Hà Nội thi đua ái quốc

Khắc tinh của các ổ nhóm trộm cắp, tín dụng đen

TĐKT – Gần 15 năm công tác ở Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội), trưởng thành từ một trinh sát cho đến Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS), Thiếu tá Lê Trọng Hiếu đã cùng đồng đội đấu tranh, triệt phá hàng trăm vụ án lớn nhỏ, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự cho một trong những địa bàn nóng của Thủ đô. Năm 2018, anh vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến công hạng Ba; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ công an, Giấy khen của Giám đốc Công an Hà Nội; Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu. Với Thiếu tá Lê Trọng Hiếu, gần 15 năm trong nghề, không có ngày nào giống ngày nào, các anh liên tiếp nhận được các thông tin trình báo, mật báo về các vụ án. Án này chưa xong, đã xảy ra án khác. Có những bữa cơm nâng lên chẳng kịp ăn, nhiều đêm phơi mình giữa trời giá rét, sống ở đơn vị nhiều hơn gia đình.  “Nếu không tâm huyết, những người lính hình sự chẳng thể đeo đuổi nghề.” – Anh Hiếu chia sẻ. Lê Trọng Hiếu đầu quân vào làm việc tại Tổ án mờ, Đội CSHS, Công an quận Đống Đa năm 2015, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân. Là con nhà nòi, lại thông minh, nhanh nhẹn, cộng với bản tính ham học hỏi ở những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm đi trước, chàng chiến sĩ trẻ nhanh chóng trưởng thành, tham gia phá nhiều chuyên án phức tạp. Thiếu tá Lê Trọng Hiếu (bên trái) đang trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ với đồng nghiệp Nhớ lại chuyên án đầu tiên mà anh cùng với các đồng đội đánh phá thành công, anh bảo đó là chuyên án phá đường dây trộm cắp, tiêu thụ tài sản năm 2006, khi anh mới 23 tuổi. “Liên tục 3 tháng trời, ngày nào tôi cùng với hơn 20 cán bộ chiến sĩ khác cũng làm việc 24/24 giờ, kiên trì lần theo dấu vết các đối tượng trong đường dây, thu hồi tang vật, củng cố tài liệu chứng cứ chứng minh tội danh của các đối tượng. Hễ có thông tin là lập tức lên đường, chẳng kể ngày nắng hay đêm mưa lạnh. Kết quả là chuyên án được phá thành công, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa sau đó đã khởi tố 30 bị can liên quan đến đường dây nói trên, thu về hơn 100 xe máy các loại.” - anh Hiếu cho biết. Thành công ấy như nguồn động viên, tiếp thêm nghị lực để Lê Trọng Hiếu tiếp tục điều tra, phá thành công thêm hàng trăm vụ án khác. Tính riêng trong năm 2018, anh cùng đồng đội đã triệt phá 15 ổ nhóm trộm cắp và tiêu thụ tài sản trái phép, bắt giữ hơn 20 đối tượng. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, tình trạng tín dụng đen trên địa bàn quận Đống Đa phát triển ngày càng công khai, biểu hiện là những hành vi: Xiết nợ, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, cướp, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật; khủng bố bằng các hình thức đổ chất thải, bom xăng, đặt vòng hoa tang…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự, gây bức xúc trong một bộ phận quần chúng nhân dân. Thiếu tá Lê Trọng Hiếu đã chủ động cùng các cán bộ, chiến sĩ rà soát toàn bộ địa bàn, nắm bắt rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này; đồng thời phối hợp với ngân hàng; áp dụng công nghệ cũng như các biện pháp nghiệp vụ để triệt phá thành công nhiều ổ nhóm tín dụng đen, mang lại niềm tin cho bà con nhân dân. Từ những thông tin rời rạc về một vụ tai nạn xảy ra năm 2016, anh và đồng đội đã điều tra, triệt phá thành công một nhóm chuyên cho vay nặng lãi, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Kể về vụ việc đó, Thiếu tá Lê Trọng Hiếu vẫn nhớ như in: Đêm 29/7/2016, Công an phường Láng Thượng nhận được tin báo của người dân có một nạn nhân rơi từ tầng 3 nhà số 866 đường Láng xuống đường. Tuy nhiên, tại hiện trường chỉ có một vũng máu, không thấy nạn nhân và xung quanh cũng không có ai. Ngay sau đó, Công an phường Láng Thượng đề nghị Đội CSHS cùng vào cuộc điều tra làm rõ. Thiếu tá Lê Trọng Hiếu có mặt tại hiện trường, tiếp nhận vụ án. Qua quan sát và bằng nghiệp vụ chuyên môn của mình, anh Hiếu nhanh chóng xác định và dựng được chân dung nạn nhân Phan Văn Tuyên – thành viên 1 nhóm chuyên cho vay nặng lãi; đồng thời tìm ra “ông chủ” của nhóm cho vay nặng lãi này là Vũ Quang Hùng, hiện đang thuê căn nhà số 4 Văn Cao, phường Liễu Giai, quận Ba Đình để ở và cũng là nơi giao dịch cho vay tài chính. Hùng đã thuê người bắn rồi đánh Tuyên vì dám cả gan tiêu mất số tiền mà Hùng giao đi thu “họ”. Đến nhà Hùng, lực lượng làm nhiệm vụ chỉ thu được vài tờ giấy vay nợ nhỏ lẻ, không phát hiện điều gì bất thường cũng như không tìm được bằng chứng nào xác thực về việc Hùng thuê người nổ súng bắn và đánh Tuyên. Tuy nhiên, bằng sự nhạy bén và tinh thông về nghiệp vụ, Thiếu tá Lê Trọng Hiếu đã phát hiện ra rằng: Căn nhà Hùng trú ẩn bên ngoài có hình tam giác, nhưng khi khám xét căn phòng tầng 2 lại vuông vắn bởi một bức vách, có treo một bức tranh khá đẹp; bên ngoài ngôi nhà ở góc tầng 2 lại có một lỗ nhỏ nham nhở. Chi tiết nhỏ ấy đã lật tẩy căn phòng hình tam giác - kho vũ khí bí mật của Hùng. 11 khẩu súng, hàng nghìn viên đạn các loại cùng 26 bình khí còn nguyên vẹn; 9 dao, 6 kiếm, 1 rìu, 2 dùi cui bằng nhựa, 1 nỏ bắn tên, 1 túi nilon chứa 1,368 gr ma túy tổng hợp; 11,740 gr chất dẻo màu nâu đen; 438 giấy tờ liên quan việc cho vay nợ (với tổng số tiền khoảng 4,8 tỷ đồng); 43 chứng minh thư; 17 sổ hộ khẩu; 6 hộ chiếu cùng một số tài sản, đồ vật khác…đã bị công an thu giữ. Hùng cúi đầu nhận tội, bị tuyên án 19 năm tù. Với chiến công ấy, Thiếu tá Lê Trọng Hiếu đã được tặng Huân chương chiến công hạng Ba. Tâm sự với chúng tôi, Thiếu tá Hiếu bảo rằng, mỗi tấm huy chương, bằng khen, giấy khen là thành quả của cả một tập thể cán bộ chiến sĩ đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ vì một mục đích chung là sự bình yên của nhân dân. Song động lực chính để mỗi cán bộ chiến sĩ tiếp tục lựa chọn dấn thân với nghề; chấp nhận những hy sinh, thiệt thòi lại là sự bình yên của từng con ngõ, khu phố, là những nụ cười hạnh phúc trong những ngôi nhà sáng đèn của bà con nhân dân. Anh Nguyễn Đức Long, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa nhận xét: Thiếu tá Lê Trọng Hiếu là một trong những tấm gương sáng luôn gương mẫu, mưu trí trong thực hiện nhiệm vụ. Anh đã cùng với đồng đội của mình đã xây dựng nên một tập thể trẻ vừa gắn bó, đoàn kết lại vừa giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, lập được nhiều chiến công xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp giữ gìn sự bình yên cho nhân dân. “Anh Hiếu còn là người anh cả của chúng tôi. Mỗi lúc anh em ốm đau, anh luôn là người bên cạnh, động viên, an ủi kịp thời; là trung tâm kết nối sức mạnh đoàn kết trong đội.” - Đại úy Nguyễn Anh Đức, đồng nghiệp của Thiếu tá Lê Trọng Hiếu chia sẻ. Thục Anh

