Diễn đàn

Bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng

TĐKT - Sáng 12/11, tại Hà Nội, Ban Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương tổ chức Hội nghị Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên nghiệp vụ công tác TĐKT. Dự Hội nghị, có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương; lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban và 35 báo cáo viên là những lãnh đạo cấp vụ, lãnh đạo cấp phòng, quy hoạch cấp vụ, cấp phòng, chuyên viên chính của Ban TĐKT Trung ương. Đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương phát biểu khai mạc Hội nghị Hội nghị được tổ chức nhằm thực hiện Kế hoạch số 1154/KH-BTĐKT ngày 14/5/2021 của Ban TĐKT Trung ương về xây dựng đội ngũ báo cáo viên nghiệp vụ công tác TĐKT; Quyết định số 65-BTĐKT ngày 14/5/2021 của Trưởng ban về việc thành lập đội ngũ báo cáo viên nghiệp vụ công tác TĐKT của Ban; Quyết định số 96/QĐ-BTĐKT ngày 16/7/2021 của Trưởng ban về việc bổ sung công chức tham gia đội ngũ báo cáo viên nghiệp vụ công tác TĐKT của Ban. Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, đồng chí Phạm Huy Giang, Trưởng ban Ban TĐKT Trung ương nhấn mạnh: Xây dựng đội ngũ báo cáo viên nghiệp vụ công tác TĐKT là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Ban TĐKT Trung ương trong năm nay. Luật TĐKT đã được ban hành và đi vào cuộc sống từ lâu, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, vẫn có những cách nghĩ, cách hiểu chưa thống nhất. Nhu cầu tập huấn của các bộ, ngành, địa phương về công tác TĐKT rất lớn. Đồng chí Đỗ Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ II bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên Đồng chí Phạm Huy Giang đề nghị đội ngũ báo cáo viên của Ban, là những đồng chí trực tiếp liên quan đến quá trình triển khai công tác TĐKT, thẩm định hồ sơ khen thưởng… cần nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ hơn, trau dồi kinh nghiệm, tự hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng để có thể truyền tải tốt nhất tới người nghe. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngành TĐKT, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; đồng thời nâng cao vị trí, vai trò của công tác TĐKT nói chung và Ban TĐKT nói riêng. Quang cảnh Hội nghị Tập huấn Tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ II đã trao đổi với đội ngũ báo cáo viên của Ban về những nội dung, kỹ năng cơ bản khi thuyết trình, tập huấn nghiệp vụ công tác TĐKT. Trong đó, lưu ý tới việc nắm vững kiến thức chuyên môn, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế bình tĩnh, tự tin khi báo cáo. Trong quá trình truyền tải, báo cáo viên phải thể hiện sự thân thiện, sử dụng kết hợp ngôn ngữ cơ thể, tăng cường giao lưu, trao đổi với người nghe… từ đó tạo sức hút đối với người nghe… Nguyệt Hà

Để phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” thực sự “thẩm thấu”

TĐKT - Chiều 10/11, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Tọa đàm trực tuyến Giải pháp tổ chức phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” tại công đoàn cơ sở. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thanh Hải chủ trì Tọa đàm. Đây là lần đầu tiên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai tọa đàm trực tuyến với công đoàn cơ sở, kết hợp với việc truyền trực tiếp trên mạng xã hội facebook và Trang tin điện tử Công đoàn Việt Nam. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thanh Hải chủ trì Tọa đàm “Tọa đàm được tổ chức nhằm đánh giá 71 ngày thực hiện Kế hoạch số 130/KH-TLĐ ngày 01/9/2021 và Hướng dẫn số 33/HD-TLĐ ngày 12/10/2021 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về tổ chức và khen thưởng phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” tại các cấp công đoàn. Nhất là mong muốn được lắng nghe ý kiến của các công đoàn cơ sở để thấy được thực tiễn phong trào thi đua này đã “thẩm thấu” đến đâu và có những giải pháp tổ chức phong trào đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa trong thời gian tới.” – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh. Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Chánh Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Toản cho biết: Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phát động thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1/9/2021, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-TLĐ tổ chức phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” nhằm tuyên truyền, vận động, cổ vũ đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức và người lao động phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, ý chí tự lực, tự cường, đồng cam, cộng khổ, chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19. Đồng thời, thể hiện vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và cả nước trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 với tinh thần chỉ đạo hiện nay của Thủ tướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Phó Chánh Văn phòng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Văn Toản trao đổi hướng dẫn về các thủ tục khen thưởng cho người lao động tương tác qua mạng xã hội Tổng Liên đoàn cũng xác định việc triển khai phong trào là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần được ưu tiên thực hiện ngay trong các cấp công đoàn với cách thức linh hoạt, phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện; đảm bảo mục tiêu rõ ràng, nội dung thiết thực, sản phẩm cụ thể và đã ban hành Hướng dẫn số 33/HD-TLĐ ngày 12/10/2021 về tiêu chí thi đua và khen thưởng phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”. Qua 3 tháng kể từ ngày phát động, đến nay, 100% các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đã xây dựng Kế hoạch triển khai phong trào. Nhiều công đoàn cơ sở đã chủ động triển khai với cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại đơn vị, doanh nghiệp và yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Nhiều tập thể, cá nhân đã hưởng ứng, thực hiện có hiệu quả các nội dung của phong trào, đạt nhiều thành tích xuất sắc, xứng đáng là những tấm gương để lan tỏa, học tập. Tiêu biểu như tại Công ty Sakurai, thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nơi có hơn 13 nghìn công nhân lao động nhưng đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch Covid-19 cho tất cả người lao động; đồng thời đảm bảo quyền lợi hưởng nguyên lương cũng như đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho các đối tượng là người lao động thực hiện cách ly sau khi đi công tác từ vùng dịch trở về. 100% công nhân lao động của công ty đều đã hoàn thành 2 mũi vacxin phòng Covid-19… Do đó, đến nay Công ty chưa phát hiện F0 nào ở nhà máy và vẫn duy trì sản xuất bình thường. Hay tại Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), Công đoàn Công ty đã thành lập được 60 Tổ An toàn Covid-19 với 150 thành viên là các đồng chí là Tổ trưởng Công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại các tổ, đội sản xuất. Các Tổ An toàn Covid-19 hoạt động tại công ty rất hiệu quả, mỗi thành viên trong tổ là những tuyên truyền viên tích cực trong việc tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân trong tổ thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc. Đến nay, 100% lao động công ty được tiêm phòng vắc xin Covid-19 mũi 1, 70% lao động công ty được tiêm mũi 2. Vì vậy, dù công nhân Công ty Urenco thường xuyên phải làm việc tại môi trường có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao nhưng đến nay chưa có trường hợp nào bị nhiễm Covid-19… Còn tại Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (tỉnh Bình Dương), đã thực hiện tốt mô hình sản xuất 3 tại chỗ, tạo môi trường thân thiện để người lao động có điều kiện gắn kết, chia sẻ với nhau, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh (giúp đỡ nhau cắt tóc)… Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thanh Hải phát biểu kết luận Tọa đàm Tại Tọa đàm, nhiều đại biểu là đại diện Công đoàn cơ sở cũng gửi đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng như các đơn vị liên quan các đề xuất, kiến nghị như: Hỗ trợ kinh phí cho những lao động thu gom rác tại những khu cách ly tập trung; tiếp tục hỗ trợ bữa ăn cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp thực hiện sản xuất 3 tại chỗ... Ngoài ra, thông qua tương tác mạng xã hội, Tọa đàm cũng đã nhận được nhiều trao đổi liên quan đến việc yêu cầu hướng dẫn rõ hơn về các thủ tục, hồ sơ, tuyến trình, tiêu chuẩn xét khen thưởng trong thực hiện phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” tại các công đoàn cơ sở doanh nghiệp, nhất là khu vực ngoài Nhà nước; một số trường hợp đặc biệt khi xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện phong trào này. Kết luận Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Kế hoạch số 130/KH-TLĐ ngày 01/9/2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho gia đoạn khôi phục lại sản xuất, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới và nỗ lực trong những tháng còn lại của năm 2021. “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Đòi hòi mỗi đoàn viên, công đoàn cơ sở phải thực hiện tật tốt Kế hoạch 130.” - Đồng chí Nguyễn Thanh Hải khẳng định. Các tiêu chuẩn khen thưởng trong phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”  cần phải cụ thể hóa, làm rõ “mỗi đoàn viên công đoàn là một chiến sĩ” , “mỗi công đoàn là 1 pháo đài”… Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Thanh Hải: Các cấp công đoàn cần đặc biệt quan tâm hơn nữa đến việc phát hiện, giới thiệu các nhân tố điển hình trong thực hiện phong trào thi đua “CNVCLĐ nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”; đồng thời cũng cần quan tâm đến những người có hoàn cảnh đặc biệt nhưng vẫn vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mai Thảo

