Xây dựng nông thôn mới

Huyện Ninh Giang (Hải Dương) đạt chuẩn nông thôn mới

TĐKT - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1688/QĐ-TTg ngày 9/10/2021 công nhận huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương) đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Diện mạo nông thôn Ninh Giang đổi thay từng ngày Tính đến hết tháng 12/2020, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình trên địa bàn huyện Ninh Giang là hơn 2.576 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhân dân đóng góp, ủng hộ hơn 592 tỷ đồng chiếm trên 23% tổng vốn huy động. Toàn huyện đã xây dựng nâng cấp được hơn 835 km đường giao thông nông thôn; trong đó nhựa hóa đường trục xã, liên xã trên 127 km, đạt 95,34%; cứng hóa đường trục thôn hơn 212 km, đạt 96,74%; nâng cấp trên 250 km đường thôn xóm, đạt 96,6%; và cứng hóa hơn 175 km đường trục chính ra đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 đạt 152 triệu đồng/ha, tăng 50 triệu đồng/ha so với năm 2011. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển toàn diện theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với ứng dụng công nghệ cao và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã năm 2020 đạt trên 50 triệu đồng/người/năm, tăng 38 triệu đồng/người/năm so với năm 2011, đảm bảo các xã đều trên chuẩn… Minh Phương

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong bảo vệ môi trường ở Bình Lục

TĐKT - Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới nhiều hoạt động, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp Hội Nông dân huyện Bình Lục (Hà Nam) đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể của mình, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM kiểu mẫu, đặc biệt là tiêu chí môi trường. Xác định nông dân giữ vai trò là chủ thể trong xây dựng NTM, các cấp hội nông dân trong toàn huyện đã tích cực, chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền và trực tiếp tham gia tích cực vào phong trào xây dựng NTM trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đưa Bình Lục đạt chuẩn NTM năm 2019. Bể thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV Hàng năm, Hội đều đưa chỉ tiêu xây dựng mô hình Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn thành một trong những chỉ tiêu chính để đánh giá, xếp loại cơ sở Hội hàng năm. Từ đó, Hội Nông dân các xã, thị trấn trong huyện đã tổ chức cho các chi, tổ hội đăng ký các chỉ tiêu: Không có người vi phạm bảo vệ môi trường, không có hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp không an toàn… Đặc biệt, Hội đã phát động mô hình “Hội Nông dân thu gom, xử lý rác thải nguy hại trên đồng ruộng”, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng, nhằm tạo phong trào tham gia hưởng ứng, duy trì việc thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa hoặc tập kết tại nơi quy định, phục vụ công tác vận chuyển, xử lý theo quy trình bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng trên địa bàn. Từ một mô hình điểm tại Văn Phú, xã Mỹ Thọ năm 2018, đến nay 100% các xã, thị trấn trên địa bàn đều triển khai mô hình thu gom và xư lý rác thải nguy hại trên đồng ruộng. Hiện Hội đã vận động và lắp đặt được trên 500 bể chứa rác thải trên đồng ruộng. Tiêu biểu trong triển khai thực hiện mô hình này có Hội Nông dân xã Vũ Bản, Bồ Đề, An Đổ, Bối Cầu, Bình Nghĩa… Mỗi đơn vị lắp đặt trên 50 bể tại các cánh đồng. Các đơn vị còn lại lắp từ 20 - 30 bể. Để phát huy hiệu quả mô hình, Hội Nông dân cơ sở cũng phối hợp với các Tổ khuyến nông cơ sở, HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV thực hiện thu gom bao bì vào bể chứa theo quy định, không vứt bừa bãi gây phát tán tàn dư thuốc BVTV ra môi trường. Cũng trong quá trình triển khai mô hình bể thu gom và xử lý rác thải nguy hại đồng ruộng, Ban Thường vụ Hội đã chỉ đạo hội nông dân các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền tới hội viên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sử dụng các trang mạng zalo, facebook… Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với  HTX dịch vụ nông nghiệp, cán bộ phụ trách nông nghiệp tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh vào các giai đoạn phát triển của cây lúa và các cây trồng khác. Từ khi thực hiện mô hình, bà con đã từ bỏ thói quen vứt vỏ bao bì bừa bãi sau khi dùng thuốc BVTV tại các bờ ruộng, mương máng, ý thức bảo vệ môi trường của hội viên, nông dân đã thay đổi tích cực, góp phần cải thiện môi trường đồng ruộng, hạn chế chất thải độc hại ra môi trường. Những tuyến đường bê tông trải dài tới tận đường làng, ngõ xóm và luôn được duy trì sáng - xanh - sạch - đẹp Bên cạnh việc triển khai thực hiện hiệu quả mô hình thu gom rác thải, Hội cũng phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện đăng ký trồng các tuyến đường cây xanh tại các xã, thị trấn; chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký thực hiện các công trình đường cây; tích cực trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa. Thời gian qua, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của hội viên nông dân, nhưng nhìn chung công tác bảo vệ môi trường vẫn được các cấp hội triển khai như một cuộc vận động lớn, lan tỏa sâu rộng. Hội Nông dân các xã, thị trấn tiếp tục duy trì công tác tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm hàng tháng vào các dịp lễ lớn của đất nước, của Hội. Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Hội đã tổ chức cán bộ hội viên, nông dân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bờ dậu; thu gom được trên 5 tấn rác chở về bãi chôn rác tập trung. Các cấp Hội cũng tích cực vận động cán bộ, hội viên tích cực đào hố rác tại hộ gia đình, tham gia trồng hoa tại các tuyến đường trung tâm của xã, thị trấn.  Hội cũng duy trì hoạt động của các mô hình tổ thu gom rác thải tự quản đã đi vào hoạt động; duy trì có hiệu quả con đường xanh - sạch - đẹp “Nông dân tự quản”; triển khai mô hình “Ngày thứ 7 với dân”; xuống đường dọn vệ sinh môi trường làm điểm tại các xã, thị trấn… Đến Bình Lục hôm nay có thể nhận thấy sự chuyển biến rõ nét của một vùng quê chiêm trũng trước kia. Diện mạo nông thôn của Bình Lục ngày càng bừng sáng với những tuyến đường bê tông trải dài tới tận đường làng, ngõ xóm, luôn được duy trì sáng - xanh - sạch - đẹp; những khu vườn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát tạo nên ấn tượng về một vùng quê giàu đẹp, đáng sống. Hà Anh

