sinh môi trường trong địa bàn dân cư, tổ chức tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt cuộc vận động ngày vì người nghèo. Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống và ngăn ngừa tội phạm, tăng cường xử lý các tệ nạn xã hội, như đánh bạc, đánh đề, mê tín dị đoan, gây mất trật tự an ninh. Hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, làm tốt chính sách hậu phương quân đội, rà soát thanh niên trong độ tuổi chuẩn bị cho việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2022. Về vấn đề công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương, xã tiếp tục chỉ đạo đổi mới nâng cao công tác giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên, phấn đấu xây dựng Đảng bộ, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của nhà nước, đẩy mạnh nâng cao công tác dân vận. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, điều hành của chính quyền, tiếp tục đổi mới chất lượng hiệu quả giám sát của hội đồng nhân dân, thường trực HĐND, MTTQ và các đoàn thể quần chúng. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, hăng hái lao động sản xuất, phát triển kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2021, góp phần xây dựng quê hương vững mạnh về mọi mặt. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Quang Sinh tin tưởng về kết quả hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2021 và coi đây là nhiệm vụ kép mà Đảng ủy xã phải chỉ đạo và thực hiện thành công. Ông cho biết: "Quá trình thực hiện xây dựng NTM nâng cao, xã Thiệu Vũ luôn xác định tiêu chí thu nhập là quan trọng nhất. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế ở địa phương, Đảng ủy xã phân công các đồng chí đảng ủy viên hàng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, kịp thời có những giải pháp trong chỉ đạo phát triển kinh tế".  Quang Minh

Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái ở Trà Vinh

TĐKT - Là tỉnh có nhiều ưu thế, tiềm năng về du lịch, đặc biệt là sinh thái, cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, thời gian qua, Trà Vinh đã đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và đã đạt được những kết quả tích cực. Với hơn 65 km bờ biển, Trà Vinh có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú và đa dạng. Tỉnh có nhiều địa danh nổi tiếng: Danh thắng ao Bà Om, biển Ba Động. Tỉnh cũng có nhiều cù lao, cồn nổi ven biển. Hệ sinh thái đa dạng tạo cho tỉnh nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm dồi dào, nhiều đặc sản ngon. Trà Vinh còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa và những cảnh quan sông nước miệt vườn. Đây là những điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước có sở thích tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng. Biển Ba Động là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng ở Trà Vinh Xác định đẩy mạnh phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, coi đây là khâu đột phá để tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thời gian qua, Trà Vinh tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch nông thôn. Cùng với việc khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, tỉnh cũng quan tâm đến hoạt động phát triển các sản phẩm ngành nghề, sản phẩm OCOP phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn; đồng thời hình thành các khu sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao, phục vụ nhu cầu khách du lịch trong và ngoài nước. Để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có cơ chế, chính sách riêng để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng mà chỉ có các cơ chế chính sách phát triển ngành Du lịch. Từ năm 2017, Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Từ đó đến nay, tỉnh đã tập trung phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, trong đó phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc phát triển du lịch xanh, nói không với bê tông hóa. Nhờ đó, từ năm 2018 đến nay, du lịch Trà Vinh đã có vị trí trên bản đồ du lịch cả nước nhờ các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững. Cùng với đó, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ người dân vay vốn kinh doanh du lịch như xây dựng homestay, xây dựng nhà hàng, cơ sở bán hàng phục vụ khách du lịch; hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch homestay gắn với phát triển nông thôn thông qua tiền mặt, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn.. Những giải pháp tích cực đó đã tạo được hiệu ứng, sức lan tỏa mạnh mẽ, tích cực, giúp thay đổi và nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của ngành kinh tế du lịch tỉnh. Tỉnh đã đầu tư xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mới, thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến với Trà Vinh. Năm 2019 - 2020, Trà Vinh đã hỗ trợ gần 1 tỷ đồng cho người dân để đầu tư du lịch. Tỉnh cũng đầu tư đưa vào khai thác điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh, Châu Thành) với mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp; điểm du lịch cộng đồng Cồn Hô (xã Đức Mỹ, Càng Long) khai thác thế mạnh vườn cây ăn trái. Đồng thời, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 dự án Làng Văn hóa du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh tại ấp Ba Se A, xã Lương Hòa; thu hút đầu tư mới 6 nhà hàng đặc sản địa phương, 2 khách sạn 2 sao, 3 homestay phục vụ khách quốc tế. Xây dựng Đề án Làng Văn hóa du lịch Khmer Trà Vinh tại Khu Văn hóa du lịch ao Bà Om và vùng phụ cận thuộc huyện Châu Thành với nguồn vốn đầu tư hạ tầng khoảng 8 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn dự án SME, Trà Vinh hỗ trợ để xây dựng chuỗi giá trị du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Trà Cú và huyện Cầu Kè, trong đó tập trung hỗ trợ người dân xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa – sinh thái. Ngoài ra, tỉnh cũng đưa vào khai thác thêm 8 tour du lịch nội tỉnh và liên kết tour giữa Trà Vinh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh. Sự tập trung phát triển đúng hướng cho du lịch nông thôn đã góp phần vào kết quả xây dựng NTM chung của toàn tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng cao; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng chuyển biến rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 69/85 xã đạt chuẩn NTM; có 600/641 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa và ấp NTM, trong đó có 5 ấp đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có trên 90% hộ đạt chuẩn hộ gia đình văn hóa. Tiêu chí NTM bình quân/xã đạt 18,5 tiêu chí. Hiện tỉnh có 11 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (chiếm tỷ lệ 12,9%). Đến nay, tỉnh có 5/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây NTM gồm: Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh. Dự kiến đến cuối năm 2021, tỉnh có thêm huyện Châu Thành đạt chuẩn huyện NTM; 3 huyện Duyên Hải, Cầu Ngang và Trà Cú sẽ phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2022, 2023 và phấn đấu xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, trong thời gian tới, Trà Vinh sẽ chủ động liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành phố về du lịch trong cả nước. Đồng thời sẽ gắn du lịch Trà Vinh vào chuỗi sản phẩm du lịch cụm phía Đông, phía Tây khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch đã quy hoạch của tỉnh; huy động tối đa các nguồn vốn, khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, nhất là đối với các loại hình du lịch nông thôn, homestay…; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ cá nhân đầu tư, sản xuất các mặt hàng lưu niệm, các sản phẩm OCOP, các đặc sản vùng miền để phục vụ du khách tham quan. Hà Anh

Hải Phòng: Phát động Cuộc thi tuyên truyền các mô hình dân vận khéo tham gia xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Ngày 12/10, Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng phát động Cuộc thi Tuyên truyền các mô hình dân vận khéo tham gia xây dựng nông thôn mới năm 2021. Các đại biểu dự Lễ phát động Thời gian qua, phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã được Thành ủy Hải Phòng, các cấp ủy quan tâm lãnh đạo; hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện. Hiệu quả của phong trào góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của thành phố và các địa phương, đơn vị, tạo đồng thuận xã hội. Các phong trào đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, kết quả xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của thành phố có sự đóng góp của hàng trăm mô hình "Dân vận khéo". Các mô hình này đã huy động được sức mạnh tổng hợp cả về trí lực và vật lực của các tầng lớp nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng Lê Trí Vũ cho biết: Cuộc thi được tổ chức nhằm tôn vinh các mô hình “Dân vận khéo" tiêu biểu tham gia xây dựng nông thôn mới năm 2021. Thông qua các bài viết, tác phẩm báo chí về đề tài dân vận, Ban Tổ chức mong muốn và tin tưởng sẽ góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về ý nghĩa to lớn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, củng cố niềm tin, niềm tự hào của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; đồng thời, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Thời gian nhận bài thi từ ngày 15/10 - 30/11/2021. Các tác phẩm có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến địa chỉ: Ban Dân vận Thành ủy Hải Phòng, 128 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng hoặc qua email doanthedanvanhp@gmail.com. Trang Lê

Trang