Tọa đàm khoa học “Thi đua xây dựng tập thể kiểu mẫu và cán bộ trường Đảng mẫu mực”

TĐKT - Sáng 28/10, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Tọa đàm khoa học “Thi đua xây dựng tập thể kiểu mẫu và cán bộ trường Đảng mẫu mực”. Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới các đầu cầu học viện chính trị khu vực và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trường cán bộ của các bộ, ngành, đoàn thể trung ương. Tới dự tại đầu cầu Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có đồng chí Bùi Tuấn Quang, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Khối phó Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương. Về đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, có đồng chí Thái Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ II. Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, PGS. TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Tọa đàm là dịp để đánh giá tình hình thực hiện trọng tâm phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025. Đồng thời, thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua tiếp tục phát triển sâu, rộng, đạt những kết quả thiết thực, tránh hình thức. Tọa đàm diễn ra theo hình thức trực tuyến Trong khuôn khổ Tọa đàm khoa học, qua những tham luận, trao đổi của các đại biểu chia sẻ cho thấy: Sau hai năm triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025, đã lan tỏa được những giá trị tích cực, tạo tiền để xây dựng giá trị đạo đức tốt đẹp của cán bộ trường Đảng trên phạm vi cả nước. Phát biểu tại Tọa đàm, PGS. TS. Vũ Thị Phương Hậu, Viện Văn hóa và Phát triển khẳng định tính cần thiết, thích hợp của việc xây dựng và triển khai thi đua xây dựng "Tập thể kiểu mẫu" và "Cán bộ trường Đảng mẫu mực". Bà cho rằng, phong trào ra đời vào thời điểm thích hợp, là hành động cụ thể để triển khai phong trào "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở". Thực tế hai năm qua đã chứng mình đây là một trong những cách thức để khơi dậy tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng, nỗ lực của mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, giảng viên, người lao động trong Học viện. TS. Ngô Thị Hải Anh, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Học viện cho biết: Hai năm qua, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong việc thực hiện bộ công cụ đánh giá mô hình "Tập thể kiểu mẫu" và "Cán bộ trường Đảng mẫu mực" đến các tập thể, cá nhân trong hệ thống Học viện, phong trào đã góp phần xây dựng một môi trường làm việc văn minh, hiệu quả, chất lượng; ở đó, sự ứng xử với công việc, với người, với mình được xác định dựa trên những giá trị cốt lõi của trường Đảng. Các tiêu chí của bộ công cụ cũng là cơ sở để bản thân mỗi cán bộ, đảng viên tự đề ra mục tiêu phấn đấu, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để xứng đáng trở thành người "Cán bộ trường Đảng mẫu mực”, góp phần xây dựng tập thể mình đang công tác trở thành "Tập thể kiểu mẫu". Tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ trong hệ thống Học viện đã ngày càng trở nên chuyên nghiệp, tận tâm và mẫu mực trong giao tiếp, ứng xử, không đi trễ về sớm, thực hành từ "làm hết giờ" sang "làm hết việc” để đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc; chủ động phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của người cán bộ trường Đảng trong việc chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan và địa bàn nơi cư trú; luôn đặt giá trị của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo tiến độ công việc chuyên môn theo kế hoạch đề ra, 100% đội ngũ cán bộ của Học viện đã thực hiện làm việc online song vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ công việc từ công tác tham mưu hành chính, hậu cần đến nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh hoạt động tổng kết thực tiễn, xây dựng các chuyên đề có chất lượng phục vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII; hoàn thành các báo cáo kiến nghị, kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đội ngũ giảng viên của Học viện đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy trực tuyến, chú trọng tăng cường tương tác, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Các đơn vị đã tích cực xây dựng môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Trên cơ sở hưởng ứng các phong trào thi đua do Giám đốc Học viện phát động, bản thân mỗi cơ quan, đơn vị trong hệ thống Học viện đã phát động các phong trào thi đua dựa trên đặc thù riêng của đơn vị với các nội dung cụ thể như: Không ngừng thi đua học tập, nghiên cứu khoa học; thi đua thực hiện giao tiếp ứng xử; tác phong chuyên nghiệp, làm việc khoa học, kỷ cương... thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tại Tọa đàm, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc hệ thống Học viện như: Các học viện trực thuộc 1,2,3, trường Chính trị Sơn La... đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai phong trào tại đơn vị mình. Đồng thời, đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào trong thời gian tới. Mai Thảo