Đổi thay từ phát triển giao thông nông thôn

TĐKT - Xác định được tầm quan trọng của giao thông nông thôn (GTNT), những năm qua huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp thúc đẩy nhanh quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng GTNT ngày càng hoàn chỉnh, làm cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc. Hệ thống giao thông nông thôn có nhiều đổi thay Trước đây, hạ tầng giao thông ở Tứ Kỳ còn yếu kém, chủ yếu đường đất “nắng bụi, mưa lầy”. Do đó, huyện xác định xây dựng hệ thống giao thông bảo đảm đi lại thông suốt 4 mùa là nhiệm vụ cốt lõi. Đặc biệt, khi huyện bắt tay vào xây dựng nông thôn mới và có chủ trương hỗ trợ xi măng, phong trào xây dựng và bê tông hóa GTNT trên địa bàn huyện được đẩy mạnh và ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, các địa phương trong huyện đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp, làm đường nông thôn theo quy hoạch. Từ năm 2016 - 2019, các xã đã tiếp nhận hơn 23.500 tấn xi măng được tỉnh hỗ trợ để bê tông hóa 8,3 km đường xã, 25,6 km đường thôn, 85,3 km đường xóm và 13,1 km đường trục chính ra đồng. Đến nay, 10/10 đường trục xã trong huyện với tổng chiều dài gần 34 km đã được mở rộng từ 3,5 - 7,5 m, mặt trải nhựa hoặc bê tông, đạt tiêu chuẩn đường cấp VI đến cấp V đồng bằng như: Đường 191N qua các xã Văn Tố, Phượng Kỳ, Hà Kỳ dài gần 9 km đã được cải tạo, trải bê tông, mặt đường mở rộng lên 7,5m với tổng kinh phí gần 108 tỷ đồng do Nhà nước và nhân dân cùng làm; đường 191E từ Quang Phục đi xã Bình Lãng; đường 191P từ xã Hưng Đạo đến xã Tái Sơn… Riêng giai đoạn 2015 - 2020, huyện Tứ Kỳ đã tranh thủ các nguồn lực, đầu tư khoảng 400 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp các tuyến đường do huyện quản lý. Cùng với phát triển giao thông các đường trục liên xã, các đường thôn, xóm trên địa bàn đều được đổ bê tông, cứng hóa, bảo đảm sạch sẽ, giúp người dân đi lại thuận tiện. Toàn huyện hiện có 116,5 km đường đi ra đồng được bê tông hóa, cứng hóa với chiều rộng mặt đường từ 3 m trở lên. Chị Nguyễn Thị Huyên (xã An Thanh) vui mừng chia sẻ: Trước đây, các trục đường của xã đều là đường đất, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, các em học sinh đi tới trường luôn lấm lem bùn đất. Từ khi có chủ trương xây dựng NTM, Nhà nước và nhân dân cùng góp sức, đến nay 100% các tuyến đường trong xã được bê tông hóa, rộng rãi, đi lại rất thuận tiện, an toàn”. Có thể thấy, từ một địa phương có mạng lưới giao thông kém phát triển, giờ đây Tứ Kỳ đã có hệ thống giao thông phát triển đa dạng, đồng bộ. Địa phương có nhiều tuyến đường bộ huyết mạch của khu vực đi qua như ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 10, quốc lộ 37. Ngoài ra, đường tỉnh qua địa bàn huyện cũng có 56 km (gồm 21 km đường gom đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, 30,8 km đường tỉnh 391, 4,2 km đường tỉnh 392). Các tuyến giao thông kết nối với nhau tạo ra diện mạo mới và là động lực to lớn thúc đẩy kinh tế địa phương ngày một phát triển. Nhiều khu, cụm công nghiệp dọc các tuyến đường tỉnh 391, 392, đường huyện, liên xã đã, đang và chuẩn bị hình thành, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Khi những tuyến đường này hoàn thành sẽ càng tạo ra nhiều lợi thế, giúp huyện khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tại, các địa phương trong huyện đã hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đang tích cực huy động nguồn lực, vận động nhân dân hiến đất mở đường hướng tới xây dựng NTM nâng cao. Riêng xã An Thanh đang triển khai giai đoạn 1 dự án cải tạo, nâng cấp đường trục xã dài 1,8 km từ cống T1 về trụ sở UBND xã. Dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm nay. Một số đường trục các xã Ngọc Kỳ, Quang Khải... cũng đang được đầu tư mở rộng, hướng tới mục tiêu về đích NTM nâng cao trong thời gian sớm nhất. Tùng Chi