Hà Nội vận động các tầng lớp nhân dân tham gia hiến mô, tạng nhân đạo

TĐKT - Ngày 18/2, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội tổ chức Chương trình “Xuân nhân ái - Cho đi là còn mãi”, phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng trong các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố. Chương trình được tổ chức nhằm tuyên truyền về giá trị cao đẹp của hoạt động hiến mô, tạng và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo. Chương trình “Xuân nhân ái - Cho đi là còn mãi” Hơn 25 năm qua, từ khi thực hiện ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992), số ca ghép tạng đã thực hiện ở Việt Nam vẫn còn rất ít. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân đang chờ nguồn để ghép mô, tạng hiện nay rất nhiều và ngày càng tăng lên nhanh chóng. Rất nhiều người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang hàng ngày, hàng giờ phải chiến đấu, chống chọi để giành giật lại sự sống, nhưng rất ít người có cơ hội được ghép mô, tạng vì số người hiến còn quá khan hiếm. Nhờ những mô, tạng được hiến mà nhiều người được cứu sống. Đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết não, không chỉ mang lại sự sống cho những người khác mà còn giúp xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Phát biểu tại Chương trình, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết: Từ những thành công của phong trào hiến máu nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội tiếp tục phát động trong toàn Hội và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo trong cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội mong muốn nhận được sự ủng hộ, tự nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng từ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ cũng như trong toàn cộng đồng để ngày càng nhân lên những tấm lòng nhân ái, mở ra thêm nhiều cơ hội sống cho những người bệnh đang ngày ngày phải đối mặt với bệnh tật. Chương trình phấn đấu đạt 100% các cơ sở Hội phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo và tuyên truyền rộng rãi về hiến tặng mô, tạng nhân đạo tới cán bộ, tình nguyện viên chữ thập đỏ và các tầng lớp nhân dân; vận động 300 người đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo và ít nhất 500 tình nguyện viên chữ thập đỏ tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động đăng ký hiến tặng mô, tạng tại các địa phương. Trong thời gian tới các cấp Hội Chữ thập đỏ Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động hiến máu, hiến tặng mô, tạng nhân đạo và các hoạt động xã hội nhân đạo trên các kênh thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn về công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng nhân đạo; tổ chức các hoạt động tuyên truyền và đăng ký hiến tặng mô, tạng nhân đạo gắn với các hoạt động Chữ thập đỏ, hiến máu tình nguyện, chăm sóc sức khỏe… Bên cạnh đó, các cấp hội còn tổ chức những hoạt động tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng mô, tạng và các cá nhân trực tiếp hiến tặng mô, tạng nhân đạo. Tại Chương trình, sau khi được lắng nghe tư vấn từ đại diện lãnh đạo Trung tâm điều phối tạng quốc gia, toàn bộ cán bộ, nhân viên cơ quan Hội Chữ thập đỏ thành phố đã trực tiếp đăng ký hiến tặng mô, tạng. Không chỉ có cán bộ, nhân viên cơ quan Hội Chữ thập đỏ thành phố mà còn có hàng chục người dân khi biết tin cũng đã đến tận nơi để đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo. Minh Phương