Hướng dẫn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19

TĐKT - Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 2611/HD-BTĐKT ngày 6/10/2021 về việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trao tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc hỗ trợ TP Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19. Theo Hướng dẫn, việc khen thưởng phải được thực hiện đúng quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng. Qua đó, khen thưởng tôn vinh, biểu dương, kịp thời các cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, các mô hình tiêu biểu, những sáng kiến, cách làm sáng tạo trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Đối tượng khen thưởng là các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, các cá nhân trong và ngoài nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và mọi tầng lớp nhân dân có thành tích trong tham gia phong trào thi đua phòng, chống đại dịch COVID-19. Trong đó, tập trung phát hiện, đề nghị khen thưởng: Cán bộ, nhân viên y tế, quân đội, công an, nhà báo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực tiếp tham gia phòng, chống dịch tại tuyến đầu; tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ công tác phòng, chống đại dịch; tập thể, cá nhân có ý tưởng mới, sáng tạo tham gia tuyên truyền, cổ vũ, động viên, trợ giúp hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch. Các hình thức khen thưởng gồm có: Huân chương Lao động; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; Huân chương Chiến công; Huân chương Dũng cảm; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen cấp Bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương. Huân chương Lao động: Để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch, có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương, lan tỏa trong toàn quốc; trên các lĩnh vực y tế, ngoại giao, giáo dục, đào tạo, văn hóa, tài chính, công thương, giao thông vận tải, nông nghiệp, khoa học, công nghệ, thông tin, truyền thông, hợp tác quốc tế, an sinh xã hội..., hoặc có đóng góp lớn về vật chất, phương tiện, trang thiết bị cần thiết góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh và cứu chữa người bệnh, được cấp có thẩm quyền ghi nhận, đánh giá cao. Huân chương Bảo vệ Tổ quốc: Để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể thuộc lực lượng vũ trang lập thành tích tiêu biểu xuất sắc và đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Huân chương Chiến công: Để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể thuộc lực lượng vũ trang lập được chiến công xuất sắc và đặc biệt xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Huân chương Dũng cảm: Để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm xung phong vào những nơi nguy hiểm do dịch bệnh gây ra nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương trong phạm vi cấp bộ, ban, ngành, tỉnh. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: Để tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch hoặc có nhiều đóng góp về vật chất, phương tiện, trang thiết bị; có ý tưởng sáng tạo; tham gia tuyên truyền, cổ vũ, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch, được nêu gương trong toàn ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị. Bằng khen cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương: Để tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, được bộ, ban, ngành, địa phương ghi nhận. Trên cơ sở đối tượng, tiêu chuẩn nêu trên, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét chọn, đề nghị khen thưởng theo nguyên tắc “Cấp nào quản lý về tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quỹ lương thì cấp đó có trách nhiệm khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với các đối tượnng thuộc phạm vi quản lý. Việc đề nghị khen thưởng thực hiện theo trình tự, thủ tục đơn giản (quy định tại Điều 55 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ). Hồ sơ đề nghị khen thưởng thực hiện theo thủ tục đơn giản gồm 3 bộ (bản chính), gồm có: Tờ trình đề nghị khen thưởng của bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (kèm theo danh sách các tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng). Bản tóm tắt thành tích của cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trực tiếp, trong đó thể hiện rõ thành tích, cấp độ và phạm vi ảnh hưởng của thành tích đối với công tác phòng, chống đại dịch COVID-19. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đề nghị căn cứ theo Hướng dẫn này, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ưomg căn cứ đặc điểm, tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ và mức độ tham gia, đóng góp của các tập thể, cá nhân vào công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 để xét chọn, khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị cấp trên khen thưởng. Chú trọng khen thưởng các tập thể ở cơ sở, cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch có thành tích tiêu biểu xuất sắc. Cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan hướng dẫn thủ tục, hồ sơ, tổng hợp danh sách đề nghị khen thưởng đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Phương Thanh

Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận chính quyền theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2021), 22 năm “Ngày dân vận của cả nước” (15/10/1999 - 15/10/2021), đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ có bài viết "Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận chính quyền theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng". Tạp chí trân trọng đăng toàn văn bài viết của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (áo xanh) tiếp xúc cử tri thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV.   NHỮNG ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG TRONG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP THỜI GIAN QUA Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác dân vận. Tư tưởng về công tác dân vận của Người không chỉ đặt nền móng và kim chỉ nam cho đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; mà còn hàm chứa những giá trị, ý nghĩa nhân văn cao cả, sâu sắc. Người khẳng định: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; công tác dân vận là sợi chỉ đỏ, là nguyên tắc chiến lược xuyên suốt quá trình xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách đến tổ chức thi hành và kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.  Học tập, quán triệt và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến công tác dân vận nói chung, công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp nói riêng. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng qua các nhiệm kỳ và các nghị quyết chuyên đề về công tác dân vận của Đảng đều khẳng định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của đất nước, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.   Trải qua 76 năm xây dựng đất nước, xây dựng chính quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác dân vận luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, dựa trên vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, bám sát thực tiễn của đất nước, đã đạt những kết quả rất tích cực, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Đặc biệt, trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhất là những năm gần đây, công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả hơn, góp phần đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đúng theo quan điểm nhất quán của Đảng: “Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ”.  Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng trong việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng thành chính sách, pháp luật; xây dựng cơ chế phối hợp với các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị và tổ chức thực hiện, đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng “Chính phủ thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận bằng các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện”, Chính phủ đã chỉ đạo rất sâu sát, quyết liệt công tác xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tạo những điều kiện tốt nhất để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến, giám sát, phản biện các dự thảo chính sách, pháp luật; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xứng đáng là một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân.  Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp uỷ đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận.  (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả, sáng tạo các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Trong đó, cần thực hiện thật tốt 6 nội dung trọng tâm trong Phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động để huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các tầng lớn nhân dân, các ngành, các cấp tham gia phòng, chống dịch; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội... Cần lôi cuốn, tập hợp, phát huy vai trò chủ động, tích cực của nhân dân tham gia vào các phong trào thi đua xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sao cho đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thực sự là động lực to lớn và mạnh mẽ để tập hợp, đoàn kết Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đồng tâm hiệp lực, chung sức chung lòng xây dựng đất nước phát triển vững mạnh, Nhân dân hạnh phúc. Xác định nhiệm vụ quản lý nhà nước theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trở thành nền nếp hàng ngày của xã hội mới, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã ban hành các văn bản về thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện dân chủ ở nơi làm việc; quy định và hướng dẫn việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn để quy định rõ dân được biết, được bàn những vấn đề gì; phương thức tổ chức để cho dân biết và dân bàn như thế nào; dân được làm như thế nào và được kiểm tra ai, kiểm tra vấn đề gì, kiểm tra ở đâu… Kết quả to lớn và hết sức tốt đẹp đạt được là phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã đi vào thực tế cuộc sống, từng bước nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tác phong, nền nếp thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa; tạo không khí dân chủ, cởi mở hơn trong từng loại hình cơ quan, đơn vị cơ sở cũng như toàn xã hội; quyền dân chủ của người dân được tôn trọng, mở rộng. Dân tin Đảng, Đảng tin dân, kính trọng Nhân dân, học hỏi Nhân dân, phục vụ Nhân dân đã thành phong trào rộng lớn, lan tỏa rộng khắp, thành nếp nghĩ và lối sống hàng ngày, góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội.  Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ và quan điểm chỉ đạo của Đảng: “Công tác dân vận là trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị”, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả cao với các cơ quan của Đảng, Quốc hội và HĐND, các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp để vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội và các phong trào thi đua yêu nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản về tăng cường và đổi mới công tác dân vận chính quyền và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; tiêu biểu là Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”; thường xuyên gặp gỡ và đối thoại với các tầng lớp nhân dân để lắng nghe tâm tư, kịp thời có giải pháp giải quyết nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; chỉ đạo xử lý kịp thời các vấn đề bức xúc, các vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài. Ban Cán sự đảng Chính phủ và Ban Dân vận Trung ương đã ký kết Chương trình phối hợp về triển khai, thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2016 - 2021; trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ký kết và triển khai thực hiện Chương trình phối hợp với Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy về thực hiện công tác dân vận chính quyền giai đoạn 2016 - 2021; các năm 2018, 2019 được Ban Dân vận Trung ương xác định chủ đề là “Năm dân vận chính quyền” để hướng dẫn, phối hợp triển khai thực hiện trên cả nước...  Sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương còn thể hiện qua việc phân công lãnh đạo Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương trực tiếp phụ trách công tác dân vận. Cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp đều ban hành và triển khai thực hiện chương trình công tác dân vận để không ngừng nâng cao nhận thức về công tác dân vận; đẩy mạnh các mô hình “Dân vận khéo” lồng ghép với các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện văn hóa công sở; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn; thu hút, tập hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, các cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp đã bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống dịch COVID-19 để triển khai thực hiện và vận động Nhân dân cả nước phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung tay, chung sức ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Công tác dân vận chính quyền trong bối cảnh dịch COVID-19 cho thấy, cùng với vacxin y tế thì chúng ta đã huy động được từ nhân dân nguồn “vacxin vật chất” (tiền, vật tư trang thiết bị, lương thực, thực phẩm...) và “vacxin tinh thần” (những tấm gương tập thể và cá nhân người tốt, việc tốt, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài chung sức, chung lòng phòng, chống dịch COVID-19). Những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thành công trong công tác dân vận nói chung, công tác dân vận chính quyền nói riêng và tinh thần đoàn kết và nghĩa cử cao đẹp của đồng bào ta trong bối cảnh muôn vàn khó khăn do dịch COVID-19 thêm một lần nữa nhắc nhở chúng ta về lời dạy của Bác Hồ: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” và cần luôn ghi lòng tạc dạ rằng: “Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa - tài sản tinh thần vô giá cần phải giữ gìn và phát huy”. Với quyết tâm, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của Nhân dân cả nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn sẽ thành công trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong thời gian sớm nhất. Những kết quả tiêu biểu nêu trên đã được Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trân trọng ghi nhận, khẳng định: “Tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là dân vận chính quyền gắn với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, góp phần tạo đồng thuận, tăng cường mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân, phát huy vai trò nhân dân tham gia xây dựng Đảng”.  Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi với các lực lượng tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tại tỉnh Vĩnh Phúc.   NHỮNG NỘI DUNG TRỌNG TÂM TRONG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP TRONG THỜI GIAN TỚI  Phát huy truyền thống vẻ vang và những kết quả tốt đẹp trong thời gian qua, việc tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận chính quyền các cấp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần tập trung vào những nội dung trọng tâm sau: Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận nói chung, công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp nói riêng.  Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ cần “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận”. Quán triệt quan điểm chỉ đạo này, Chương trình công tác dân vận của cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp phải chú trọng hơn nữa việc nâng cao nhận thức của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở để tạo chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm và hành động của từng cơ quan, tổ chức và người đứng đầu, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 23-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Nâng cao nhận thức về công tác dân vận phải thể hiện trước hết bằng việc xây dựng chương trình công tác dân vận của từng bộ, ngành, địa phương theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”, “đưa chính trị vào giữa dân gian”… để đảm bảo nội dung và giải pháp, lộ trình và biện pháp đảm bảo thực hiện phù hợp với chức  năng, nhiệm vụ, công tác chuyên môn, đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị và địa phương, bảo đảm tính khả thi, thiết thực, hiệu quả. Kết quả tổ chức thực hiện chương trình công tác dân vận phải được coi là cơ sở quan trọng để kiểm điểm, đánh giá và xếp loại tập thể chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương hàng năm và cả nhiệm kỳ. Trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần đổi mới công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân bằng các ứng dụng, phương tiện hiện đại trên không gian mạng, mở rộng các kênh thông tin, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng để cung cấp kịp thời thông tin, giải thích chính sách, pháp luật, tạo đồng thuận trong Nhân dân.  Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, chương trình công tác dân vận của từng bộ, ngành, địa phương phải gắn với tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tổ chức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin về công tác dân vận trong cơ quan nhà nước và chính quyền các cấp; nắm sát tình hình Nhân dân, nhất là những bức xúc trong Nhân dân và những kiến nghị của cử tri. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải sâu sát cơ sở để nắm chắc tình hình và diễn biến tâm lý của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trong việc chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các tình huống bất thường xã hội có thể xảy ra; người đứng đầu phải trực tiếp tiếp công dân và chỉ đạo việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo để giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh, đề xuất chính đáng của Nhân dân.  Hai là, khẩn trương nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ về phương hướng, giải pháp tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thành những chính sách, pháp luật cụ thể, bảo đảm mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với lợi ích và nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Phát huy được vai trò tích cực, chủ động của Nhân dân trong quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích thiết thân của Nhân dân. Theo hướng này, cần ưu tiên nghiên cứu, tổng kết, đánh giá tình hình tổ chức thi hành việc thực hiện Quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (tích hợp và pháp điển hóa cả 4 nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở) để ban hành vào thời điểm thích hợp. Đồng thời, tổ chức đánh giá, tổng kết Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội” để nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến về việc hoàn thiện pháp luật về hoạt động giám sát của Nhân dân, về hoạt động giám sát và phản biện xã hội để thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Kiên trì thực hiện các nhiệm vụ này sẽ đảm bảo cho dân chủ XHCN được phát huy, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở và dân chủ trực tiếp sẽ tạo ra động lực và nguồn sinh khí mới, không chỉ lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, mà hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước cũng sẽ năng động hơn để cùng khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.  Ba là, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp gắn với triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và chính quyền địa phương trong thời gian tới.  Cần gắn chương trình công tác dân vận với nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ là xây dựng và hoàn thiện nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, dựa vào nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh. Chương trình công tác dân vận của các bộ, ngành, địa phương phải gắn kết việc tổ chức thi hành chính sách, pháp luật, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, nâng cao đời sống Nhân dân với việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, cần tập trung thực hiện cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính; nâng cao đạo đức công vụ, gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.  Để thiết thực thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, thời gian tới cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế về mối quan hệ giữa chính quyền với Nhân dân sao cho vừa phát huy được sức mạnh tập thể; vừa đề cao vai trò và trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, thực sự là hạt nhân đoàn kết tập thể và Nhân dân. Đồng thời, gắn với nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ Nhân dân; thực hiện tốt các quy định về công khai, minh bạch, công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý tiêu cực, vi phạm pháp luật, nâng cao sự hài lòng của Nhân dân. Quan tâm tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức về kỹ năng công tác dân vận, nhất là cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý, công chức phụ trách công tác dân vận và công chức thường xuyên tiếp xúc với Nhân dân tại các trung tâm phục vụ hành chính, bộ phận một cửa, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân.../. PHẠM THỊ THANH TRÀ - ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC TRUNG ƯƠNG, BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ  