Thắp sáng đường quê, thắp sáng tương lai

TĐKT- Thời gian qua, mô hình “Thắp sáng đường quê” là một trong những mô hình đem lại hiệu quả thiết thực trong phong trào thi đua Cả nước chung sứcxây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng). Việc triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình này đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở các khu dân cư, tạo điều kiện để bà con nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, NTM văn minh, hiện đại. Hệ thống đèn điện chiếu sáng ở Phú Mỹ Thực hiện chủ trương của huyện Mỹ Tú về triển khai mô hình “Thắp sáng đường quê”, Phú Mỹ đã tích cực vận động các hộ gia đình trong thôn tham gia đóng góp cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của xã để tiến hành lắp đặt bóng chiếu sáng, hệ thống dây điện, cột điện và công tơ tự ngắt. Ông Thạch Khem Ra, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phú Mỹ cho biết: Phú Mỹ là một xã nông thôn vùng sâu, với hơn 90% số dân là người đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vậy khi mới bắt tay vào triển khai mô hình, một số hộ gia đình trong xã cũng đã có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên,chi bộ đã phối hợp với các đoàn thể trong xã tích cực tuyên truyền, vận động để bà con nhân dân hiểu và đồng tình ủng hộ từ phương án lắp đặt bóng đèn, cột điện, dây điện, mức đóng góp, đối tượng miễn giảm, cách quản lý vận hành và cử người giám sát thi công... Sau khi được tuyên truyền, vận động nhiều hộ dân đã thay đổi nhận thức, tích cực tham gia góp công, góp của để triển khai thực hiện. Ánh điện đã giúp người dân thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm, cùng nhau đoàn kết xây dựng Phú Mỹ ngày càng đổi mới. Từ mô hình “Thắp sáng đường quê” đầu tiên được thực hiện vào cuối năm 2017 tại ấp Béc Tôn với chiều dài gần 2km, gồm 92 bóng đèn với tổng số tiền là trên 100 triệu đồng do người dân địa phương đóng góp, đến nay trên địa bàn xã Phú Mỹ cơ bản có 6 mô hình thắp sáng đường quê ở 6/7 ấp, chiều dài khoảng 16km, với gần 750 bóng đèn được thắp sáng, tổng chi phí thực hiện gần 920 triệu đồng. Trong đó, có 4 mô hình năng lượng mặt trời gồm 231 trụ bóng đèn, chiều dài gần 7km ở các ấp Phú Tức, Bưng Cóc, Sóc Xoài và Tá Biên. Ông Thạch Sơ Ranh, ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ vui mừng chia sẻ: Trước kia tuyến đường liên ấp nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, tối tăm về đêm, bà con có việc về khuya luôn lo lắng, bởi con đường tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhưng từ khi có điện sáng, hình ảnh các con đường vào ấp thay đổi hẳn vào ban đêm, không chỉ thuận tiện cho người dân chúng tôi đi lại, thể dục thể thao, giảm thiểu tai nạn giao thông mà an ninh trật tự ấp được đảm bảo, tai nạn giao thông giảm hẳn. Theo ông Thạch Khem Ra, để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, vận hành, bảo dưỡng hệ thống đèn đường, cũng như tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã đã chủ trương phân công các đoàn thể xã như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên phụ trách quản lý từng mô hình ở từng ấp. Chia sẻ về thành công ban đầu từ mô hình này, ông Thạch Khem Ra cho biết: Khi Đảng ủy, UBND xã thống nhất thực hiện mô hình thắp sáng đường quê, chúng tôi đã tổ chức xin ý kiến nhân dân và tiến hành họp bàn công khai, dân chủ các nguồn kinh phí xây dựng. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, đoàn thể xã, ấp tiến hành rà soát về vị trí, số lượng bóng đèn cần lắp đặt. Ở các ấp đặc biệt khó khăn, nhiều hộ nghèo, cận nghèo, khó xã hội hóa, chúng tôi đẩy mạnh vận động các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm gần xa đóng góp… Từ công trình đầu tiên đến những công trình kế tiếp, phong trào “Thắp sáng đường quê” trên địa bàn xã Phú Mỹ luôn nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, sức lan tỏa ngày càng mạnh mẽ”. Có thể thấy mô hình “Thắp sáng đường quê” ở Phú Mỹ như luồng gió mới làm đổi thay cuộc sống người dân xã vùng sâu với điều kiện còn nhiều khó khăn. Trước đây, những con đường liên ấp, liên xã chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, người dân rất ngại ra đường vào buổi tối. Nhưng giờ đây, có điện sáng, người dân thường xuyên sang nhà nhau để trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế, thắt chặt tình đoàn kết làng xóm. Ánh điện không những xua tan bóng tối, xua đi những tệ nạn xã hội luôn có nguy cơ rình rập, đe dọa cuộc sống của người dân mà còn khẳng định sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Mỹ trong việc chung sức, đồng lòng xây dựng NTM. Tuệ Minh