Ý nghĩa của việc trả lại chiếc ví và hơn 10 triệu đồng

TĐKT - Đối với gia đình cụ Đặng Văn Phúc (85 tuổi), Cụm 2, xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội và gia đình anh Đặng Văn Vĩnh (sinh năm 1969), xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, Tết Kỷ Hợi 2019 thật sự có ý nghĩa đáng nhớ. Vốn chưa từng quen biết nhau nhưng giờ đây hai gia đình họ đã trở nên thân thiết như người một nhà. Đức tính thật thà, không tham của rơi chính là sợi dây kết nối, giúp họ xích lại gần nhau, góp phần làm lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Trước ngày ông Công, ông Táo (23/12/2018 âm lịch) một ngày, vào lúc 17h, cụ Đặng Văn Phúc ra gò Cầu Binh, xã Vân Nam để dọn dẹp mộ gia tiên. Ông có nhìn thấy một chiếc ví rơi trên phần mộ của gia đình mình. Nhìn xung quanh xem có ai đang đi tìm để trả lại, nhưng không thấy, ông cầm chiếc ví về nhà, mở ra kiểm tra thì thấy trong ví có hơn 10 triệu đồng, 01 thẻ ATM cùng nhiều giấy tờ khác mang tên anh Đặng Văn Vĩnh (sinh năm 1969), ở xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Cụ Đặng Văn Phúc (thứ 2 từ trái sang) cùng các con trai chụp ảnh với anh Đặng Văn Vĩnh (thứ nhất từ trái sang) trong ngày hai bên gia đình gặp gỡ, giao nhận lại tài sản bị rơi Cụ Phúc cùng các con cháu đã gọi điện nhờ người thân trú tại xã Hương Cần hỏi tìm và thông báo với gia đình chủ nhân của chiếc ví đến nhận lại tài sản. Tuy nhiên, vì anh Vĩnh vốn là người ở địa phương nhưng đã đi làm ăn xa, nên phải sau 2 ngày, qua rất nhiều cuộc điện thoại họ mới kết nối được thông tin với nhau. Đúng ngày 25 Tết Kỷ Hợi, anh Vĩnh tìm đến và được gia đình cụ Đặng Văn Phúc giao lại nguyên vẹn tài sản mà anh đã đánh rơi. Anh Vĩnh kể, xuống nhà cụ Phúc nhận lại đồ bị rơi, tôi rất vui, bởi không chỉ tìm lại được tài sản mà còn được cụ và con cháu trong gia đình đón tiếp niềm nở, xởi lởi. Tôi đến nhận lại của rơi mà như được về với anh em người nhà mình vậy. Tôi rất cảm động, cũng mong muốn có chút quà đền đáp nhưng nhất định cụ Phúc không nhận. Cụ bảo “anh cũng là người lao động, số tiền đó tuy không lớn nhưng nếu mất đi thì phần nào cái Tết cũng không trọn vẹn. Tôi mong muốn ai cũng được vui vẻ, sum vầy vào dịp Xuân này”. “Tôi cũng kể lại việc này với con cháu trong gia đình. Ai cũng vui và nể phục con người và tấm lòng đáng quý của cụ Phúc. Cụ thực sự là tấm gương sáng để nhiều người noi theo.” – Anh Vĩnh chia sẻ. Vừa rồi, nghe tin cụ Phúc lâm bệnh, vợ chồng anh Vĩnh đã đến thăm hỏi chân tình. Những ngày đầu năm mới 2019, nhà cụ Phúc thêm rộn ràng tiếng cười nói, lời chúc phúc tốt đẹp của con cái, vợ chồng anh Vĩnh. Được biết, trước đây, anh Vĩnh cũng từng nhặt được ví tiền tại Siêu thị Lan Chi Sơn Tây (Hà Nội) vào ngày 27 Tết. Thông qua hệ thống phát thanh của siêu thị anh đã tìm lại được chủ nhân của chiếc ví ấy. Qua sự việc trên chúng ta có thể thấy một điều ý nghĩa: Cuộc đời có luật nhân quả, cứ gieo những mầm thiện, ắt gặt được phước báo.  Mai Thảo

Tôn vinh thầy thuốc tiêu biểu Thủ đô năm 2019

TĐKT - Nhân kỷ niệm 64 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2019), ngày 15/2, Công đoàn ngành y tế Hà Nội phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt tôn vinh thầy thuốc tiêu biểu ngành y tế Thủ đô năm 2019. Tại Hội nghị, 89 thầy thuốc tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành y tế Thủ đô đã được tôn vinh. Ngành y tế Hà Nội hiện đang quản lý 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 8 đơn vị quản lý nhà nước và Trung tâm chuyên khoa với tổng số 24.470 cán bộ, viên chức, người lao động với 4.412 bác sĩ. Trong đó, có 4 thầy thuốc nhân dân, 28 thầy thuốc ưu tú; 1 giáo sư, 7 phó giáo sư, 85 người có trình độ tiến sĩ, 199 bác sĩ chuyên khoa 2,1.619 trình độ thạc sĩ và tương đương. TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trao hoa và quà cho các thầy thuốc ưu tú, tiêu biểu của Thủ đô năm 2019 Trong những năm qua, nhớ lời Bác dạy “Lương y phải như từ mẫu”, các thế hệ thầy thuốc ngành y tế Thủ đô luôn tận tâm, tận lực cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ngành luôn đổi mới, đã có nhiều thành tựu: Thành công trong việc triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới với 1 cơ sở y tế chất lượng quốc tế là Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội; đẩy mạnh đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên y tế với 100% cơ sở khám, chữa bệnh của thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, góp phần giảm phiền hà, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”,... Trong thời gian tới, các đơn vị y tế trong ngành y tế Thủ đô sẽ tiếp tục trau dồi chuyên môn, nỗ lực hết mình trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; tích cực thực hiện đổi mới thái độ, phong cách ứng xử của nhân viên y tế đối với người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn Thủ đô; phấn đấu thực hiện theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi ngành y tế nhân ngày 27/2. Mai Thảo