Nâng cao chất lượng công tác cán bộ của Văn phòng Quốc hội

TĐKT - Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Quản lý cán bộ, đảng viên còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, chậm đổi mới, kém hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi chưa thường xuyên, không nghiêm túc”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII Nhằm đảm bảo công tác cán bộ phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới; đồng thời, thí điểm đổi mới trong việc đánh giá cán bộ “đủ đức, thực tài”; mới đây ngày 30/9/2021, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội đã ban hành văn bản số 378 HD/ĐU về việc hướng dẫn (tạm thời) về quy trình giới thiệu, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý cấp Tổng cục, cấp Vụ hoặc tương đương của Văn phòng Quốc hội. Văn bản này cho thấy, ngoài những tiêu chuẩn chung theo quy định của Đảng và Nhà nước thì còn một số tiêu chuẩn mới, riêng được thí điểm nhằm nâng cao chất lượng của cán bộ lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. Liên quan tới vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng. Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho hay, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã kết thúc tốt đẹp và thống nhất cao ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Điều mới tại Hội nghị Trung ương lần này là đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... Đồng thời, bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", "tiêu cực" sát hợp tình hình mới. Như vậy, văn bản của Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội mới ban hành là rất phù hợp với tình hình mới. Ông Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Tôi đã từng phát biểu rằng: “Tôi mong muốn rằng, Chính phủ phải là một Chính phủ sáng tạo, hành động; Quốc hội phải là một Quốc hội “nhân văn” - đỉnh cao của quyền lực nhân dân; còn cơ quan tư pháp, đặc biệt là Toà án là biểu tượng - hiện thân của công lý. Quốc hội là đỉnh cao quyền lực của nhân dân và như tôi cũng đã phát biểu: “Trong kết quả thắng lợi của Chính phủ, Tòa án, Kiểm sát, Kiểm toán, hoạt động của Chủ tịch nước đều có bóng dáng, công lao, sự cố gắng của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội”. Chính vì vậy công tác cán bộ của Quốc hội là vô cùng quan trọng!”. Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, Tiến sĩ luật Lưu Bình Nhưỡng. Ông Lưu Bình Nhưỡng thẳng thắn nói, nhiều cán bộ, lãnh đạo hiện nay có lối sống ích kỷ, thực dụng, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Như chúng ta đã biết, thời gian qua Trung ương đã kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và hơn 70.000 đảng viên vi phạm, có cả những người giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu... Việc chạy chức, chạy quyền từ ngày xưa và đến bây giờ vẫn vậy; nó luôn là một chủ đề nóng hổi, xảy ra ở mọi nơi và kể cả tại Quốc hội cũng không là ngoại lệ. Thời gian qua xảy ra một loạt các vụ “nâng đỡ không trong sáng” tại các địa phương như Quảng Nam, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc…Báo chí vào cuộc phản ánh và cơ quan chức năng đã phải vào cuộc xử lý. Vị Tiến sĩ luật khẳng định, việc Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội ban hành văn bản về việc hướng dẫn (tạm thời) về quy trình giới thiệu bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý cấp Tổng cục, cấp Vụ hoặc tương đương của Văn phòng Quốc hội trong giai đoạn “bình thường mới” hiện nay là vô cùng cần thiết; nó thể hiện tính trách nhiệm cao trong việc “đặt” quyền lực nhân dân vào những cán bộ có “đủ đức, thực tài”. “Từng tham gia hoạt động nghị trường, nay vẫn tiếp tục làm cán bộ của Quốc hội, trong hướng dẫn này, tôi nhận thấy có một số điểm mới tại tiêu chuẩn bổ nhiệm Vụ trưởng và tương đương; Tổng Biên tập báo Đại biểu Nhân dân; Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội nhằm đánh giá sâu sát cũng như tránh chuyện “nâng đỡ không trong sáng” cán bộ” - ông Nhưỡng chia sẻ thêm. Vị Tiến sĩ luật phân tích, ngoài những tiêu chuẩn chung, văn bản này đã chi tiết hóa những cán bộ được giới thiệu, bổ nhiệm này phải có đủ những năng lực như tham mưu, tổ chức, đề xuất, đánh giá, phân tích, tổng kết, quản trị, cải cách hành chính…; phải nắm vững đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, phải am hiểu tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và thế giới. Đặc biệt là quy định về kinh nghiệm công tác, theo đó các cán bộ được giới thiệu, bổ nhiệm phải có kinh nghiệm công tác 3 năm đảm nhiệm và hoàn thành tốt chức vụ Phó Vụ trưởng hoặc tương đương… trừ trường hợp đặc biệt (Theo quy định của Đảng, trường hợp đặc biệt ở đây là nhân sự duy nhất không có người thay thế). Đây là một quy định quan trọng đòi hỏi một năng lực thực sự của cán bộ được tổ chức nhìn nhận, đánh giá và tín nhiệm. Những quy định này sẽ là "barrie" cho những người muốn giúp đỡ “không trong sáng” và những người muốn tìm cách “leo cao không trong sáng” - Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh. Tố Quyên

Để thi đua không chỉ có "phát" mà nhất thiết phải "động"