Phụ nữ Trấn Yên tích cực, sáng tạo tham gia xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Thời gian qua, để góp phần thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) của địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) đã tích cực triển khai các phong trào thi đua phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Mô hình vườn hoa phụ nữ tại xã Việt Thành Đồng chí Bồ Thị Hoa, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trấn Yên cho biết: Hội LHPN huyện Trấn Yên hiện có 23 cơ sở Hội với 190 chi hội trực thuộc với tổng số hội viên là hơn 17.500 người. Để góp phần thực hiện thành công phong trào, hàng năm, các cấp hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hiến đất, góp công, góp sức thực hiện bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, liên xã; nhận bảo vệ các tuyến đường tự quản; giúp đỡ hội viên phụ nữ nghèo thoát nghèo; vệ sinh môi trường, tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.. Trong giai đoạn 2016 - 2021, hội viên phụ nữ đã luôn phát huy và khẳng định vai trò là một trong những lực nòng cốt trong thực hiện phong trào xây dựng NTM. Lực lượng phụ nữ từ huyện đến xã, các thôn bản từ vùng thấp đến vùng cao đều ra sức thi đua xây dựng các tiêu chí NTM. Ngoài ra, chị em phụ nữ trong các cơ quan Nhà nước cũng tích cực hưởng ứng bằng các phong trào cụ thể trong cơ quan, đơn vị mình. Điển hình như: Phụ nữ ngành Giáo dục và Đào tạo đã không ngừng nghiên cứu, đổi mới trong giảng dạy, thực hiện tốt các phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt”, “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Chị em phụ nữ ngành Y tế với phương châm “Sáng y đức, giỏi chuyên môn”, đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong phòng, chống dịch bệnh Covid -19. Đặc biệt, xác định phát triển kinh tế, giảm nghèo, tăng thu nhập cho hội viên là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần xây dựng NTM, Hội đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho chị em hội viên, xây dựng các mô hình kinh tế góp phần giúp chị em phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Từ năm 2016 đến nay, Hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn cho hàng ngàn hội viên vay vốn với tổng dư nợ hơn 110 tỷ đồng. Các nguồn vốn vay đã giúp cho chị em, nhất là chị em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Qua đó, đã giúp 315 hộ phụ nữ thoát nghèo; giúp cho trên 300 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 2,11%. Song song với đó, Hội còn chỉ đạo các chi hội vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ hội, thành lập và duy trì các tổ tiết kiệm vay vốn giúp nhau giảm nghèo bền vững. Thông qua các hình thức tiết kiệm khác nhau, hội viên phụ nữ đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. “Các cấp Hội còn tích cực vận động chị em cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; 100% cơ sở Hội đều có điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 500 đến 1 tỷ đồng/năm trở lên. Hội viên phụ nữ trong huyện còn mạnh dạn đổi mới hình thức làm ăn theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm mới cho hội viên phụ nữ. Hiện nay, toàn huyện đã có có 37 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, thu hút trên 50% lao động nữ” - bà Hoa chia sẻ. Cùng với tuyên truyền hội viên tham gia đẩy mạnh phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện cũng tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia giữ gìn, vệ sinh môi trường với phương châm “sạch nhà, sạch ngõ” gắn với cuộc vận động “5 không, 3 sạch” bằng nhiều việc làm cụ thể như: Vận động hội viên đóng góp công sức, kinh phí làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, thắp sáng đường quê, trồng cây xanh, phát quang bụi rậm, nạo vét kênh mương, hạn chế sử dụng túi ni lông...  Theo đánh giá của bà Hoa, xác định xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của địa phương. Do đó, Hội đã thực hiện gắn các tiêu chí xây NTM với tiêu chí thi đua và nhiệm vụ trọng tâm công tác hội hàng năm. Nhờ triển khai hiệu quả các hoạt động, phong trào đã và đang lan tỏa sâu rộng trong các chi hội phụ nữ. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì 190 đoạn đường phụ nữ tự quản bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp; 56 mô hình chi hội phụ nữ “5 không 3 sạch”; xây dựng 650 tuyến đường hoa; 720 nhà sạch vườn đẹp; xây dựng hơn 30.000 hố rác; 40 tuyến đường điện thắp sáng đường quê với tổng chiều dài hơn 40 km… Cũng theo bà Hoa trong thời gian tới, Hội LHPN phấn đấu mỗi năm giúp 21 hộ hội viên thoát nghèo; hỗ trợ nâng cao năng lực cho đối tượng phụ nữ là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã. Hội cũng sẽ vận động, hỗ trợ để thành lập mới 3 doanh nghiệp, hợp tác xã có phụ nữ tham gia quản lý. Hàng năm, Hội sẽ vận động, hỗ trợ 30 hộ gia đình đạt tiêu chí gia đình “5 không, 3 sạch”; mỗi cơ sở Hội sẽ đăng ký và thực hiện 1 công trình, phần việc góp phần duy trì xã NTM, xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu…, góp phần đưa huyện Trấn Yên trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo lộ trình đã đề ra. Tùng Chi