Lê Xuân Tú – Cây sáng kiến trẻ của Rạng Đông

TĐKT – Với gần 20 sáng kiến, làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng, chàng trai trẻ Lê Xuân Tú (sinh năm 1993), Trưởng nhóm điện - Bộ phận cơ điện Ngành Thiết bị chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được suy tôn là nhân vật tiêu biểu cấp công ty năm 2018. Nói về Lê Xuân Tú, bạn  bè đồng nghiệp đều cảm thấy thán phục về niềm đam mê trong công việc. Với khuôn mặt hiền lành, ít nói, đôi khi còn nhút nhát với người lạ, nhưng khi đề cập đến lĩnh vực điều khiển tự động hóa thì Tú có thể hào hứng chia sẻ cả ngày. Tú tâm sự  “Có lẽ lòng đam mê kỹ thuật đã ăn vào trong máu em. Ngay từ khi là sinh viên của Trường Trung cấp dạy nghề, em đã bị hấp dẫn bởi các thiết bị kỹ thuật lắp đặt. Năm 2014, em đăng ký tham gia dự thi tay nghề giỏi cấp tỉnh và đạt giải nhất với đề tài “Lắp đặt điện Hệ thống điều khiển điện công nghiệp”; sau đó tiếp tục được đi thi tay nghề cấp quốc gia. Lê Xuân Tú, Trưởng nhóm điện - Bộ phận cơ điện ngành Thiết bị chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông được suy tôn là nhân vật tiêu biểu cấp công ty năm 2018 Tốt nghiệp trường nghề, Tú đầu quân về Rạng Đông ở vị trí của công nhân kỹ thuật sửa chữa, bảo dưỡng thuộc Ban thiết kế kỹ thuật – Xưởng Led.  Đến nay, đã 4 mùa xuân gắn bó với công ty, với Lê Xuân Tú, Rạng Đông không chỉ là môi trường làm việc lý tưởng mà còn là mái nhà thứ hai, tạo cho anh những cơ hội phát triển và trưởng thành. Từ một công nhân bình thường, được phát hiện bởi sự đam mê kỹ thuật và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, Tú được lãnh đạo xưởng tạo điều kiện cho đi học nâng cao tay nghề từ các thầy giáo của trường đại học nổi tiếng. Biết đây là cơ hội hiếm có trong điều kiện vừa học vừa làm, Tú đã cố gắng tranh thủ hết sức để thu nạp kiến thức. Ban đầu từ nhiệm vụ đấu điện công nghiệp đơn giản, Tú được lãnh đạo Xưởng tin tưởng giao phó nhiệm vụ thiết kế và lập trình hệ thống điện cho các thiết bị dây chuyền.  “Quả thực đây là thách thức quá lớn đối với em” – Tú thừa nhận – “Nhưng em nghĩ cũng là cơ hội. Em cũng chỉ biết cố gắng để không phụ lòng tin của mọi người” Trong 4 năm qua, Tú cùng với các anh em trong tổ sửa chữa, bảo dưỡng đã không quản vất vả, ngày đêm nghiên cứu và có gần 20 sáng kiến cải tiến hệ thống điều khiển tự động hóa thành hệ thống những dây chuyền sản xuất hiện đại hoàn chỉnh không kém gì các dây chuyền ngoại nhập. Tiêu biểu: Cải tiến dây chuyền bao gói đèn bulb; cải tiến dây chuyền liên hoàn  bộ máng đèn M21; máy lắp ráp đèn led Bulb trụ T80-T100; máy lắp ráp đèn downlight tự động; máy in dấu kiểm tra thông số đèn Tube led tự động; máy đóng nắp hộp nguồn No1.No2… đạt hiệu quả cao trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giúp giảm các chi phí lãng phí do thực hiện thủ công trước kia. Lê Xuân Tú (thứ hai từ phải sang) đạt giải ba Hội thi đề tài, giải pháp sáng tạo – Festival sáng tạo trẻ lần thứ VIII do Đoàn khối công nghiệp Hà Nội tổ chức năm 2018. Chia sẻ về một trong những cải tiến có giá trị lớn mà Tú cùng cả nhóm đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu, chế tạo rồi thử nghiệm và được áp dụng thành công trong dây chuyền sản xuất, Tú bảo, đó là “sáng kiến tự gia công, chế tạo dây chuyền lắp ráp đèn Led Downlight tự động”. Xuất phát từ thực tế các dây chuyền lắp ráp đèn Led Downlight cơ cấu tự động còn ít, các bước trên công đoạn lắp ráp còn chưa hợp lý dẫn đến việc khó đưa cơ cấu tự động vào quá trình sản xuất được. Năng suất chỉ đạt 7000 sản phẩm/ca sản xuất 14 người. Nếu nhập toàn bộ hệ thống dây chuyền tự động chi phí sẽ rất lớn… Tú cùng với các anh em trong nhóm đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ cấp mạch PCB tự động, súng bắn vít tự động được lập trình sẵn tọa độ vị trí. Quá trình cấp mạch và bắn vít tự động được điều khiển thông qua bộ điều khiển tự động PRC, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối khi cấp mạch và bắn vít đèn. Đồng thời tìm ra phương án thiết kế thêm 2 tâm định vị vị trí trên bản mạch PCB và đế đèn Led Downlight để đồng bộ hóa giữa vật tư và dây chuyền mới được vận hành chính xác nhất. Cải tiến này đã giúp nâng năng suất lao động tăng lên 50% (từ 7000 SP/ca sản xuất 14 người lên 10 000 SP/ca sản xuất 10 người), tiết kiệm được 1/3 chi phí so với trước kia, nâng cao chất lượng của sản phẩm. Cải tiến đã đạt giải ba Hội thi đề tài, giải pháp sáng tạo – Festival sáng tạo trẻ lần thứ VIII, khối công nghiệp Hà Nội năm 2018. Anh Nguyễn Hoàng Khôi, Phó trưởng ngành Thiết bị chiếu sáng, phụ trách nhóm cơ điện Xưởng đánh giá: “Dây chuyền sau khi được cải tiến trở nên thông minh hơn, sản phẩm tin cậy hơn, năng suất cao hơn. Nếu như trước kia dây chuyền thường rời rạc và chỉ giúp giảm bớt một số thao tác của công nhân thì nay dây chuyền là một hệ thống đồng bộ, phát hiện kịp thời các lỗi, xử lý lỗi, đồng thời phân tích dữ liệu giúp ích cho việc cải tiến” Anh Nguyễn Hoàng Kiên, Quản đốc Xưởng LED phấn khởi chia sẻ “Vấn đề không chỉ là chi phí tiết kiệm mà hơn hết chúng tôi đã làm chủ được công nghệ. Nếu nhập dây chuyền từ nước ngoài, trường hợp có vấn đề chúng tôi lại phải mời chuyên gia sang, sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”. Gọi tên hai từ “cải tiến” thì đơn giản, nhưng để đạt được hiệu quả thực sự, áp dụng vào thực tiễn là điều không dễ dàng. Giữa lý thuyết và thực tế khác nhau một trời một vực. Một lỗi sai sẽ tác động ngay đến kết quả sản xuất hàng ngày của dây chuyền và hàng loạt công nhân bị ảnh hưởng. Trong khi, chi phí cho mỗi “cải tiến” cũng ngốn khá nhiều.  Ý thức được trách nhiệm đó, Tú cùng với cả nhóm lao vào nghiên cứu không kể ngày đêm. Nhiều khi phải “lăn” ra dây chuyền để thử nghiệm nhưng cũng có khi cần không gian yên tĩnh. Tú kể có thời điểm, một mình đóng chặt cửa vì sợ tiếng ồn ảnh hưởng đến dòng suy nghĩ rồi ở lỳ trong đó cả ngày lẫn đêm để tìm tòi, lập trình, thiết kế.  4 năm, từ chàng thanh niên 21 tuổi, đến nay, Tú đã trưởng thành hơn rất nhiều. Nghĩ lại quãng thời gian qua Tú thổ lộ: “Chính sự đam mê và lòng kiên trì dám vượt qua thất bại giúp em đạt được thành công. Nhưng điều vô cùng quan trọng là lãnh đạo công ty, lãnh đạo xưởng, lãnh đạo ngành đã hết sức tin tưởng, động viên và tạo điều kiện môi trường cho em thể hiện. Em rất tự hào ở môi trường Rạng Đông”. Phạm Việt Hòa

Kỷ lục gia Đào Xuân Tình: Gìn giữ nét đẹp Thủ đô ngàn năm văn hiến qua Bộ sưu tập xe đạp Peugeot cổ