TĐKT - “Việc tổ chức phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” không chỉ có “phát” mà nhất thiết phải “động”, phải đến và được đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ hưởng ứng” -  Đó là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai một số nội dung về công tác thi đua, khen thưởng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng 6/10. Nỗ lực để vượt khó Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh COVID - 19 đã tác động tiêu cực đến hầu hết các mặt của đời sống xã hội, nhiều hoạt động bị gián đoạn, trì trệ và cần có thời gian để đưa tất cả vào nếp và vào guồng trở lại. Tại các doanh nghiệp, việc tái khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp trở ngại ở nhiều mặt, trước mắt là huy động lực lượng công nhân lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã và đang chuyển về quê sau thời gian dài ngưng việc và những ám ảnh bởi dịch bệnh, bởi điều kiện sống và sinh hoạt ở nhà trọ chật hẹp trong các khu phong tỏa… Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai một số nội dung về công tác thi đua, khen thưởng tại điểm cầu Hà Nội Tại các cơ quan, đơn vị, quá trình làm việc trực tuyến cũng phát sinh một số vấn đề liên quan đến tinh thần trách nhiệm, động lực làm việc; thái độ và cách tiếp cận công việc và tâm thế sẵn sàng trở lại cho một hành trình mới đầy chông gai. Việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó, năng lực sáng tạo của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ tại thời điểm này là rất cần thiết. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”; đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ phát động. Phong trào góp phần cổ vũ, động viên đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức và người lao động tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống đại dịch Covid-19; đồng thời là trách nhiệm và quyết tâm cao nhất của tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp và cả nước trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” góp phần sớm kiểm soát và chiến thắng đại dịch Covid-19, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép”. Chia sẻ về phong trào thi đua này, tại Hội nghị trực tuyến triển khai một số nội dung về công tác thi đua khen thưởng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hôm 6/10, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn bám sát nội dung kế hoạch tổ chức phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” để triển khai thực hiện. Việc tổ chức phong trào thi đua không chỉ có “phát” mà nhất thiết phải “động”, phải đến và được đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ hưởng ứng. Trao đổi phương thức thi đua hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải gợi ý về cách mở mục “Nhật ký vượt khó” để ghi nhận kịp thời những điển hình. “Trong khó khăn đơn vị nào cũng khó, cá nhân nào cũng khó nhưng đã vượt qua thế nào, thành quả ra sao mới quan trọng. Bên cạnh ghi nhận những kết quả lớn, mang lại giá trị làm lợi cao thì cần chú trọng đến những sáng kiến vì cộng đồng, sáng kiến của những người thợ, có như vậy mới phát huy tinh thần sáng tạo – là phẩm chất cao qúy của người lao động Việt Nam” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh. Bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm của toàn hệ thống, phong trào sẽ tạo nên sự đột phá và lan tỏa trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các ý kiến cũng đề xuất các cấp công đoàn, nhất là người đứng đầu, cần đổi mới tư duy, năng động sáng tạo, tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, phù hợp với điều kiện dịch bệnh; nắm chắc và đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động để chăm lo tốt hơn, kịp thời, đúng đối tượng cho người lao động; chủ động giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách về hỗ trợ phòng, chống Covid-19; phát huy các công cụ truyền thông để tuyên truyền kịp thời các hình ảnh hoạt động của tổ chức công đoàn đến với người lao động. Sáng tạo phải được ghi nhận Thời gian qua, hệ thống công đoàn cả nước đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình sáng tạo, thiết thực, phù hợp với vai trò của tổ chức, góp phần phòng, chống dịch và giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Những hoạt động này không chỉ thể hiện sự chung tay với toàn hệ thống chính trị mà còn thể hiện sự đồng hành, chia sẻ kịp thời với khó khăn của người lao động và doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao gói nhiều gói hỗ trợ trị giá gần 5 nghìn tỷ đồng đến đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ trong khu cách ly, phong tỏa; công nhân ở các khu nhà trọ, công nhân ở các doanh nghiệp làm việc “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”; con công nhân mồ côi do COVID-19…  Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu cả nước Những mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy hiệu quả, có sự đổi mới, phát triển như mô hình tổ an toàn Covid trong khu nhà trọ, tổ an toàn Covid lưu động trên xe ô tô chở công nhân của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa; xe buýt siêu thị 0 đồng, túi an sinh xã hội, “Vùng xanh doanh nghiệp” của LĐLĐ TP Hà Nội; túi thuốc cho F0; suất cơm nghĩa tình hỗ trợ các hộ khó khăn, lực lượng phòng, chống dịch; mô hình tư vấn sức khỏe phòng ngừa dịch bệnh Covid-19; đội tiếp ứng thực phẩm tận nhà cho đoàn viên, người lao động; Đường dây nóng “An sinh công đoàn”; mô hình đi chợ hộ cho đoàn viên; mô hình “An toàn phòng, chống dịch, an toàn sản xuất” của LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai; “Trao sữa yêu thương - Ấm tình công đoàn” của LĐLĐ tỉnh Long An; “Chuyến xe nghĩa tình” hỗ trợ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 của LĐLĐ tỉnh Cần Thơ… Nhiều cán bộ công đoàn đã tình nguyện và xả thân tham gia các hoạt động phòng, chống dịch; xung phong vào tâm dịch, vượt qua mọi gian khổ, nguy hiểm để sát cánh bên người lao động khó khăn. Công đoàn đã và đang làm được rất nhiều việc có ý nghĩa giúp CNVCLĐ trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, được các đoàn viên công đoàn ghi nhận và dư luận đánh giá cao. Người lao động tham gia sản xuất trong khó khăn, dịch bệnh nhưng đã có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả, lợi ích cho doanh nghiệp; nhiều người trong số họ trong thời gian tạm thời ngừng việc đã tình nguyện tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch, đồng thời lạc quan khích lệ tinh thần cho bạn bè, đồng nghiệp yên tâm ở lại địa phương nơi làm việc để tiếp tục lao động, sản xuất. Các cấp công đoàn đã chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch. LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19; 86 tập thể, cá nhân là cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn các cấp được tặng Bằng khen của Tổng Liên đoàn, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang về thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Công đoàn Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam khen thưởng 14 tập thể, 50 cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; Công đoàn Y tế Việt Nam khen thưởng 100 tập thể và trên 600 cán bộ y tế có thành tích xuất sắc trong phòng, chống Covid-19 trong đợt 4... Các LĐLĐ TP Hà Nội, tỉnh Cần Thơ đã khen thưởng đột xuất cho các tập thể và cá nhân nỗ lực vượt khó, sáng tạo, như khen thưởng  cho mô  hình “Tổ an toàn COVID”; “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Vùng xanh doanh nghiệp”… Ghi nhận sự chủ động thực hiện chính sách động viên của tổ chức công đoàn trong thực hiện phong trào thi đua, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc phát hiện tập thể, cá nhân điển hình và kịp thời khen thưởng cần được tiến hành nhiều đợt, không chờ dịch bệnh ổn mới sơ kết, tổng kết, qua đó góp phần lan tỏa để ngày càng có nhiều hơn những điển hình đó. Về tiêu chí đối với tập thể phải có cách làm mới, sáng tạo, có mô hình mới được nhân rộng hoặc có hiệu quả cao trong chỉ đạo, triển khai và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; nắm bắt chặt chẽ tình hình tư tưởng, tâm lý và kịp thời có giải pháp ổn định đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động; chủ động, thực hiện tốt và rõ những công việc của công đoàn phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch và tham gia có hiệu quả thực hiện các giải pháp ổn định sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện tốt “mục tiêu kép”. Thông tin kịp thời, chính xác, sâu sắc về hoạt động của công đoàn phối hợp thực hiện sâu sát, an toàn; chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, góp phần quan trọng định hướng và tạo sự đồng thuận trong đoàn viên, người lao động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và quy định về phòng, chống dịch. Không có đoàn viên, CNVCLĐ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; không để đoàn viên, người lao động tụ tập đông người, gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn. Kịp thời tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách để huy động tất cả các nguồn lực dành cho công tác phòng, chống dịch và các cơ chế, chính sách tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động khó khăn và duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định việc làm, đời sống người lao động. Đối với cá nhân, một trong những tiêu chí quan trọng là có sáng kiến, sáng tạo hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là những cá nhân trên tuyến đầu, những tấm gương quên mình trong công tác phòng, chống dịch; trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đoàn viên, người lao động; trong công tác thiện nguyện, huy động xã hội hóa các nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch; trong lao động, sản xuất an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao. “Quy trình xét chọn cần được nghiên cứu để giảm bớt thủ tục hành chính và hạn chế thấp nhất việc gửi hồ sơ khen thưởng nhưng không đạt yêu cầu. Đối với các tập thể và cá nhân được đề xuất khen cao thì phải thật sự xứng đáng, ghi nhận được nỗ lực và phải được tập thể suy tôn” – ông Trần Thanh Hải khẳng định. Ngọc Tú      