Xóm Bến: Điểm sáng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

TĐKT - Đạt các tiêu chí xóm nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu từ giữa năm 2018, xóm Bến, xã Đắc Sơn, thị xã Phổ Yên hiện là lá cờ đầu về xây dựng NTM của tỉnh Thái Nguyên. Xuất phát điểm từ xóm nghèo thuần nông, vị trí phát triển không thuận lợi, diện mạo xóm Bến đã thay đổi hoàn toàn từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, dân sinh. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi luôn được quan tâm. Các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao được ưu tiên đầu tư phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Diện mạo nông thôn đã được thay đổi rõ rệt. Bản sắc văn hóa dân tộc vẫn được giữ gìn và phát huy. Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố; cấp ủy chi bộ, mặt trận, các đoàn thể được kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trình độ dân trí, ý thức cộng đồng và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngày càng giữ vững ổn định. Cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện rõ nét. Nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang từ nguồn vốn đóng góp của nhân dân Một trong những bài học kinh nghiệm quý báu khi thực hiện xây dựng NTM ở xóm Bến là luôn bám sát kế hoạch, nhận định trước những thuận lợi, khó khăn, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ những hạn chế, vướng mắc, biết chọn thời cơ, thời điểm thích hợp, tập trung mở nhiều cao điểm với những công trình, phần việc và thời gian cụ thể. Từ đó, tạo thành nhiều phong trào, thu hút nhiều lực lượng tham gia. Xóm chủ động chọn những tiêu chí dễ, những tiêu chí không cần đầu tư nhiều vốn để làm trước, đặc biệt là những tiêu chí bức xúc, nhóm tiêu chí có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Xác định nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, xóm đã chủ động triển khai công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau: Thông qua các cuộc họp thôn, xóm; in và niêm yết bộ tiêu chí xây dựng NTM và NTM kiểu mẫu tại hội trường, nhà văn hóa thôn để nhân dân biết, tổ chức thực hiện… Cán bộ, đảng viên luôn tiên phong, gương mẫu đi trước, làm trước, đồng thời gần gũi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nên đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền. Từ đó đã khuyến khích, động viên người dân hăng hái tự nguyện tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng NTM kiểu mẫu. Từng hộ gia đình và mỗi người dân luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, thực hiện tốt vai trò chủ thể trong các phong trào, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Xóm Bến đã vận động nhân dân hiến hơn 25.156 m2 đất, đóng góp hàng trăm ngày công lao động; cứng hóa đạt chuẩn 2.430 m đường trục xóm, liên xóm; cứng hóa 4.920 m đường ngõ xóm; cứng hóa đạt chuẩn 810 m đường nội đồng; xây dựng được 2.100 m mương nội đồng phục vụ cho công tác sản xuất; xây dựng khu văn hóa - thể thao với 293 m2 nhà văn hóa, 200 m2 khu phụ trợ, 1.700m2 khu vui chơi; đầu tư hệ thống đèn chiếu sáng công cộng tại các trục đường qua khu dân cư tập trung với chiều dài 6,7 km; xây dựng 13.700 m tường rào bê tông, 10 cổng chào; vận động người dân trồng hàng rào cây xanh, trồng cây cảnh, hoa kiểng trong khuôn viên gia đình… Tổ tự quản của xóm hoạt động hiệu quả, thường xuyên quản lý, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường theo quy định. Ban phát triển thôn có đăng ký và thực hiện "Đoạn đường xanh, sạch, đẹp", đã cắm mốc lộ giới đầy đủ theo quy hoạch. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xóm Bến đã cán đích NTM kiểu mẫu vào năm 2018. Để tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới, Ban phát triển xóm sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác tuyên truyền, vận động đến mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, duy trì và nâng cao các tiêu chí, tiến tới xây dựng xóm Bến đạt chuẩn NTM kiểu mẫu bền vững. Minh Phương

Thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 1666/QĐ-TTg ngày 5/10/2021 công nhận thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Người dân xã An Khang (TP Tuyên Quang) tiên phong đưa giống nho Hạ Đen vào trồng cho thu nhập vụ đầu đạt 70 - 90 triệu đồng/sào. Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thành phố Tuyên Quang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Qua 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay, thành phố Tuyên Quang đã có bước phát triển khá toàn diện: Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa; 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,9%. Đáng chú ý, thành phố đã tập trung nguồn lực hỗ trợ cho phát triển sản xuất hàng hóa, đổi mới quy mô, phương thức sản xuất để các xã nâng cao tiêu chí thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Vận động nhân dân thành lập các tổ sản xuất, tổ hợp tác để cùng phát triển, hướng tới sản xuất hàng hóa theo chuỗi. Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực như bưởi xã Thái Long, mật ong xã An Khang, cá đặc sản, ba ba xã Tràng Đà, phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm ổi trên địa bàn xã Kim Phú… Nhờ đó, tới nay, thu nhập bình quân đầu người của các xã nông thôn mới đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Cơ sở vật chất văn hóa được quan tâm đầu tư theo quy hoạch. 5/5 xã có nhà văn hóa và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao. An ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hiện nay, thành phố không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Trang Lê

Sức sống mới ở Phước Thuận

TĐKT - Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2015, xã Phước Thuận (Ninh Phước, Ninh Thuận) luôn chú trọng nâng chất lượng trong thực hiện các tiêu chí để xây dựng xã NTM nâng cao. Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn xã, đến nay diện mạo của xã NTM nâng cao đã dần hiện hữu ở địa phương này. Ông Huỳnh Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận cho biết: Dù không là xã nằm trong kế hoạch 11 xã điểm xây NTM giai đoạn 2011 - 2015 nhưng với sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Phước Thuận đã về đích NTM năm 2015. Tuy nhiên, không bằng lòng với thành tích đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phước Thuận tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến đến xây dựng xã NTM nâng cao. Vườn nho đen ở xã Phước Thuận Qua 5 năm thực hiện phong trào, Phước Thuận đã hoàn thành 5 tiêu chí (24 chỉ tiêu) của xã NTM nâng cao. Trong thời gian này, xã đã huy động hơn 57,7 tỷ đồng cho xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 18,84 tỷ đồng (chiếm 32,66%); vốn của ngân sách tỉnh là 15,72 tỷ đồng (chiếm 27,25%); vốn ngân sách huyện 14,65 tỷ đồng (chiếm 25,4%) và huy động từ nhân dân thông qua việc hiến đất, công lao động… là 3,4 tỷ đồng (chiếm gần 6%). Từ nguồn vốn trên, xã đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của nhân dân. Các tuyến đường trục thôn và đường liên thôn bê tông hóa đạt 22,91/26,4 km toàn xã, tăng 8 km so với năm 2015 và 18,7 km đường có điện chiếu sáng. Đường làng, ngõ xóm bê tông hóa đạt 9,9/13,4 km, tăng gần 8 km so với năm 2015. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn xã cũng từng bước được hoàn thiện theo đúng quy hoạch. Xã cũng vận động người dân góp công, góp sức xây dựng đường hoa Hoàng Yến dọc tuyến đường 708 với 500 cây; xây dựng sân trường, tường rào và các công trình phụ của các trường học; xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Phú Nhuận; chỉnh trang ao sen đình Vạn Phước; bê tông hóa đường nội thôn, kênh mương; đóng góp tiền xử lý vệ sinh môi trường, hỗ trợ lực lượng an ninh xung kích… Tuyến đường được lắp camera an ninh Cũng trong 5 năm qua, đã có hơn 400 hộ xây dựng nhà mới, hơn 500 hộ sửa chữa nhà, đảm bảo 98,7% hộ dân có nhà ở đạt chuẩn theo quy định. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, Phước Thuận cũng đặc biệt chú trọng đến việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ông Du, để thực hiện được mục tiêu này, xã đã có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất của địa phương. Trong đó, xã chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, hình thành các liên minh sản xuất, thu hút các dự án về nông nghiệp để hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, vận động người dân học nghề, tạo việc làm. Nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao được xã áp dụng như: Mô hình sản xuất nho an toàn ứng dụng kỹ thuật theo chuẩn VietGAP; mô hình sản xuất và chế biến thịt dê, thịt cừu rút xương, thịt dê viên, thịt dê sấy… Trong đó, có những sản phẩm tạo được uy tín, thương hiệu như: Siro nho Phan Rang, rượu Brandy Ba Mọi của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ba Mọi; vang nho Thiên Thảo; nho khô Phan Rang; thịt cừu xông khói của cơ sở kinh doanh Triệu Tín… Phước Thuận cũng là địa phương đi đầu trồng táo, trồng nho giăng lưới chắn côn trùng với diện tích 47 ha, thu hút trên 190 hộ tham gia. Mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp làm du lịch vườn được thực hiện tại thôn Phước Khánh với diện tích 30,8ha, thu hút 131 hộ tham gia. Mô hình cánh đồng lớn được thực hiện trên cây lúa tổng diện tích 324ha với .053 hộ, được nhân rộng diện tích toàn xã. Việc thực hiện hiệu quả chương trình NTM nâng cao và các chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đã giúp người dân địa phương có thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 49,24 triệu đồng, tăng 25,94 triệu đồng so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,36% theo tiêu chí mới. Phước Thuận là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong toàn huyện. Theo ông Du, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu năm 2025, trong thời gian tới, Phước Thuận sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đề án phát triển sản xuất, hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác, các mô hình, các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo môi trường và phát triển văn hóa - xã hội. Đồng thời, xã sẽ tích cực huy động nguồn lực đầu tư để nâng cấp các công trình giao thông, thủy lợi, điện, kho chứa, điểm tập kết và tiêu thụ nông sản đáp ứng hiệu quả nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và kết nối giữa các nội vùng, liên vùng… Bảo Linh