TĐKT - Là người gốc Hà Nội, gắn liền với những ký ức một thời xa xưa của mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, ông Đào Xuân Tình (59 tuổi ở Long Biên, Hà Nội) luôn trân quý và bị quyến rũ bởi những nét văn hóa cổ xưa. Đặc biệt, nét quyến rũ và lịch lãm, kiểu dáng sang trọng và tinh tế của những chiếc xe đạp Peugeot một thời lăn bánh chầm chậm trên những con phố Hà Nội xưa đã khắc sâu vào tâm trí của ông.  Để tìm lại những hoài niệm đẹp đẽ đó, gần 20 năm nay, ông đã dành rất nhiều tâm huyết, thời gian và tiền bạc, lặn lội đi đến nhiều nơi, nhiều quốc gia ở châu Âu để tìm kiếm, sưu tập những chiếc xe đạp cổ Peugeot. Đến nay, “Bộ sưu tập xe đạp Peugeot sản xuất tại Cộng hòa Pháp” của nhà sưu tập Đào Xuân Tình đã được xác lập kỷ lục quốc gia với số lượng nhiều nhất, lên đến 100 chiếc. Ông bảo, xe đạp Peugeot bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội vào khoảng năm 1950. Những chiếc xe máy, xe đạp thời bấy giờ không chỉ là phương tiện đi lại chính của người Hà Nội mà nó còn mang đậm nét văn hóa. Hình ảnh những chiếc xe đạp cổ bên cạnh những nàng thiếu nữ với tà áo dài cũng đã đi vào thơ ca, hội họa, nhiếp ảnh, gắn liền với tên tuổi của bao lớp nghệ sĩ một thời.   Mỗi khi được ngắm nhìn và được đi dạo trên những chiếc xe đạp Peugeot cổ, ông Đào Xuân Tình luôn tìm thấy cảm xúc hạnh phúc khó tả “Thời đó, sang nhất phải kể đến xe các hãng nước ngoài như Peugeot, Aviac hay Mercie… giá bằng vài cây vàng, tương đương với một căn hộ vài chục mét vuông. Đặc biệt, trước năm 1970, những xe đạp và xe đạp máy hiệu Peugeot có giá trị tài sản rất lớn, chỉ có những gia đình khá giả mới có được. Chính vì vậy, chúng còn có biển số, giấy chứng nhận sở hữu,  không khác gì việc đi đăng ký những chiếc ô tô hay xe máy ngày nay.” - Ông Đào Xuân Tình hoài niệm. Trân trọng những giá trị văn hóa cổ xưa, trong quá trình đi sưu tập xe đạp Peugeot cổ, ông Đào Xuân Tình rất cẩn thận, đưa ra 3 nguyên tắc trong lựa chọn xe: Một là chiếc xe đó phải cổ, hai là phải còn nguyên bản và ba là vẫn sử dụng được tốt. Vì vậy, hễ nghe thấy ở đâu có những chiếc xe đạp Peugeot đáp ứng được 3 tiêu chí của ông thì dẫu xa xôi tận nước ngoài, ông đều tìm mọi cách liên lạc với chủ nhân của nó, tìm đến tận nơi và mua cho bằng được dù giá trị cao. Ông kể, có những chủ nhân của những chiếc xe đạp Peugeot chỉ vì nhận thấy ở ông một niềm đam mê, một tình yêu mãnh liệt với những chiếc xe đạp Peugeot mà đã đồng ý nhượng lại, dù trước đó đã có rất nhiều người trả cho họ giá trị rất cao. Bởi vì chiếc xe đó là cả một ký ức và kỷ niệm của cha ông, của gia đình và dòng họ, nên họ luôn luôn lưu giữ và trân trọng, coi như một kỷ vật không thể thiếu của gia đình. Họ chỉ đồng ý nhượng lại khi gặp được những người sưu tập có tâm, biết nâng niu, trân trọng và gìn giữ những kỷ vật đó.   Hai vợ chồng ông Đào Xuân Tình dạo phố trên cặp xe đạp nam – nữ Peugeot Hiện tại bộ sưu tập xe đạp Peugeot cổ của ông đã lên tới 100 chiếc. Điều đặc biệt trong bộ sưu tập xe đạp Peugeot của ông là tất cả các phụ tùng, phụ kiện đều được sản xuất và lắp ráp tại cộng hòa Pháp (trước năm 1992). Có những chiếc xe đạp trong bộ sưu tập của ông được sản xuất từ năm 1918, có tuổi đời trên 100 năm nhưng vẫn còn hoạt động tốt. Một điểm nổi bật nữa phải kể đến trong bộ sưu tập xe đạp Peugeot của ông mà không phải nhà sưu tập xe đạp nào cũng có được, đó chính là ông rất chú trọng việc sưu tập những chiếc xe đạp Peugeot theo cặp nam – nữ. Bởi với ông, những chiếc xe đạp Peugeot cổ được coi như những người bạn, có cảm xúc, có tâm hồn.  Mỗi khi sưu tập được một chiếc xe đạp mới, ông lại cố gắng tìm kiếm và sưu tập thêm chiếc còn lại đúng thời, đúng mầu, để chúng cũng có cặp. Vì vậy, hiện tại ông đã sưu tập được vài chục cặp xe Peugeot sản xuất tại Pháp mang nhiều màu sắc và kiểu dáng khác nhau. Để có thể gìn giữ và bảo quản tốt cho những chiếc xe này, ông đã phải thuê một đội những người thợ có tay nghề, kỹ thuật cao, chuyên bảo dưỡng, chăm sóc và sửa chữa xe đạp Peugeot để những chiếc xe luôn trong tình trạng sáng bóng và di chuyển tốt. Có bác thợ đến nay đã gần 80 tuổi, nhưng cũng chính vì tình yêu và niềm đam mê với dòng xe đạp Peugeot cổ mà hàng chục năm nay vẫn miệt mài chăm sóc, bảo dưỡng và cân chỉnh tỉ mỉ từng chi tiết trong bộ sưu tập xe đạp Peugeot của nhà sưu tập Đào Xuân Tình. Ngoài những chiếc xe đạp Peugeot sản xuất tại Cộng hòa Pháp, trong bộ sưu tập của ông còn có 4 chiếc Solex xe đạp máy, 2 chiếc Peugeot 101, 2 chiếc Peugeot 102, 1 chiếc motobecan sản xuất năm 1970, cùng hàng trăm các loại đồng hồ treo tường và để bàn cổ, những đồ vật đã làm mê hoặc nhiều người thuộc thế hệ của ông. Đó đều là những sản phẩm vô cùng ý nghĩa và có giá trị. Trong tất tả ngược xuôi cuộc sống hiện đại ngày nay thì bộ sưu tập xe đạp Peugeot cổ của nhà sưu tập Đào Xuân Tình như điểm thêm nét đẹp cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nó như chiếc cầu nối giữa Hà Nội xưa và nay, để những người gốc Hà Nội và người sống lâu ở Hà Nội được hoài niệm về nét đẹp của Thủ đô một thời và để những người trẻ tuổi hơn có thể hiểu thêm về một phần lịch sử mà mình chưa từng trải qua. Mai Thảo