Nâng cao hiệu quả chính sách thi đua khen thưởng trong khu vực công

Thực tiễn đã chứng minh thành tựu đạt được của chính sách thi đua, khen thưởng là đã góp phần huy động được sức mạnh đoàn kết, tổng hợp sức mạnh vật chất và tinh thần của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng XHCN. Ngày 26/8, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học "Chính sách thi đua khen thưởng trong khu vực công" theo hình thức trực tuyến. Hội thảo trực tuyến đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các cơ quan, đơn vị, giảng viên và các chuyên gia trong lĩnh vực chính sách thi đua khen thưởng tham dự. Trường ĐH Nội vụ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học  theo hình thức trực tuyến. Ảnh: HT Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Quốc Sửu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ Hà Nội khẳng định: Công tác thi đua, khen thưởng có vai trò to lớn trong trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Thi đua và khen thưởng là hai nội dung có quan hệ chặt chẽ và tác động biện chứng lẫn nhau. Thi đua là động lực thúc đẩy các cá nhân, tổ chức hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trách nhiệm được giao. Trên cơ sở đó, khen thưởng vừa là kết quả, vừa là yếu tố cổ vũ, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển. “Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua, khen thưởng nhằm động viên, thôi thúc và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”- PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu nhấn mạnh. PGS.TS Nguyễn Quốc Sửu cho rằng, trong các thời kỳ lịch sử, cùng với những thăng trầm của lịch sử, Nhà nước ta đã không ngừng hoàn thiện chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; cơ cấu tổ chức bộ máy chuyên trách; đổi mới cách thức, phương pháp tổ chức thi đua, khen thưởng. Thực tiễn đã chứng minh thành tựu đạt được của chính sách thi đua, khen thưởng là đã góp phần huy động được sức mạnh đoàn kết, tổng hợp sức mạnh vật chất và tinh thần của cả dân tộc trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ và sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng XHCN. Những thành công bước đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở nước ta trong thời gian vừa qua cũng đã chứng minh điều đó. Bên cạnh những thành tựu đạt được, theo Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nội vụ Hà Nội trong quá trình hoạch định, tổ chức thực thi và đánh giá chính sách thi đua, khen thưởng cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Đặc biệt, trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong thời gian qua, hoạt động thi đua, khen thưởng có nhiều yếu tố bị mai một, bị bóp méo, thậm chí nhiều cơ quan đoàn thể, nhiều cá nhân đã lợi dụng công tác này để chạy danh hiệu, để “thổi phồng” thành tích, “đánh bóng” thương hiệu,... Những vấn đề trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan từ những lỗ hổng hoặc thiếu vắng những quy định cụ thể, thiết thực, phù hợp; sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của một số cán bộ, cơ quan quản lý; sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình tổ chức thực thi quy trình chính sách; chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách của công tác thi đua, khen thưởng chưa cao…. Do vậy, việc nghiên cứu chính sách thi đua khen thưởng trong khu vực công là cần thiết trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học thảo luận bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: HT  Tại hội thảo trực tuyến, các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học đã thảo luận, tập trung làm rõ sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến chính sách thi đua khen thưởng; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, của cá nhân trong thực hiện chính sách thi đua khen thưởng trong thời gian vừa qua; đánh giá những thành tựu, hạn chế trong chu trình của chính sách thi đua khen thưởng. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách cũng như chỉ ra những bài học kinh nghiệm của các cấp trong thực hiện chính sách thi đua khen thưởng trong thời gian tới. Theo dangcongsan.vn

Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam

TĐKT - Ngày 25/8, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của cách mạng Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 15 điểm cầu, với 2 điểm cầu chính là Hà Nội và Quảng Bình. Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo Hội thảo. Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo khẳng định, cuộc đời hơn 80 năm hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những mốc son lịch sử trọng đại đánh dấu quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Từ một học sinh, nhà báo, nhà giáo, nhà hoạt động cách mạng, ông đã trở thành một vị tướng kiệt xuất; một nhà chiến lược mưu trí, sáng tạo; một vị Tổng Tư lệnh văn võ song toàn; một nhà tổ chức hàng đầu của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hội thảo là một trong những hoạt động kỷ niệm lớn, có ý nghĩa thiết thực của đất nước, quân đội trong năm 2021. Kết quả Hội thảo sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là giúp thế hệ trẻ nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào, tự tôn dân tộc; xây dựng quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt cho toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định tinh thần trọn đời phấn đấu, hy sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đồng thời nhấn mạnh, trong quá trình hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được Đảng, Nhà nước và Quân đội tin tưởng giao phó nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt. Trải qua nhiều vị trí, hoạt động trên nhiều cương vị khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhà lãnh đạo tiêu biểu của cách mạng Việt Nam, một tài năng quân sự xuất chúng, có những công lao to lớn đối với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, chiến thắng oanh liệt của QĐND Việt Nam. Tên tuổi của Đại tướng đã gắn liền với những thắng lợi oanh liệt của quân đội, của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần làm thay đổi dòng chảy lịch sử của đất nước và thế giới. Là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, với tầm cao trí tuệ và tinh thần hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được toàn quân, toàn dân tin yêu, mến phục, suy tôn là “Anh Cả của quân đội”, “Đại tướng của nhân dân”, “Tư lệnh của các Tư lệnh”, “Chính ủy của các Chính ủy”, “Tướng của các Tướng”, được quốc tế đánh giá là “Vị tướng của phong trào giải phóng dân tộc”. Tại Hội thảo, hơn 100 tham luận từ các đồng chí lão thành cách mạng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội; những người có dịp tiếp xúc, làm việc với Đại tướng… đã đề cập toàn diện từ truyền thống gia đình, quê hương, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng đến những cống hiến đặc biệt xuất sắc trên nhiều lĩnh vực của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam mà Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp có công lao đóng góp đã làm thay đổi dòng chảy lịch sử của dân tộc, tác động mạnh mẽ đến lịch sử thế giới, đưa ông trở thành danh tướng của mọi thời đại, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự, góp phần làm phong phú nghệ thuật quân sự Việt Nam, hình thành học thuyết quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, để lại giá trị sâu sắc cho công cuộc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Không chỉ là vị Tổng Tư lệnh tài ba, trực tiếp chỉ đạo quân và dân ta đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là nhà lãnh đạo uy tín của Đảng, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong thời kỳ giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (1981 - 1991), Đại tướng đã góp phần quan trọng xác định phương hướng thực hiện cách mạng khoa học - kỹ thuật một cách đúng đắn, phù hợp, với việc kết hợp những bước đi tuần tự và những bước phát triển nhảy vọt, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm phục vụ kịp thời, có hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng vào những khâu chủ chốt, tạo sự chuyển biến tích cực để giải quyết những vấn đề của ngành giáo dục nước nhà và nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi; có nhiều ý kiến quan trọng, có giá trị cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Cuộc đời của Đại tướng là tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân noi theo. Những quan điểm, lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội cách mạng, về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, về xây dựng và phát triển đất nước; những kinh nghiệm chỉ đạo, chỉ huy của Đại tướng… là tài sản vô giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kết quả Hội thảo góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và lòng tự hào, tự tôn dân tộc; xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xứng đáng là lực lượng nòng cốt cho toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nguyệt Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi)