Lan tỏa mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở Thăng Bình

TĐKT - Để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) đã và đang tập trung chỉ đạo xây dựng điểm mô hình “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” tại các thôn điểm của huyện. Nhờ sự nỗ lực, đồng thuận từ chính quyền đến người dân, Thăng Bình dần hình thành các khu dân cư, vườn mẫu mang dáng vóc mới, tạo sức bật giúp huyện tiếp tục nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM. Bộ mặt nông thôn Hiệp Hưng (xã Bình Hải, huyện Thăng Bình) thay đổi từng ngày Là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn Hiệp Hưng (xã Bình Hải) đã đạt chuẩn các tiêu chí vào năm 2020 (sau 4 năm triển khai thực hiện). Theo ông Phạm Tam, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Hiệp Hưng cho biết: Để sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn Hiệp Hưng đã tiến hành rà soát và đánh giá tổng thể để xem xét, cân nhắc các bước trong quá trình thực hiện. Thực hiện Nghị quyết của chi bộ, các tổ chức đoàn thể ở khu đều đăng ký thực hiện một việc làm thiết thực như: Chi hội phụ nữ đảm nhiệm vệ sinh môi trường; chi hội cựu chiến binh đăng ký trồng cây, trồng hoa xây dựng cảnh quan; chi hội nông dân tập trung phát triển mô hình sản xuất cây con, rau quả sạch; chi đoàn thanh niên phụ trách phong trào văn hóa - văn nghệ - thể dục thể thao... Cùng với đó, khu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, quan điểm lãnh đạo xuyên suốt đó là huy động sự đồng tình, tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thôn; tiêu chí nào dễ thì làm trước, tiêu chí khó làm sau; việc nào thuộc về hộ gia đình thì gia đình đảm nhiệm; việc nào thuộc tập thể thì phát động toàn dân và con em quê hương làm ăn ở xa cùng chung tay xây dựng. Đến nay, đường trục chính của thôn có 4,3 km đã nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%. Các tuyến đường trục thôn có mặt đường sạch, không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%. Hai bên đường trục thôn đã trồng cây sao đen, phượng đạt 90%. Cũng theo ông Tam, toàn thôn có 256 hộ đã thực hiện chỉnh trang vườn nhà, đạt 87,97%, trong đó, có 18 hộ xây dựng mô hình vườn mẫu. 100% hộ dân có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường. 287 hộ có nơi để dụng cụ sản xuất, thiết bị máy móc và vật tư nông nghiệp an toàn, gọn gàng, đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt tỷ lệ 100%. Toàn thôn hiện có 266 hộ có hàng rào, cổng ngõ được xây dựng, cải tạo sạch đẹp, hài hòa với cảnh quan làng quê, đạt tỷ lệ 91,41%. Tỷ lệ nhà ở dân cư đạt tiêu chuẩn, đạt 99,66%. Một đơn vị tiêu biểu trong phong trào phải kể đến là thôn An Phước (xã Bình An). Ông Lê Trung Đình, Trưởng thôn An Phước cho biết: Thôn An Phước bắt tay vào xây dựng mô hình từ năm 2017, khi đó thôn chỉ đạt được 3 tiêu chí, 7 tiêu chí còn lại chỉ đạt 40 – 50 %. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, lĩnh vực dễ làm trước, khó làm sau, việc chung thì huy động tập thể, việc riêng thì tuyên truyền đến từng gia đình, người dân thôn dần nhận thức và hưởng ứng nhiệt tình. Riêng các khoản về xây dựng giao thông nông thôn và lắp điện thắp sáng đường quê, người dân đã đóng góp trên 830 triệu đồng. Mô hình vườn mẫu thanh long kết hợp với tiêu ở thôn An Phước Từ khi bắt tay vào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, 100% các trục đường thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm đều được bê tông hóa, trồng hoa, cây xanh bóng mát, làm vệ sinh sạch sẽ vào mỗi tháng. Nhà cửa, vườn cây, tường rào, cổng ngõ của bà con trong khu luôn sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng. “Hiện thu nhập bình quân đầu người tại thôn An Phước là 45,4 triệu đồng/người/năm. Thôn chỉ còn 6 hộ nghèo. Đây là các hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, chiếm tỷ lệ 1,44%” - ông Đình cho biết. Có thể thấy, phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu trên địa bàn huyện Thăng Bình bước đầu đã đạt nhiều kết quả khả quan. Phong trào đã tạo điều kiện tối đa cho người dân phát huy vai trò chủ thể của mình, tạo động lực trực tiếp cho người dân và cộng đồng dân cư tham gia, bởi lợi ích thiết thực, thiết thân mang lại. Kinh tế hộ gia đình phát triển, môi trường sống được cải thiện, tình làng, nghĩa xóm gắn kết mật thiết hơn. Từ đó đã tạo ra diện mạo mới cho khu vực nông thôn và cộng đồng dân cư, tạo ra xã đạt chuẩn NTM thuyết phục và bền vững hơn. Tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được, Thăng Bình sẽ tiếp tục thực xây dựng thành công mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu theo lộ trình đã đề ra. Hà Anh