Hà Nội: Chủ động đổi mới công tác thi đua, khen thưởng

TĐKT - Năm 2018, ngành Thi đua - Khen thưởng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội về những kết quả đạt được cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng TP Hà Nội trao đổi với phóng viên Phóng viên: Xin ông cho biết, những kết quả, đóng góp nổi bật nhất của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của TP Hà Nội trong năm 2018? - Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2018, TP Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác thi đua, khen thưởng, từ đó phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tạo khí thế và động lực trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong đó, có nhiều kết quả nổi bật và mang tính đột phá: 20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch; dự kiến hoàn thành 17 chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, trong đó đã có 3 chỉ tiêu về đích sớm trước 2 năm. An sinh xã hội được đảm bảo cùng với việc hoàn thành sớm 2 năm Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh; thể thao thành tích cao dẫn đầu cả nước trong các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Thành phố triển khai thực hiện quyết liệt chủ đề “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, kỷ cương hành chính có chuyển biến rõ nét. Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với du khách, là thị trường sôi động đối với các nhà đầu tư và các doanh nghiệp. Trong năm, thành phố và các đơn vị cơ sở đã tổ chức tốt các phong trào thi đua và các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và kỷ niệm 10 năm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ và nhân dân. Phóng viên: Nét mới trong công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội trong năm 2018, thưa ông? - Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2018 là năm thành phố tập trung đẩy mạnh thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 1/6/2017 của UBND thành phố về khắc phục tồn tại, hạn chế, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt chú trọng việc rà soát, ban hành các quy chế, quy định theo hướng tạo căn cứ pháp lý nhằm khai thác những đặc thù của Thủ đô qua đó đổi mới, nâng cao được chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Tỷ lệ khen thưởng cho đối tượng là người lao động trực tiếp ngày càng được nâng lên rõ rệt Bên cạnh đó, thành phố quan tâm đổi mới việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua với nội dung thiết thực, bám sát và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, các vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của địa phương, đơn vị; phương thức tổ chức, triển khai phong phú, đa đạng với nhiều cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo, mang sắc thái riêng của Thủ đô và đã đạt nhiều kết quả nổi bật, ấn tượng. Tiêu biểu: Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển” được đẩy mạnh, đóng góp quan trọng vào thành tích dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài năm 2018; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” góp phần hoàn thành sớm 2 năm chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2020; phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới và về đích sớm 2 năm so với Nghị quyết HĐND thành phố... Đối với công tác khen thưởng, thành phố đã tập trung vào việc xây dựng các hướng dẫn về tiêu chí khen thưởng thành tích theo chuyên đề, đồng thời tăng cường phát hiện, khen thưởng thành tích đột xuất; đảm bảo khen thưởng bám sát các nhiệm vụ trọng tâm và gắn với việc giải quyết các vấn đề lớn, bức xúc, cấp thiết của xã hội, cộng đồng. Đối tượng khen thưởng cũng được mở rộng hơn trong các tầng lớp nhân dân. Thành phố chỉ đạo các đơn vị chủ động khen thưởng và đề nghị thành phố, Nhà nước khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động có phát minh, sáng chế mang lại hiệu quả cao, những việc làm tốt, sáng kiến hay phục vụ người dân, doanh nghiệp; khen thưởng người nước ngoài có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Phóng viên: TP Hà Nội là một trong những địa phương triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, những điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Ông có thể chia sẻ rõ nét hơn cùng bạn đọc về kinh nghiệm triển khai hiệu quả công tác này trên địa bàn thành phố? - Ông Nguyễn Công Bằng: Bắt đầu từ năm 2015, thành phố phát động và triển khai Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt (ĐHTT, NTVT) và đến nay đã duy trì liên tục 4 năm. Cuộc thi đã lôi cuốn được sự vào cuộc của toàn xã hội, với tiêu chí phát hiện được đưa lên hàng đầu đã khuyến khích mọi người dân và chính quyền các cấp phản ánh và giới thiệu kịp thời các tấm gương điển hình, các mô hình hay, cách làm tốt trong tất cả các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội. Cùng với đó, việc nhanh chóng tiếp nhận thông tin, thẩm định, đề xuất khen thưởng và tổ chức trao tặng của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp đã góp phần biểu dương, nêu gương kịp thời để mọi người cùng học tập và làm theo, có tác dụng tạo sự lan tỏa và phát huy, tiếp nối những việc làm tích cực trong cộng đồng, xã hội. Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà trao tặng danh hiệu người tốt, việc tốt cho các cá nhân được phát hiện từ cuộc thi Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng gương ĐHTT, từ năm 2017 thành phố đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác chuyên đề về phát hiện, đề xuất khen thưởng ĐHTT, NTVT ở 100% quận, huyện, thị xã và các sở, ngành, đơn vị lớn. Đồng thời đầu năm 2018, thành phố đã ban hành Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng danh hiệu NTVT với tiêu chí được đổi mới, rõ ràng, cụ thể, không gây trùng lặp giữa khen thưởng NTVT với việc bình xét khen thưởng thành tích công tác năm, tổng kết các chuyên đề thi đua. Quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng được rút gọn, đảm bảo yêu cầu của việc khen thưởng, động viên kịp thời. Đối tượng xét tặng cũng được mở rộng đối với cả người nước ngoài có việc làm tốt, nghĩa cử cao đẹp đóng góp cho Thủ đô. Từ đó, tạo được sự thay đổi lớn trong công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước của thành phố. Phóng viên: Năm 2019 và những năm tiếp theo, công tác thi đua, khen thưởng của TP Hà Nội sẽ tập trung vào những mục tiêu cũng như đưa ra giải pháp cụ thể nào, thưa ông? - Ông Nguyễn Công Bằng: Năm 2019 và những năm tiếp theo, trước yêu cầu đổi mới, quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của Trung ương và thành phố hiện nay, hơn bao giờ hết TP Hà Nội xác định công tác thi đua, khen thưởng càng cần phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng để làm tốt vai trò là động lực và đòn bẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Để làm được điều này, thành phố tiếp tục tăng cường giải pháp thực hiện hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch của Thành ủy, UBND và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020; đặc biệt là Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 01/6/2017 của UBND thành phố về khắc phục tồn tại, hạn chế, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng. Trước mắt, tập trung vào việc kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng từ thành phố đến cơ sở; nhất là kiện toàn tổ chức và đổi mới quy chế hoạt động, bình xét khen thưởng của các cụm thi đua thuộc thành phố. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản pháp lý trong công tác thi đua, khen thưởng (riêng năm 2019, dự kiến sửa đổi, bổ sung 06 văn bản quy phạm pháp luật, là những quy chế, quy định điều chỉnh những vần đề cơ bản, những nội dung lớn về thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố). Sau 4 năm thực hiện, sang năm 2019, thành phố thực hiện đổi mới phương thức tổ chức Cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT theo hướng tăng cường vai trò của đơn vị cơ sở trong việc chủ động phát động và tổ chức, để Cuộc thi ngày càng đi sâu, trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày của từng cán bộ và người dân. Bên cạnh đó, năm 2019 và 2020 sẽ tập trung nhiều ngày kỷ niệm lớn của Thủ đô và đất nước, song song với việc phát động các phong trào, các đợt thi đua chào mừng kỷ niệm, thành phố chú trọng xây dựng các tiêu chí thi đua cụ thể, thiết thực, phù hợp với mục đích, yêu cầu của mỗi đợt thi đua, giúp cho việc đánh giá kết quả thực hiện và đề xuất khen thưởng được chính xác; đồng thời tiếp tục xây dựng, sửa đổi các bộ tiêu chí khen thưởng thành tích chuyên đề công tác hàng năm, đảm bảo phản ánh và bám sát yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới. Mai Thảo (thực hiện)