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 2, sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau 17 năm thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế trong triển khai phong trào thi đua và công tác khen thưởng; về thủ tục, hồ sơ khen thưởng; về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Do đó, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng là cần thiết. Về quan điểm sửa đổi Luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Luật sửa đổi phải đảm bảo thể chế đường lối, chủ trương của Đảng về công tác thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc và cả hệ thống chính trị, tạo động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương và của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng phù hợp với công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đảm bảo đồng bộ, phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính đảm bảo kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật.  Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo thẩm tra Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật Về cơ bản, Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, những nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật chưa khắc phục một cách căn cơ những bất cập, hạn chế trong báo cáo tổng kết; vẫn còn thiếu sự liên kết giữa các báo cáo thành phần của hồ sơ. Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, còn một số hạn chế trong triển khai thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng nhằm biểu dương, tôn vinh các đối tượng là doanh nhân, doanh nghiệp có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc về quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện để thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng cũng như quản lý nhà nước đối với việc tổ chức các giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân. Về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, chưa đủ điều kiện để bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự án Luật. Thường trực Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ: cần tiếp tục rà soát, thực hiện việc khen thưởng tổng kết kháng chiến, khen thưởng xây dựng bảo vệ Tổ quốc cho Thanh niên xung phong có công lao, thành tích, cống hiến cũng như thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật thi đua, khen thưởng, pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm không đối tượng nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn bị bỏ sót. Thường trực Ủy ban Xã hội trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chỉ đạo. Về thủ tục và hồ sơ đề nghị danh hiệu thi đua và khen thưởng, Thường trực Ủy ban Xã hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ với những nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ: Làm rõ tuyến trình thi đua, khen thưởng đối với khu vực ngoài công lập; Thể hiện cụ thể hơn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng trong các quy định của dự thảo Luật; Làm rõ vấn đề khen thưởng thành tích có nội dung bí mật Nhà nước; Nghiên cứu, sửa đổi quy định về cơ quan chủ trì trình khen thưởng đối với các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho phù hợp với quy định của Đảng và thực tiễn công tác quản lý cán bộ hiện nay. Cho ý kiến tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các nội dung sửa đổi trong công tác thi đua, khen thưởng nhằm khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng. Liên quan đến nội dung bổ sung hình thức khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ban Bí thư đã đồng ý chủ trương tặng thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ các thời kỳ kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng cho phù hợp tình hình mới, trong đó có nội dung khen thưởng huy chương cho thanh niên xung phong nói trên. Do đó, nếu cần thiết thì có thể thiết kế hai phương án để xin ý kiến Quốc hội về nội dung này. Đồng thời đề nghị Chính phủ cũng làm rõ các tiêu chuẩn xét tặng để tránh trùng lặp, đối tượng xét tặng phải cụ thể rõ ràng để đảm bảo sự công bằng. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu Về vấn đề khen thưởng cho đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, các đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xếp ngoài quy định của Luật Thi đua, khen thưởng. Đây là một trong vướng mắc nhiều năm của thực tiễn. Do đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định điều chỉnh nội dung này; đồng thời làm rõ vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức phong trào thi đua, quyết định các vấn đề về khen thưởng; quy định nào đặc thù… Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Bộ Nội vụ đã có sự chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật chu đáo; Ủy ban Xã hội đã có báo cáo thẩm tra đầy đặn, tiếp thu nhiều ý kiến chất lượng. Nhấn mạnh đây là một trong những sản phẩm đầu tay của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phải tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng thêm. Để khắc phục được những tồn tại hạn chế, sau khi Luật ban hành sẽ tạo được những bước chuyển căn bản, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật sửa đổi lần này cần khắc phục bệnh thành tích; công khai, minh bạch; bao quát, không để khoảng trống, đảm bảo sự bình đẳng trong các cơ quan, tổ chức chinh trị; khắc phục tình trạng chồng chéo, thận trọng đối với những vấn đề bổ sung mới. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến Tiếp thu những ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, xác đáng của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra, nghiên cứu, hoàn thiện, làm rõ thêm nhiều nội dung để đảm bảo Luật sửa đổi có tính căn cơ, khoa học, toàn diện, khắc phục được những tồn tại trong thực tiễn thời gian qua. Kết luận môt số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết xây dựng dự án Luật; đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề còn vướng mắc, chưa phù hợp để có định hướng sửa đổi cho trúng, cho đúng, cho toàn diện; bổ sung thêm nội dung các báo cáo thành phần. Phạm vi sửa đổi Luật cần lưu ý ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội; đảm bảo khái quát được vấn đề thi đua, khen thưởng của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, tránh chồng chéo, hình thức; các danh hiệu thi đua cần xem xét kỹ, đảm bảo mối liên hệ giữa các cơ quan, tổ chức chính trị, khu vực ngoài nhà nước; xin ý kiến cấp có thẩm quyền việc bổ sung Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang trước khi trình Quốc hội cho ý kiến. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung làm việc Đối với cơ quan thẩm tra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật này; chủ động phối hợp các cơ quan có liên quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức các hội thảo, tọa đàm; phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam để lấy ý kiến rộng rãi; nếu cần thiết có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc hình thức phù hợp để góp ý đối với dự án Luật quan trọng này. Đối với cơ quan soạn thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan; hoàn thiện Hồ sơ để trình lại Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nếu cần thiêt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo lại trước khi trình ra Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ hợp thứ hai, Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới đây./. Theo  quochoi.vn

Trang