Trường Yên quyết tâm về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021

TĐKT- Với phương châm “Nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, ngay sau khi đón nhận xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2015, xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí với đích đến là NTM nâng cao, kiểu mẫu. Bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, UBND xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết với mục tiêu đề ra là xây dựng NTM xã Trường Yên phát triển, bảo đảm tính hiện đại và bền vững, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; cảnh quan môi trường thường xuyên xanh - sạch - đẹp; nếp sống văn minh, tiến bộ, giàu bản sắc truyền thống; an ninh trật tự, an toàn, bình yên; kinh tế phát triển, bền vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Bộ mặt nông thôn Trường Yên ngàng càng khởi sắc Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của phong trào, xã chú trọng đẩy mạnh công tác với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, như: Tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, thông qua trang thông tin sinh hoạt nội bộ hàng tháng, tọa đàm chi hội, chi bộ, qua hệ thống truyền thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử, hệ thống băng rôn, biển hiệu… đều được khai thác nhằm đạt mục đích lan tỏa nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chỉ đạo chung. Xã cũng tổ chức các buổi tham quan thực tế về mô hình, điển hình tiên tiến trong và ngoài tỉnh. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, trong 5 năm (2016 - 2020), xã đã huy động được 646.462,23 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 600.624 triệu đồng (chiếm 92,91%). Với nguồn vốn huy động được, xã tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả yêu cầu về sản xuất, đời sống dân sinh của nhân dân. Hiện, các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đều được bê tông hóa, nhựa hóa, lắp đèn chiếu sáng, biển cảnh báo, biển chỉ dẫn phục vụ cho sản xuất và dân sinh. Xã có 3/3 trường của 3 cấp học đều công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Xã cũng đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa - khu thể thao của xã và 16 thôn; các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, di tích lịch sử trên địa bàn xã thường xuyên được trùng tu, tôn tạo... Song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng, xã cũng đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được xã quan tâm, đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa kết hợp với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. UBND xã đã quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với sản phẩm chủ lực của xã, như: Sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ ở Hợp tác xã (HTX) Thắng Thành, HTX Xuân Sơn; mô hình nuôi cá rô Tổng Trường, trồng sen nhật với 7ha ở HTXChi Phong; trồng măng tây; trồng lúa thương phẩm; mô hình cấy lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ đảm bảo sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, nhằm thực hiện mục tiêu tăng hộ khá, giảm hộ nghèo, Trường Yên cũng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Xã đã chủ động tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để nhân dân vay phát triển kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ giống, vốn ban đầu để các hộ khó khăn tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, như: Hỗ trợ lợn giống, hỗ trợ bò, hỗ trợ gà, cho vay vốn … Đồng thời, xã cũng tích cực huy động các nguồn lực hỗ trợ kinh phí cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn hàng năm nhân dịp lễ, tết. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của trên địa bàn xã giảm từng năm. Nếu như năm 2016 xã có 235 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,01%),đến nay, Trung Yên đã không còn hộ nghèo (trừ 44 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội). Cùng với việc phát triển kinh tế, xã cũng quan tâm đến đời sống tinh thần của người dân. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được xã chú trọng. Xã có 16/16 thôn có câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ, câu lạc bộ thể thao hoạt động thường xuyên, đã thu hút  trên 70% số người dân tham gia. Công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường luôn được quan tâm; nhân dân tích cực tham gia xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường như: Mô hình tuyến đường sáng, xanh, sạch; tuyến đường tự quản; mô hình nhà sạch, vườn đẹp, xây dựng đường hoa, đường cây bóng mát...  Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, 5 năm liền Đảng bộ xã Trường Yên đều được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; các đoàn thể đều đạt loại tốt trở lên, trong đó có 3 đoàn thể đạt loại xuất sắc; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Với những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, đến nay, xã Trường Yên đã cơ bản hoàn thành 14/14 tiêu chí trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó đạt 12 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cơ bản đạt, gồm quy hoạch và giao thông. Tin rằng với hướng đi đúng đắn, cùng tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng của nhân dân và cán bộ nơi đây, Trường Yên sẽ về đích trong năm 2021 như mục tiêu đề ra. Bảo Linh

Trang