Chương trình “Hương sắc bốn mùa” - Chào Xuân Kỷ Hợi 2019

TĐKT - Nhân dịp Tết Nguyên Đán 2019, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của du khách, Công viên Hồ Tây sẽ tổ chức chương trình““Hương sắc bốn mùa - Chào Xuân Kỷ Hợi 2019” với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, những hoạt động vô cùng hấp dẫn. Trong nhịp sống vốn bận rộn, nhiều lo toan nên những giây phút dành cho gia đình và người thân ngày càng ít lại. Vì thế, thời điểm tiễn năm cũ, đón chào năm mới cũng là thời điểm mọi người đều muốn cùng những người thân yêu nhìn lại một năm đã qua để hướng đến một năm mới nhiều ước vọng với những điều tốt đẹp hơn. Công viên Hồ Tây hiện đã được trang trí rực rỡ sắc hoa  xuân Hướng đến chủ đề “Hương sắc bốn mùa”, Công viên Hồ Tây được trang trí mô phỏng những nét đặc trưng của bốn mùa trong năm ở mỗi miền của đất nước: Xuân, hạ, thu, đông với thông điệp “Bốn mùa đều là mùa yêu thương và sum vầy”. Du khách sẽ được đắm mình trong sắc xuân với hoa đào, quất ngày Tết; hay sắc hồng của hoa sen mùa hạ; hoa cúc của mùa thu; hay trải nghiệm mùa đông ở vùng núi Tây Bắc… Nhiều bạn trẻ đã đến Công viên Hồ Tây để lưu lại những hình ảnh đẹp trong mùa xuân này Đặc biệt, trong các ngày từ Mùng 1- Mùng  6 Tết, chương trình nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn như múa lân sư rồng, hát văn, hát quan họ, múa dân gian, ảo thuật, âm nhạc đường phố… sẽ mang lại một không gian Tết trọn vẹn cho quý khách. Ngoài ra, từ ngày 5/2 - 17/2/2019, giá vé trọn gói vui chơi công viên Mặt Trời giảm 40% chỉ còn 105.000 đồng dành cho mọi khách hàng cao từ 0,9 m trở lên. Khách cao dưới 0,9 m được miễn phí. Vé trọn gói này, quý khách sẽ được tham gia chương trình “Chào Xuân Kỷ Hợi – Hương Sắc Bốn Mùa”, được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc và thỏa sức vui chơi, thử sức và khám phá rất nhiều trò chơi vô cùng hấp dẫn dành cho mọi lứa tuổi. Đây hứa hẹn sẽ là địa điểm du xuân lý tưởng trong dịp Tết Nguyên Đán 2019. Thục Anh

Công nhân lao động Thủ đô tưng bừng đón Tết sum vầy 2019

TĐKT - Trong không khí phấn khởi của giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô nói riêng lập thành tích chào mừng kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh (03/02/1930 - 03/02/2019), mừng xuân mới - Xuân Kỷ Hợi 2019, ngày 26/1, tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức chương trình “Tết sum vầy” 2019. Tới dự có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ)Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, cùng sự góp mặt của hơn 900 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp – chế xuất Hà Nội, một số LĐLĐ quận, huyện, thị xã và Công đoàn ngành thành phố. Các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng quà cho công nhân, lao động Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết: Đây là việc làm thực sự có ý nghĩa đối với người lao động cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về.  Trong dịp tổ chức “Tết Sum vầy” năm nay, hệ thống công đoàn Thủ đô và anh chị em CNVCLĐ lại được đón nhận sự quan tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đặc biệt, Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã hỗ trợ từ ngân sách thành phố 3.000 suất quà, trị giá mỗi suất 500 nghìn đồng. LĐLĐ TP Hà Nội hỗ trợ 3.500 suất từ nguồn kinh phí công đoàn. Các doanh nghiệp ủng hộ được 360 suất quà. Tính chung, tổng số là 6.560 suất quà, mỗi suất quà trị giá 500 nghìn đồng. Bên cạnh đó, LĐLĐ TP Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tổ chức các hoạt động chăm lo cho người lao động (NLĐ). Chủ động tham gia với người sử dụng lao động xây dựng thang, bảng lương, kế hoạch trả lương, các khoản phúc lợi khác, sớm công khai để người lao động biết và giám sát thực hiện; triển khai thực hiện Nghị định số 157/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện lương tối thiểu vùng năm 2019; rà soát các đối tượng CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn để tham mưu các cấp ủy Đảng, chính quyền và vận động các đơn vị, doanh nghiệp cùng tổ chức công đoàn chăm lo cho NLĐ.   Riêng dịp Tết Kỷ Hợi này, các cấp Công đoàn Thủ đô chi trên 30 tỷ đồng hỗ trợ trên 80.000 vé xe, trao trên 65.000 suất quà chăm lo cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, LĐLĐ TP Hà Nội chi 7,468 tỷ đồng với các hoạt động: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 90 mái ấm Công đoàn trị giá 2,5 tỷ đồng; trao 6.560 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng và tặng 1.600 vé xe ô tô đưa CNLĐ về quê đón Tết cho CNLĐ các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội; trao quà cho 12 Công đoàn cơ sở phục vụ Tết (5 triệu đồng/1 đơn vị) và 9 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn (2 triệu đồng/người) các đơn vị thuộc Công đoàn một số ngành; trao 200 suất quà cho các cháu và các đồng chí là 14 vợ các chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, mỗi suất quà trị giá 2 triệu đồng; hỗ trợ 406 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn của các tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Hà Giang… Phát biểu tại Chương trình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: Năm 2018, thành phố đạt được kết quả rất toàn diện. Đóng góp vào thành tựu đó, có vai trò quan trọng của lực lượng đoàn viên, công nhân, lao động Thủ đô. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các cấp công đoàn thành phố đã nỗ lực chăm lo đời sống, việc làm của CNLĐ. Thành phố đã phấn đấu vượt chỉ tiêu về việc làm; đưa thêm 320.000m2 nhà ở xã hội vào sử dụng. 4 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân cũng đang thi công với tổng diện tích 150.000 m2. Nhiều thiết chế văn hóa xã hội đi kèm đã đi vào hoạt động. Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao sổ tiết kiệm và hỗ trợ cho các CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn Đồng chí Hoàng Trung Hải nêu rõ, năm 2019 là năm thành phố cần tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã đề ra. Đồng chí đề nghị các doanh nghiệp, đội ngũ công nhân, lao động Thủ đô phát huy kết quả đạt được, nỗ lực vì mục tiêu chung. Trước hết, người lao động cần tích cực nâng cao tay nghề, tri thức, kỷ luật, sáng tạo hơn nữa để nâng cao năng suất lao động. Các cấp Công đoàn Thủ đô chăm lo tốt hơn cho các đoàn viên, CNLĐ; nhất là thực hiện tốt chương trình phúc lợi đoàn viên, để người lao động yên tâm cống hiến, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại Chương trình Tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã trao hỗ trợ 3.000 suất quà Tết trị giá 1,5 tỷ đồng cho LĐLĐ thành phố chăm lo công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Xúc động vì tại chương trình Tết Sum vầy 2019 được LĐLĐ TP Hà Nội tặng quà, tặng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng, chị Phan Thị Hoa - công nhân Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam nghẹn ngào chia sẻ: “Gia đình tôi có hoàn cảnh thực sự rất khó khăn. Chồng là thợ xây, 3 con còn nhỏ, con trai đầu (11 tuổi) mắc bệnh u thận trái bẩm sinh, phải điều trị hóa chất rất tốn kém. Chúng tôi thực sự biết ơn công đoàn đã quan tâm, hỗ trợ cho gia đình và các con tôi được đón Tết ấm áp, tình nghĩa hơn” . Mai Thảo

Rạng Đông: 28 năm liên tục phát triển ổn định, vững chắc

TĐKT - Ngày 26/1, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức Lễ tổng kết đánh giá kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2018, gặp mặt truyền thống cuối năm; tôn vinh tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo - Cải tiến liên tục - Cùng làm 5S&Lean”. Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết: Phát huy truyền thống Rạng Đông anh hùng và có Bác Hồ, năm 2018, toàn thể cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty đã phấn đấu gian khổ, quyết liệt vượt qua mọi khó khăn chưa từng có trong điều kiện cạnh tranh thị trường mới vô cùng khốc liệt, tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của năm, với doanh thu tiêu thụ đạt 3.621 tỷ, tăng 10,7% so với năm 2017. Lợi nhuận đạt 258 tỷ, tăng 25,0% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân của cán bộ công nhân viên tăng 6,2% so với năm 2017. Nộp ngân sách tăng 10,0% so với năm 2017. Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phát biểu tại buổi lễ Năm 2018, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tiếp tục được xếp hạng TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; TOP 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam; TOP 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; TOP 500 doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam; đạt chỉ số năng lực Quản trị Tài chính tốt nhất ngành công nghiệp nhẹ trên sàn Chứng khoán Việt Nam; TOP 10 Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam; TOP 10 sản phẩm Công nghiệp Chủ lực Hà Nội; 22 năm liên tiếp được Người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao. Đảng bộ Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà nội công nhận Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Đảng bộ Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được tặng Bằng khen của Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà nội Đặc biệt, năm 2018, vượt qua 35 công ty sản xuất đèn LED đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã thắng thầu quốc tế, cung cấp 10 triệu đèn LED chất lượng cao vào Srilanka thông qua Tập đoàn Điện lực Srilanka CEB. Đây là thành công lớn của Công ty trong việc đưa sản phẩm đèn LED chất lượng cao, sản phẩm Made in Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới; khẳng định tầm cỡ uy tín của thương hiệu Rạng Đông. Vì vậy, năm nay, Rạng Đông ăn Tết Kỷ Hợi to hơn tất cả các năm trước, tiền thưởng gắn bó trung thành và đóng góp tích cực và chia cổ tức của Công ty cao hơn năm ngoái 12%.  Để đạt được những thành tích xuất sắc, toàn diện đó, theo người đứng đầu Công ty Rạng Đông, đó là nhờ có vai trò lãnh đạo tiên phong, toàn diện của Đảng bộ; sức mạnh của các phong trào “Thi đua làm theo lời Bác trong mọi công việc thường xuyên hàng ngày của tất cả mọi người”, phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo - Cải tiến liên tục - Cùng làm 5S&Lean”....đã tạo không khí thi đua sôi nổi và sự đoàn kết, đóng góp trí tuệ đổi mới, sức sáng tạo trong toàn bộ CBCNV, người lao động. Các tập thể, cá nhân được khen thưởng trong phong trào thi đua đua “Đổi mới sáng tạo - Cải tiến liên tục - Cùng làm 5S&Lean” Tổng kết năm thi đua 2018, toàn công ty có 422 sáng kiến, cải tiến, trong đó có 207 sáng kiến được đưa vào áp dụng, đem lại giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng, đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa công ty phát triển nhanh, liên tục, có chất lượng và bền vững trong suốt 28 năm qua. Trong năm 2019, trên cơ sở rút kinh nghiệm năm 2018, ngay từ ngày 2/1/2019 toàn Công ty Rạng Đông đã bước vào cuộc phấn đấu mới. “Mục tiêu chiến lược 2019 đề ra là đạt 4.020 tỷ, tăng 11% so 2018, song các chương trình trọng tâm đều đăng ký vượt cao hơn, Phòng Bán hàng 1 đăng ký vượt 19%, Phòng Bán hàng 2 đăng ký vượt 18% và ngay Quý I/2019, toàn Công ty quyết phấn đấu đạt 28% mục tiêu cả năm, lập công dâng Bác ngày 28/4/2019 kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Động. Từ nay đến thời điểm đó, còn 93 ngày nữa, Người Rạng Đông tâm nguyện đem hết sức mình “Làm thỏa lòng Bác mong!” – Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng vui mừng chia sẻ. Mai Thảo

Trang